Sự phẫn nộ, tức giận, cơn nóng giận… bất cứ tên gì bạn gọi về nó đều có thể xảy ra với tất cả chúng ta, kể cả Phật tử. Phật tử coi trọng lòng từ bi nhưng đôi khi chúng ta cũng nổi giận. Vậy Phật giáo dạy chúng ta làm thế nào để kiểm soát cơn tức giận đang bóp nghẹt trái tim và tâm trí?
Tức giận (bao gồm tất cả các hình thức ác cảm) là một trong ba chất độc, 2 đối tượng kia là tham ái và vô minh. Đây là nguyên nhân chính khiến một người tái sinh vô tận trong vòng luân hồi.
Thanh lọc sự tức giận là điều thiết yếu đối với các hành giả Phật giáo. Hơn nữa, đạo Phật không có những khái niệm như là sự giận dữ “công bình” hay “chính đáng”. Tất cả sự giận dữ dù dưới hình thức nào đều là độc tố cần phải loại bỏ.
Tuy nhiên, dường như có một ngoại lệ được tìm thấy trong các trường phái Phật giáo Mật Tông Tây Tạng. Nơi sự giận dữ được sử dụng làm năng lượng để hỗ trợ cho sự giác ngộ.
Trong thực hành Dzogchen hay Mahamudra, nơi sự phẫn nộ được xem như những biểu hiện trống rỗng của tâm giác ngộ. Tuy nhiên, đây là những thực hành khó khăn, các phương pháp bí truyền không phải là cách mà ai cũng có thể thực hiện.
Mặc dù nhận ra sự tức giận là một trở ngại cho việc giác ngộ, nhưng các tu sĩ cao cấp cũng thừa nhận rằng đôi khi họ nổi giận. Điều này có nghĩa là đối với hầu hết chúng ta, giận dữ như là một lựa chọn ưu tiên để xử lý các vấn đề khó chịu.
Vậy chúng ta phải làm gì với cơn nóng giận khi nó xuất hiện? Say đây, Hoa Sen Phật xin chia sẻ một số cách có thể giúp bạn kiểm soát cơn giận của mình.
Nội dung bài viết
1. Thừa nhận bạn đang tức giận
Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng đã bao nhiêu lần bạn gặp một người rõ ràng là đang tức giận, nhưng lại khăng khăng là không?
Vì một số lý do, một số người không dám thừa nhận cơn nóng giận đang trỗi lên trong họ. Đó không phải là khéo léo. Bạn không thể xử lý một điều gì đó mà bạn không thừa nhận nó đang tồn tại.
Phật giáo dạy chánh niệm, chú ý đến bản thân là một phần của thực hành này. Khi một cảm xúc khó chịu hoặc suy nghĩ tiêu cực nảy sinh, đừng ngăn chặn nó, chạy trốn khỏi nó hoặc phủ nhận nó. Thay vào đó, hãy quan sát nó và hoàn toàn thừa nhận nó. Chân thành với chính mình là điều thiết yếu đối với Phật giáo.
2. Tìm nguyên nhân gây ra cơn giận
Điều quan trọng phải hiểu rằng, cơn nóng giận xảy ra rất thường xuyên và nó được tạo ra hoàn toàn bởi chính bạn. Nó không phải là một chất độc bên ngoài xâm nhập và lây nhiễm cho bạn.
Chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng, cơn giận xuất hiện là do một cái gì đó bên ngoài gây ra, chẳng hạn như những người khác hoặc những sự kiện khiến chúng ta cáu gắt. Nhưng các vị Thiền sư thường nói, “Không ai có thể làm bạn tức giận ngoại trừ chính bạn.”
Phật giáo dạy rằng, sự giận dữ giống như mọi trạng thái tâm trí, được tạo ra bởi tâm trí. Tuy nhiên, khi bạn đang đối phó với sự tức giận của riêng bạn, bạn nên cụ thể hơn. Giận dữ thách thức chúng ta nhìn sâu vào chính mình.
Trong hầu hết trường hợp, sự tức giận như một lớp phòng thủ của chúng ta. Nó phát sinh từ những nỗi sợ hãi chưa được giải quyết hoặc khi bản ngã của chúng ta bị tấn công. Tức giận là một giải pháp để bảo vệ bản thân.
Là Phật tử, chúng ta nhận ra rằng bản ngã, sợ hãi và giận dữ là không đáng kể và không bền vững, không phải là “sự thật”. Chúng chỉ là trạng thái tâm trí, như vậy chúng là “ma” theo nghĩa nào đó. Cho phép sự tức giận kiểm soát hành động của chúng ta cũng giống như chúng ta mở cửa chào đón các “hồn ma” vào nhà của mình.
3. Tức giận là hành động “nuông chiều bản ngã”
Trong cuộc phỏng vấn với Bill Moyer, Pema Chodron nói rằng: “Có cái gì đó khiến chúng ta mê mẫn về việc tìm ra lỗi của thứ gì đó để thỏa mãn,” cô nói. Đặc biệt là khi bản ngã của chúng ta có liên quan (hầu như luôn luôn như vậy), chúng ta có thể bảo vệ sự giận dữ của mình. Chúng ta biện minh cho nó và thậm chí là cho nó ăn.”
Tuy nhiên, Phật giáo dạy rằng sự giận dữ không thể được biện minh. Thực hành của chúng ta là nuôi dưỡng lòng từ bi, yêu thương đối với tất cả chúng sinh, không có chấp trước ích kỷ.
“Tất cả chúng sinh” bao gồm anh chàng vừa tạt nước vào người bạn ở đầu ngõ, người đồng nghiệp ăn cắp ý tưởng của bạn, và thậm chí là một người thân yêu đã phản bội bạn.
Vì lý do này, khi cơn nóng giận đang sôi sục trong lòng, chúng ta phải hết sức cẩn thận để không hành động theo cách có thể làm tổn thương người khác. Chúng ta cũng phải cẩn thận không để bám vào sự giận dữ và cho nó một nơi để sống và phát triển.
4. Làm thế nào để hết tức giận?
Bạn đã thừa nhận bạn đang nóng giận, và bạn đã tự mình kiểm tra để hiểu cái gì gây ra sự giận dữ nảy sinh. Tuy nhiên, bạn vẫn còn giận. Vậy tiếp theo phải làm gì?
Pema Chodron nói về sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn có nghĩa là chờ đợi để hành động theo cách mà không gây hại.
“Kiên nhẫn có phẩm chất trung thực to lớn trong đó,” cô nói. “Nó cũng có năng lượng bình thản, cho phép nhiều người khác nói, để người khác thể hiện bản thân, trong khi bạn không phản ứng, mặc dù bên trong bạn đang phản ứng. Nhiều dòng suy nghĩ đang chạy trong đầu.”
Nếu bạn có thực tập thiền thì đây là lúc để nó hoạt động. Ngồi yên với sức nóng và căng thẳng của cơn giận dữ. Thừa nhận sự tức giận và thâm nhập vào nó hoàn toàn. Ôm cơn nóng giận của bạn bằng sự kiên nhẫn và lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, kể cả bản thân bạn.
Giống như tất cả các trạng thái tâm trí, cơn giận chỉ là tạm thời và cuối cùng nó sẽ tan biến. Nếu bạn thất bại trong việc thừa nhận cơn giận, điều này sẽ thúc đẩy sự tồn tại liên tục của nó.
5. Đừng “cung cấp thức ăn” cho cơn giận
Bạn có thể giữ bình tĩnh khi mẹ của mình bị người hàng xóm chửi rủi? Bạn có thể bình tĩnh khi một đồng nghiệp vu cáo bạn ăn cắp ý tưởng của họ?..
Trong một xã hội phức tạp, có nhiều trường hợp rất khó để không hành động, để vẫn có thể bình tĩnh trong khi cảm xúc của chúng ta đang la hét trong đầu.
Cơn giận lấp đầy tâm trí với năng lượng sắc sảo khiến chúng ta muốn làm điều gì đó. Các nhà tâm lý học khuyên những ai đang giận giữ nên xả cơn giận bằng cách đấm mạnh vào gối hoặc hét lên. Tuy nhiên, Thiền sư Thích Nhất Hạnh lại không đồng ý với giải pháp này:
“Khi bạn thể hiện sự tức giận, bạn nghĩ rằng bạn đang xả sự tức giận ra khỏi con người bạn, nhưng đó không phải là sự thật”, ông nói. “Khi bạn thể hiện sự tức giận của mình, bằng lời nói hoặc với bạo lực thể xác, bạn đang nuôi dưỡng hạt giống giận dữ và nó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong bạn.”
Chỉ sự hiểu biết và từ bi mới có thể làm dịu cơn giận dữ đang trỗi lên.
6. Lòng từ bi mang lại sự dũng cảm
Đôi khi chúng ta nhằm lẫn sự hung hăng là sức mạnh và không hành động là yếu đuối. Phật giáo dạy rằng, điều ngược lại mới là đúng!
Cho phép cơn giận dữ đạo diễn các hành động mới là yếu đuối. Mặt khác, bạn phải cần một nỗ lực vô cùng mạnh mẽ mới có thể thừa nhận sự sợ hãi và ích kỷ bên trong bạn, nguồn gốc của sự tức giận. Bạn phải là một người thật dũng cảm mới có thể thiền trong ngọn lửa phẫn nộ.
Đức Phật nói, “Chinh phục sự tức giận bằng hòa bình. Chinh phục điều ác bằng tốt. Chinh phục sự ích kỷ bằng hào phóng. Chinh phục kẻ nói dối bằng sự trung thực.” (Dhammapada, v. 233)
Thực hiện lời dạy này với chính chúng ta, những người khác và trong cuộc sống mới chính là Phật giáo. Đạo Phật không phải là một hệ thống niềm tin, một nghi lễ hay một nhãn hiệu để in lên áo thun của bạn. Đó là điều này.
Hoa Sen Phật – Theo: thoughtco.com