Những câu hỏi về Phật giáo sau đây có thể sẽ trùng hợp với một số câu hỏi mà chúng ta đã đặt ra trong quá trình tìm hiểu tôn giáo này. Tất nhiên, nó không phải là những câu hỏi vấn đáp về Phật học mà là của một người bình thường bắt đầu tìm hiểu về Phật giáo.
Đâu đó trong những câu trả lời này, sẽ có thêm một góc nhìn khác, một chút kiến thức nào đó có thể giúp chúng ta hoàn thiện mình hơn trên con đường phát triển tâm linh.
Nội dung bài viết
1. Phật giáo là gì?
Từ Buddhism (Phật giáo) đến từ chữ “Budhi” có nghĩa là “thức tỉnh” và do đó Phật giáo là triết học thức tỉnh. Nền tảng triết học này có nguồn gốc từ kinh nghiệm của người có tên là Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhata Gotama), được biết đến như một vị Phật, người đã giác ngộ ở tuổi 35.
Đạo Phật hiện nay là 2.500 tuổi và có khoảng 300 triệu tín đồ trên toàn thế giới. Một trăm năm trước, triết học Phật giáo chủ yếu phổ biến ở châu Á nhưng ngày nay, có rất nhiều người theo tôn giáo này ở châu Âu và châu Mỹ.
2. Phật giáo có phải là triết học không?
Từ Philosophy (triết học) đến từ hai chữ “philo” có nghĩa là “tình yêu” và “sophia” có nghĩa là “trí tuệ”. Vì vậy, triết học Phật giáo là tình yêu của sự khôn ngoan hay tình yêu và trí tuệ, cả hai ý nghĩa mô tả Phật giáo một cách hoàn hảo.
Phật giáo dạy rằng, chúng ta nên cố gắng phát triển năng lực trí tuệ của mình một cách trọn vẹn nhất để có thể hiểu rõ ràng bản chất của cuộc sống, và phát triển tình yêu thương để chúng ta có thể trở thành một người bạn thật sự của tất cả chúng sinh. Do đó Phật giáo không phải là một triết học đơn thuần mà là một hệ thống triết học tối cao.
3. Đức Phật Thích Ca là ai?
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni Buddha) là người sáng lập ra Phật Giáo, một nhân vật có thật trong lịch sử. Xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca (ngày nay là nước Nepal).
Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch (15/4) năm 624 TCN (theo lý giải của Phật giáo Nam Tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của Phật giáo Bắc Tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni, nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.
Năm sinh chính xác theo lịch hiện đại của Tất-đạt-đa không có sự ghi chép rõ ràng, nằm trong khoảng từ 624 đến 563 trước Công nguyên.
Tuy nhiên, Đại hội Phật giáo Thế giới đã thống nhất rằng Tất-đạt-đa được sinh vào khoảng năm 624 trước Công nguyên và qua đời khi ông 80 tuổi (năm 544 TCN)
4. Đức Phật đã bỏ vợ con của mình có phải là vô trách nhiệm?
Không phải là điều dễ dàng để Đức Phật rời khỏi gia đình mình. Ngài đã phải lo lắng và đắn đo trong một thời gian dài trước khi rời đi. Lúc đó, Ngài có một sự chọn lựa, hoặc là hiến dâng đời mình cho gia đình, hoặc là cho thế gian.
Cuối cùng, với lòng từ bi vĩ đại đã khiến Ngài hy sinh đời mình cho nhân loại, và tất cả chúng ta đều được lợi ích từ sự hy sinh đó. Do vậy, đó không phải là vô trách nhiệm. Có thể nói đó là một sự hy sinh ý nghĩa nhất từng được thực hiện.
5. Đức Phật đã chết thì làm sao ông ấy có thể giúp đỡ chúng ta?
Faraday, người phát minh ra điện, đã mất nhưng những phát minh của ông vẫn còn có ích cho chúng ta. Luis Pasteur, người tìm ra phương pháp điều trị cho nhiều loại bệnh, đã qua đời, nhưng các khám phá y học của ông vẫn cứu được nhiều mạng sống trong thời đại ngày nay.
Leonardo da Vinci, người sáng tạo ra những kiệt tác nghệ thuật, dù không còn nữa, nhưng những tác phẩm của ông vẫn đem lại nhiều cảm hứng và niềm vui cho mọi người.
Những thánh nhân và anh hùng đã từ giã cõi đời hàng thế kỷ nhưng khi chúng ta xem lại những kỳ tích và thành tựu của họ, chúng ta sẽ có nhiều động lực để học tập họ và phát triển cuộc sống theo hướng tích cực nhất.
Vâng, Đức Phật đã mất, nhưng 2500 năm sau, lời giáo huấn của Ngài vẫn giúp được chúng ta, tâm gương của Ngài vẫn tạo nhiều cảm hứng cho mọi người, lời dạy của Ngài ngày càng được phổ biến để giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình. Chỉ có Đức Phật mới có thể có tiềm lực thu hút như thế qua nhiều thế kỷ sau khi Ngài nhập diệt.
6. Đức Phật có phải là một vị thần?
Không! Đức Phật không phải là một vị thần. Ngài không tuyên bố rằng mình là thần linh, là con của thần linh, hay là một sứ giả của thần linh. Ngài là một con người đã tự toàn thiện mình, và dạy rằng nếu chúng ta noi theo gương Ngài, chúng ta cũng có thể tự hoàn thiện được như Ngài.
7. Nếu đức Phật không phải là một vị thần, vậy tại sao Phật tử lại thờ cúng ngài?
Có nhiều loại thờ cúng khác nhau, khi người ta thờ một vị thần, họ tôn vinh và thờ cúng vị ấy, cầu xin phước lành, tin tưởng rằng vị thần linh ấy sẽ nghe thấy sự cầu nguyện, sẽ tiếp nhận sự cúng dường và đáp ứng lại lời cầu xin của họ. Người Phật tử không theo kiểu thờ cúng này.
Cũng có các loại thờ cúng khác như khi chúng ta bày tỏ lòng tôn kính đối với một người nào đó hay điều gì khiến chúng ta ngưỡng mộ. Khi vị thầy giáo bước vào lớp, chúng ta đứng lên; khi gặp một viên chức cao cấp, chúng ta bắt tay; khi bài quốc ca vang lên, chúng ta nghiêm chào. Đó là tất cả những cử chỉ thể hiện lòng tôn kính, khâm phục của chúng ta đối với người hay vật.
Cách thờ cúng theo Phật giáo là một phương pháp thực hành. Một pho tượng Phật ngồi với bàn tay nhẹ nhàng trong mảnh y và nụ cười từ ái nhắc nhở chúng ta cố gắng phát triển sự an lạc và yêu thương trong mỗi chúng ta.
Mùi thơm của hương trầm nhắc nhở chúng ta về sự ảnh hưởng của đức hạnh lan tỏa khắp nơi, ngọn đèn nhắc nhở chúng ta đến ánh sáng của hiểu biết, và những bông hoa đẹp sớm tàn úa nhắc cho chúng ta về sự vô thường vốn cố trong cuộc sống. Khi đảnh lễ cúi đầu, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Phật về những lời dạy của Ngài. Đó là phương cách thờ cúng của người Phật tử.
8. Nhưng tôi thường nghe nói rằng Phật tử vẫn thờ cúng Phật!
Những lời phát biểu như vậy chỉ phản ảnh sự hiểu lầm của người đang hành trì. Từ điển định nghĩa từ “idol” là “một hình ảnh hay một pho tượng được tôn thờ như một thần linh”. Như chúng ta đã biết, người Phật tử không bao giờ tin rằng Đức Phật là một vị thần linh, vậy làm sao họ có thể tin rằng một khối gỗ hay một mảng kim loại kia lại là một vị thần?
Mỗi tôn giáo đều dùng một biểu tượng nào đó để bày tỏ quan điểm và niềm tin của riêng họ. Trong Đạo Lão, Âm-dương được dùng để tượng trưng cho sự hài hòa và đối kháng. Đạo Sikh, thanh gươm được xem là biểu tượng cho sự đấu tranh tinh thần.
Đạo Cơ-Đốc với con cá dùng làm biểu tượng cho sự hiện hữu của Chúa và cây Thánh giá dùng làm biểu trưng cho sự hy sinh của Chúa. Trong Phật giáo, tượng Phật được xem như những biểu tượng của sự hoàn thiện nhân cách con người.
Tượng Phật cũng nhắc nhở ta về tính nhân bản trong giáo lý nhà Phật. Thật vậy, Phật giáo luôn xem con người là trung tâm chứ không phải là thần linh, điều đó nhắc nhở chúng ta phải tìm sự toàn hảo và hiểu biết ở bên trong chứ không phải vẻ bề ngoài của hình tượng. Vì thế nói rằng người Phật tử tôn thờ hình tượng là không đúng.
9. Tại sao người ta làm nhiều điều kỳ lạ trong chùa?
Nhiều việc thấy lạ nếu ta không tìm hiểu về chúng. Tốt hơn nên gạt bỏ những chuyện lạ ấy và nên cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Tuy nhiên, đúng là đôi khi người Phật tử đã làm những điều mê tín dị đoan và hiểu lầm hơn là lời dạy của Phật.
Và những việc hiểu lầm như vậy không phải chỉ riêng ở Phật giáo mà thỉnh thoảng cũng thấy ở những tôn giáo khác. Đức Phật đã dạy rất rõ ràng và chi tiết, nếu không hiểu giáo lý của Ngài thì không thể đổ lỗi cho Ngài.
Có lời dạy rằng:
Nếu một người đau khổ vì bệnh hoạn mà không chịu điều trị, thậm chí có người thầy thuốc ngay bên cạnh. Đó không phải là lỗi của người thầy thuốc. Do đó, nếu một người bị hành hạ và đau khổ bởi phiền não mà không tìm sự giúp đỡ của Đức Phật, thì đó cũng không phải là lỗi của Ngài. (JN 28-9)
Không phải Phật giáo mà bất cứ tôn giáo nào cũng không thể giúp họ nếu bản thân họ không thực hành đúng pháp. Nếu bạn muốn biết rõ ràng và chính xác về chân lý của Đạo Phật, thì hãy đọc những lời dạy của Phật hoặc học hỏi từ những người hiểu đúng giáo lý này.
10. Nếu Phật giáo tốt đẹp, tại sao nhiều quốc gia theo đạo Phật vẫn còn nghèo?
Nếu bạn muốn nói nghèo khổ về kinh tế thì đúng là vẫn còn nhiều quốc gia Phật giáo chưa phát triển về mặt này. Nhưng nếu bạn muốn ám chỉ nghèo về “phẩm chất của cuộc sống” thì có lẽ nhiều nước theo Phật giáo lại rất giàu.
Chẳng hạn như nước Mỹ, một cường quốc về kinh tế và quyền lực, nhưng lại là một trong những quốc gia có tỉ lệ tội phạm cao nhất thế giới, hàng triệu người già bị con cái lãng quên và chết trong cô độc tại các viện dưỡng lão; nạn bạo lực ở trong gia đình và lạm dụng tình dục trẻ em, ma tuý và các vụ thảm sát là vấn đề nóng bỏng.
Cứ ba cặp cưới nhau là có một cặp ly dị; sách báo đồi trụy dễ dàng tìm thấy. Vì vậy, giàu theo nghĩa có tiền nhưng lại nghèo về “phẩm chất cuộc sống”. Bây giờ chúng ta thử quay sang Miến Điện, một quốc gia có nền kinh tế lạc hậu, nhưng cha mẹ được con cái tôn vinh và kính trọng; tỉ lệ tội phạm tương đối thấp; vấn đề ly dị và tự tử hầu như không nghe thấy; việc bạo lực trong gia đình, lạm dụng trẻ em, sách báo kích dục và nạn mãi dâm rất ít.
Một nền kinh tế chậm tiến nhưng lại có một nền tảng đạo đức xã hội cao hơn một quốc gia như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn nhìn thấy những quốc gia Phật giáo theo cái nghĩa kinh tế như vậy, thì một trong những quốc gia giàu có nhất và có nền kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay là Nhật Bản, nơi có 93% dân số là tín đồ theo Phật giáo.
11. Tôi ít khi nghe Phật tử làm công tác từ thiện xã hội?
Có lẽ người Phật tử không cảm thấy cần thiết phải khoe khoang về những điều tốt của họ. Nhiều năm trước đây ông Nikkyo Niwano, vị lãnh đạo Phật giáo Nhật Bản đã được trao giải thưởng Templeton qua việc ông vận động liên kết hòa hợp tôn giáo.
Tương tự, một tăng sĩ người Thái đã nhận giải thưởng Magsaysay cho chiến dịch bài trừ tệ nạn ma túy. Năm 1987, Thượng tọa Kantayapiwat, người Thái Lan, cũng nhận một giải thưởng Nhi đồng Hòa Bình của Na Uy cho công việc từ thiện của ngài trong nhiều năm giúp đỡ trẻ bụi đời ở vùng nông thôn.
Và hiện nay, các hội đoàn Phật giáo phương Tây đang thực hiện một số công tác từ thiện ở các vùng nông thôn Ấn Độ, họ đang xây dựng trường học, Trung tâm điều trị tâm thần thiếu nhi, trạm xá và những khu công nghiệp nhẹ.
Người Phật tử xem việc giúp đỡ cho người khác như là một pháp môn tu tập của họ, nhưng họ cho rằng công việc ấy nên thực hiện trong thầm lặng, không cần phô trương. Chính vì thế mà bạn không nghe thấy nhiều về các hoạt động từ thiện của họ.
12. Vì sao lại có nhiều trường phái Phật giáo khác nhau?
Có nhiều loại đường khác nhau: đường vàng, đường trắng, đường kết tinh, đường cục, đường cát, đường phèn…nhưng tất cả chỉ là đường và chỉ có một vị ngọt. Nó mang nhiều hình thức khác nhau để nó có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Phật giáo cũng thế: Phật giáo Nguyên Thủy, Thiền tông, Tịnh độ tông, Du già tông, Mật tông nhưng tất cả đều là Phật giáo và đều có chung một vị – vị giải thoát. Phật giáo quả thật đã phát triển qua nhiều hình thức khác nhau để nó hiện hữu và thích ứng với những nền văn hóa khác nhau.
Qua nhiều thế kỷ Phật giáo có thể tồn tại phù hợp với mọi thế hệ. Đứng trên phương diện bề mặt, Phật giáo dường như có khác nhau, nhưng tâm điểm giảng dạy vẫn bao gồm trong giáo lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.
Tất cả những tôn giáo chính, kể cả Phật giáo, đã từng bị chia ra nhiều tông phái khác nhau. Tất cả những tôn giáo chính, Phật giáo bao gồm những hình thái và tông phái. Những sự khác nhau của các tông phái ấy không bao giờ đưa tới xung đột nhau, và cho tới nay chưa bao giờ biểu lộ sự thù địch với nhau, họ đến với nhau ở những chùa viện khác và cùng cầu nguyện với nhau. Lòng bao dung, và hiểu nhau như thế quả thật là hiếm thấy.
13. Tại sao đạo Phật lại suy vong ở Ấn Độ?
Những lời dạy của đức Phật đã trở thành một trong những tôn giáo lớn của Ấn Độ nhưng dần dần nó đã đi xuống và cuối cùng biến mất cũng giống như khi Cơ đốc giáo bắt đầu ở Palestine, nhưng cuối cùng đã chết ở đó. Không ai thực sự biết tại sao điều này xảy ra.
Có lẽ là sự kết hợp của những thay đổi chính trị và xã hội kết hợp với chiến tranh và xâm lăng khiến cho một tôn giáo hiền lành và thanh bình như vậy không thể tồn tại. Tuy nhiên, trước khi nó biến mất ở Ấn Độ, Phật giáo đã lan rộng đến tận cùng của Châu Á.
14. Bạn nghĩ rằng Phật giáo là đúng và những tôn giáo còn lại là sai!
Không có một Phật tử nào hiểu lời Phật dạy mà lại nghĩ các tôn giáo khác là sai. Không một ai có tâm hồn cởi mở lại để tâm phán xét các tôn giáo khác. Việc trước tiên bạn để tâm nghiên cứu những tôn giáo khác là để biết có bao nhiêu điểm tương đồng.
Tất cả các tôn giáo đều thừa nhận rằng, đời sống con người hiện tại không được thỏa mãn. Tất cả đều tin rằng, nếu hoàn cảnh của con người phải cải thiện thì cách cư xử và quan điểm của họ cần phải được thay đổi. Tất cả đều truyền dạy về một nền đạo đức học về yêu thương, nhân ái, kiên nhẫn, rộng lượng và có trách nhiệm với xã hội, và tất cả đều chấp nhận có sự hiện hữu trong một vài hình thức tuyệt đối.
Họ sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhiều tên gọi khác nhau và nhiều biểu tượng khác nhau để mô tả và giải thích những sự việc này. Và chỉ khi nào họ bám chặt vào đường hướng của mình bằng tâm lượng hẹp hòi để nhìn sự việc thì sự ích kỷ, ngạo mạn và tự tôn liền phát sinh.
Cứ tưởng tượng một người Anh, một người Pháp, một người Trung quốc và một người Nam Dương.
Tất cả đều nhìn vào một cái ly nước. Người Anh nói “Đây là cái ‘cup'”, người Pháp nói “Không phải, nó là cái ‘tasse'”, người Hoa bảo “cả hai ông đều sai hết, nó chính là ‘ pei'”. Và người Nam Dương cười lớn nói rằng: “Các anh ngớ ngẩn làm sao, nó là cái ‘cawan'”.
Người Anh lật quyển từ điển ra và chỉ cho các người kia “Tôi có thể chứng minh đây là cái ‘cup’, quyển từ điển của tôi đã viết như thế”. Người Pháp cãi lại “từ điển của tôi nói rõ đó là ‘tasse'”. Người Hoa lớn tiếng cãi lại “Từ điển của chúng tôi mới chính xác, vì nó có hàng ngàn năm nay rồi, lâu hơn tất cả các từ điển của các anh, vả lại người nói tiếng Hoa nhiều hơn người nói ngôn ngữ của mấy anh, vì thế tôi nói nó là ‘pei’ là chính xác nhất”.
Trong lúc những người này đang cãi cọ và tranh luận, một người Phật tử bước tới bưng lấy ly nước lên uống. Sau khi vị ấy uống xong, vị ấy nói: “Dù các anh có gọi nó là ‘cup’, ‘tasse’, ‘pei’ hay ‘cawan’, mục đích của cái ly là dùng để uống nước, các anh hãy chấm dứt tranh luận và hãy uống nước để bớt cơn khát của các anh đi!”. Đây là thái độ của người Phật tử đối với các tôn giáo khác.
15. Tôi nghe người ta nói Phật giáo chỉ là hình thức phát triển từ đạo Bà-la-môn!
Đôi khi chúng ta nghe những người không biết nói điều này. Nhưng khi đọc trong kinh điển Phật giáo, chúng ta biết rằng, những người theo đạo Bà la môn (brāhmaṇa) đã mạnh mẽ chống lại Đức Phật.
Bởi vì Ngài đã chỉ trích hệ thống giai cấp bất bình đẳng và nghi lễ hiến tế động vật, Ngài phủ nhận sự tồn tại của một thượng đế và từ chối các kinh điển của tôn giáo này. Phật giáo và Ấn Độ giáo có những điều giống nhau nhưng cũng có đủ những khác biệt quan trọng để làm cho hai tôn giáo này khác biệt.
16. Phật giáo có phù hợp với khoa học không?
Trước khi trả lời câu hỏi này, tốt nhất chúng ta hãy tìm hiểu về định nghĩa của từ khoa học, theo từ điển giải thích khoa học là “Kiến thức có thể được hình thành theo một hệ thống, cái tuỳ thuộc vào sự trắc nghiệm các dữ kiện và xác nhận được quy luật tự nhiên, một phần tùy thuộc vào những gì được nghiên cứu chính xác”.
Trong Phật giáo có nhiều phương diện không phù hợp với định nghĩa này. Nhưng giáo lý cốt lõi của Đạo Phật, Tứ Diệu Đế (Four Noble Truths) thì hẳn đã phù hợp.
- Chân lý thứ nhất khổ đau là một kinh nghiệm và có thể xác định được.
- Chân lý thứ hai chỉ rõ rằng đau khổ có nguyên nhân tự nhiên của tham ái mà nó có thể định nghĩa, trải qua và đo lường được. Không cần cố gắng giải thích khổ đau theo thuật ngữ, quan điểm siêu hình hay huyền hoặc.
- Chân lý thứ ba, chấm dứt khổ đau không nương nhờ vào thần linh tối cao, vào niềm tin hay cầu nguyện mà đơn giản chỉ là loại bỏ nguyên nhân của khổ đau. Đó là việc hiển nhiên.
- Chân lý thứ tư, con đường đưa đến sự chấm dứt đau khổ, một lần nữa cũng không có gì siêu hình mà tùy thuộc vào việc thực hiện theo phương pháp đặc biệt. Và hơn nữa là thái độ phải cởi mở để xét nghiệm.
Phật giáo không thừa nhận quan điểm về một Đấng tối cao, giống như khoa học và giải thích nguồn gốc và sự vận hành của vũ trụ theo quy luật tự nhiên. Hẳn những điều này là chứng minh theo tinh thần khoa học.
Một lần nữa, chúng ta lại thấy tinh thần khoa học trong Phật giáo càng rõ ràng hơn qua lời khuyên của Đức Phật, rằng chúng ta không nên tin tưởng một cách mù quáng mà ngược lại phải đặt vấn đề, tìm hiểu và thẩm tra, nhờ vào kinh nghiệm của chính mình rồi mới tin, có như thế tính chất khoa học mới được rõ ràng. Đức Phật dạy:
“Đừng tin tưởng theo huyền bí hay truyền thống. Đừng tin tưởng theo tin đồn hay trong kinh điển, đừng tin tưởng theo lời đồn hay những gì hợp lý, đừng tin tưởng theo khuynh hướng của một ý niệm nào đó, hay do một ai đó có khả năng. Và đừng tin tưởng theo ý tưởng “vị ấy là thầy của ta”.
Nhưng khi chính các vị biết rằng điều ấy là tốt và không làm tổn hại ai, đó là sự sáng suốt đáng tán dương. Khi thực hành và theo dõi, nếu nó sẽ mang đến hạnh phúc, rồi hãy tin tưởng theo”. (AI 188)
Vì thế chúng ta có thể nói rằng mặc dù Phật giáo không hoàn toàn khoa học, nhưng hẳn đã mang tính khoa học mạnh mẽ và có tính khoa học hơn các tôn giáo khác. Chính ông Albert Einstein (1879-1955) một nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi đã nói về tính khoa học của Phật giáo như sau:
“Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó. Và nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu với những nhu cầu của nền khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo vậy.”