Tất cả những người theo đạo Phật đều ăn chay, phải không? Ồ không! Một số người ăn chay, nhưng một số khác thì không. Quan điểm về ăn chay thay đổi theo từng trường phái cũng như từng cá nhân. Nếu bạn đang tự hỏi liệu có phải cam kết ăn chay trường thì mới trở thành tu sĩ Phật giáo không? Câu trả lời là có thể có, nhưng cũng có thể không.
Đức Phật Thích Ca lịch sử không phải là người ăn chay trường. Trong các bản ghi chép sớm nhất về giáo lý của Ngài, Tam tạng Pali, Đức Phật không cấm các đệ tử của mình ăn thịt. Trên thực tế, nếu thịt được cho vào bát khất thực của Tỳ-kheo thì họ được phép ăn chúng. Các Tỳ-kheo bày tỏ lòng biết ơn, nhận và tiêu thụ những thực phẩm mà Phật tử đã chia sẻ, kể cả thịt.
Nội dung bài viết
Tu sĩ thời Đức Phật không được ăn thịt trong trường hợp nào?
Có một ngoại lệ đối với việc ăn thịt cho quy tắc bố thí trong thời Đức Phật. Nếu các nhà sư biết hoặc nghi ngờ rằng con vật bị giết thịt chỉ để nuôi các nhà sư, họ sẽ từ chối nhận lấy phần thịt đó. Mặt khác, thịt còn sót lại từ con vật bị chết hoặc giết để nuôi sống một gia đình Phật tử thì chấp nhận được.
Đức Phật cũng liệt kê một số loại thịt không nên ăn. Các loại thịt đó bao gồm ngựa, voi, chó, rắn, hổ, báo và gấu. Đây có thể là vì vấn đề sức khỏe, nguy hiểm tính mạng hoặc sự tồn tại của giống loài quý hiếm. Bởi vì chỉ có một số loại thịt bị cấm, chúng ta có thể suy luận rằng việc ăn thịt là được phép trong đạo Phật.
Ăn chay là đang giữ gìn giới “không sát sinh”?
Giới thứ nhất trong Ngũ giới là không giết hại chúng sinh. Đức Phật khuyên những người theo Ngài không được giết, tham gia giết chóc, hoặc gây ra bất kỳ điều gì khiến một sinh vật bị chết.
Vậy việc ăn thịt của Đức Phật và các tu sĩ thời kỳ đầu có phải là gián tiếp tước đi mạng sống của các sinh vật không? Đáp lại câu hỏi này, người ta lập luận rằng nếu một con vật đã chết, hoặc không được giết mổ theo cách đặc biệt chỉ để thỏa mãn nhu cầu bản thân, thì nó không hoàn toàn giống như một vụ chủ ý sát sinh trong giới luật đạo Phật.
Trong thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, các tu sĩ đi theo ngài là những người lang thang sống nhờ phẩm vật bố thí mà họ nhận được. Họ không xây dựng các chùa để an cư lâu dài cho đến một thời gian sau khi Đức Phật qua đời.
Các tu sĩ không sống một mình mà còn sống bằng thực phẩm được trồng, cúng dường hoặc trao đổi bởi các nhà sư. Thật khó để tranh luận rằng nguồn thịt được cung cấp cho toàn bộ tăng đoàn không đến từ một nguồn động vật bị giết mổ đặc biệt để phục vụ cho cộng đồng tu sĩ.
Vì vậy, trường phái Phật giáo Đại thừa bắt đầu nhấn mạnh đến việc ăn chay trường nhằm hạn chế việc gián tiếp gây ra cái chết cho sinh vật sống. Trong một số kinh điển Đại thừa như Kinh Lăng Già (Lankavatara), cung cấp những giáo lý ăn chay cứng rắn hơn.
Quan điểm về ăn chay trong Phật giáo hiện đại như thế nào?
Ngày nay, quan điểm đối với việc ăn chay khác nhau từ trường phái này đến trường phái và ngay cả trong chính trường phái đó. Nhìn chung, tu sĩ theo Phật giáo Nguyên thủy vẫn ăn thịt và coi ăn chay là một lựa chọn cá nhân đáng tuyên dương. Các trường phái Kim Cương thừa, bao gồm Phật giáo Shingon Tây Tạng và Nhật Bản thì khuyến khích ăn chay nhưng không coi đó là một thực hành quan trọng trên con đường phát triển tâm linh.
Các trường phái Đại thừa đa số là ăn chay trường, nhưng ngay cả trong nhiều tông phái này vẫn có sự đa dạng trong thực hành. Theo đúng các quy tắc ban đầu, một số nhà sư theo tư tưởng Đại thừa có thể không được tự ý mua thịt, hoặc chọn một con tôm hùm sống ra khỏi bể và luộc chín, nhưng họ có thể ăn một món thịt được mời trong bữa tiệc tối của người thân.
Ăn chay như thế nào mới đúng chánh pháp?
Để ăn chay đúng chánh pháp thì không nên chấp trước vào nó. Tôi thấy nhiều người ăn chay rất cố chấp. Họ ăn chay được vài tháng và nghĩ rằng mình đã đạt một bước tiến dài trên con đường tâm linh. Nhiều người còn thậm chí từ chối sử dụng đôi đũa đã gắp phần thịt trước đó vì nghĩ như thế là phạm giới, tạo nghiệp, hoặc uổng công một ngày ăn chay khi đã “giao kèo” với Phật trong một lời cầu nguyện nào đó.
Họ hà khắc trong cách thực hành ăn chay, họ không nhận ra rằng họ đang hành hạ bản thân và có thể là cả những người thân xung quanh nữa.
Phật dạy con đường Trung đạo nhằm tránh chủ nghĩa cực đoan và cầu toàn cuồng tín. Đức Phật đã dạy những người theo Ngài tìm một cách trung gian giữa hai thái cực đối lập, khổ hạnh và hưởng thụ. Vì lý do này, những người theo đạo Phật thực hành ăn chay không được khuyến khích chấp trước vào nó.
Một Phật tử thực hành metta, đó là tình yêu thương đối với tất cả chúng sinh mà không bị dính mắc. Phật giáo ăn chay vì tình yêu thương đối với động vật sống, không phải vì điều gì đó bất thiện có thể tạo ra quả xấu mà nhiều người thường nghĩ.
Nói cách khác, bản thân thịt không phải là vấn đề và trong một số trường hợp, lòng từ bi dựa trên trí tuệ có thể khiến một Phật tử phá vỡ các giới luật.
Ví dụ: Giả sử bạn đến thăm bà ngoại của bạn, người mà lâu rồi bạn không gặp. Bạn đến nhà bà ấy và thấy rằng bà đã nấu món ăn yêu thích của bạn khi bạn còn là một đứa trẻ, gỏi gà ngó sen. Bà không thường xuyên nấu nướng vì cơ thể già nua không cho phép bà di chuyển quanh bếp như xưa.
Nhưng đó là mong muốn thân yêu nhất từ trái tim bà ấy dành cho bạn, ánh mắt hạnh phúc khi xem bạn tìm những miếng da gà lặn trong phần gỏi như cách bạn từng làm thuở bé. Bà ấy đã mong chờ điều này trong nhiều năm trời.
Tôi nói rằng nếu bạn ngại ăn món gỏi đó dù chỉ trong một giây, bạn vẫn chưa thật sự hiểu về những lời dạy của Đức Phật.
Thực tế, không ai sống trên đời này mà chưa từng giết một con vật nào. Điều đó là không thể tránh được. Trái cây và rau quả là nơi sống của nhiều sinh vật nhỏ. Để có rau xanh, quả sạch “thuần chay” thì đòi hỏi phải giết côn trùng, động vật gặm nhấm và hủy diệt môi trường sống của nhiều vi sinh vật khác.
Theo lý Duyên khởi, mối liên kết tương quan lẫn nhau thì những người ăn chay phải chịu trách nhiệm cho sự hủy diệt này, như cách mà họ cho rằng việc ăn thịt gián tiếp làm hại động vật.
Thậm chí chúng ta có thể nghĩ về những chiếc xe chúng ta lái đi làm hàng ngày. Tất cả chúng ta đều bị vướng vào một mạng lưới giết chóc và hủy diệt, và chừng nào chúng ta còn sống, chúng ta không thể hoàn toàn thoát khỏi nó.
Một con bò chết nuôi sống cả trăm người, một bó rau chay nuôi sống một người nhưng gây hại cho hàng triệu sinh vật khác. Hãy tùy duyên, đừng gượng ép, đạo Phật dạy giải thoát khỏi các ràng buộc để tự do nhưng một số người thì thích làm ngược lại.
Vì vậy, ăn chay được thì tốt nhưng ăn mặn cũng chả sao, quan trọng là chúng ta nên xem xét các sản phẩm chúng ta sử dụng có được thực hiện dựa trên sự đau khổ hay không! Điều này bao gồm sự đau khổ của con người cũng như sự đau khổ của sinh vật sống.
Nếu đôi giày giả da “thuần chay” của bạn được tạo ra bởi những người lao động bị bóc lột làm việc trong điều kiện vô nhân đạo, bạn có thể tự hào vì điều đó? Nhà máy điện, sắt thép hay xưởng gỗ góp phần tàn phá môi trường sống của nhiều sinh vật sống, bạn sẽ không sử dụng nó?
Là Phật tử, vai trò của chúng ta không phải là ngu muội tuân theo các quy tắc được viết trong sách, mà là để ý đến những tác hại chúng ta đang làm và hạn chế chúng bằng hành động dựa trên trí tuệ. Suy ngẫm xem yếu tố cốt lõi trong việc tu tập là gì để mà hành trì.
Hãy ăn chay đúng cách để bảo vệ sức khỏe cũng như thể hiện tình yêu thương đến với các sinh vật sống, đừng cố chấp và xem đó như một phần quan trọng trên con đường phát triển tâm linh.
Hoa Sen Phật