Làm sao người Phật tử có thể biết cuộc sống của họ có đạo đức hay không? Bằng cách giữ ngũ giới, một tập hợp các hướng dẫn cho những người muốn sống trọn vẹn theo lời Phật dạy. Trong bài viết này, chúng ta cùng nhau thảo luận về năm giới luật của Phật giáo, cách chúng tiếp cận trong cuộc sống hàng ngày và cách chúng gắn với giáo lý của Phật giáo về giác ngộ.
Nội dung bài viết
Ngũ giới là gì?
Trong Phật giáo, ngũ giới là năm điều ngăn cấm hay năm điều không nên làm dành cho các cư sĩ tại gia đang thực tập Phật pháp. Nó giống như một tập hợp các quy tắc phải tuân theo nếu bạn muốn sống một cuộc đời hướng Phật.
Ngũ giới được tạo ra để giúp Phật tử tại gia hành động có đạo đức trong cuộc sống hàng ngày, từ đó làm nền tảng để phát triển những phẩm chất tốt lành khác, ngày càng hoàn thiện hơn. Đây là mục đích chính của việc giảng dạy ngũ giới trong Phật giáo.
Đạo Phật dạy rằng, đạo đức của một người có thể được đánh giá bằng hành động của họ, và liệu những hành động này có thể gây hại cho người khác hoặc gây ra đau khổ hay không. Mục tiêu chính của Phật giáo là giảm đau khổ trong cuộc sống của bạn và của người khác, vì vậy, những giới luật này nhằm mục đích giúp mọi người thực hiện điều này.
Năm giới luật này của Phật giáo có thể được coi là đại diện cho các giá trị và nguyên tắc Phật giáo, và nếu ai tuân theo chúng trong cuộc sống hàng ngày, họ có thể hướng tới sự giác ngộ và sống một đời sống Phật giáo thực sự.
Lưu ý, Phật tử không tôn thờ một “Đấng tối cao” nào, và những giới luật này không được coi là mệnh lệnh của một vị thần, giống như cách mà một số tôn giáo khác thực hiện.
Chúng là những hướng dẫn, những lời khuyên giúp bạn đi theo con đường dẫn đến giác ngộ và các Phật tử tin rằng, bạn có thể đạt được trạng thái này bằng cách rèn luyện đạo đức của mình thông qua thiền định và tuân theo những giới luật này. Đối với các tu sĩ Phật giáo, họ phải tuân theo hàng trăm giới luật khác nhau, nhưng đối với hàng Phật tử tại gia, năm giới này là những hướng dẫn chính.
Ngũ giới bao gồm những gì?
1. Giới luật đầu tiên: Không nên sát sinh
Giới thứ nhất là hạn chế việc sát sinh (tiếng Pali: Pànàtipàtà veramanì). Điều này áp dụng cho cả người và động vật, có nghĩa là chúng ta không nên giết bất cứ thứ gì còn sống.
Nhiều Phật tử chọn ăn chay để tuân theo giới luật này, vì họ không muốn phá vỡ nó bằng cách góp phần vào cái chết của một con vật. Ngoài ra, giới luật này được một số người hiểu là nguyên tắc chống lại chiến tranh, và rất nhiều Phật tử áp dụng nó theo nghĩa này.
Nó có một số điểm tương đồng với lời răn của Kinh thánh ‘Ngươi không được giết người’, mặc dù giới luật Phật giáo không được đóng khung theo cách này – chúng được coi là những hướng dẫn nên tuân theo hơn là những quy tắc nghiêm ngặt. Phật giáo cũng không tuân theo một vị thần theo cách giống như Cơ đốc giáo, vì vậy các giới luật không được xem như là các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời.
2. Giới luật thứ hai: Không nên trộm cướp
Giới luật thứ hai (tiếng Pali: Adinnàdàna veramanì) là không nên nhận những gì không được trao cho bạn. Điều này thường được hiểu là không trộm cắp, vì đây là một cách rõ ràng để làm hại người khác và gây ra đau khổ. Nhận những gì không được cho cũng có thể được hiểu là không nên bóc lột và lợi dụng người khác. Những hành vi không trung thực như thế này không phù hợp với đạo đức Phật giáo.
3. Giới luật thứ ba: Không nên tà dâm
Giới luật thứ ba (tiếng Pali: Kàmesu micchàcàrà veramanì) của Phật giáo là kiềm chế các hành vi tà dâm hoặc lạm dụng các giác quan. Điều này thường được áp dụng cho những trường hợp như ngoại tình và không chung thủy – Phật tử không nên quan hệ tình dục quá mức hoặc phạm bất kỳ tội tình dục nào.
Các nhà sư Phật giáo thực hiện lời thề độc thân, vì tình dục là một yếu tố khiến người tu hành mất tập trung và rời xa con đường đạt được giác ngộ. Độc thân cũng là một cách đảm bảo bạn tuân thủ giới luật thứ ba này.
4. Giới luật thứ tư: Không nên nói dối
Giới luật thứ tư (tiếng Pali: Musà vàdà veramanì) khuyên Phật tử nên tránh những lời nói sai trái nhằm hạn chế khẩu nghiệp. Điều này thường được hiểu là nói dối, gây hiểu lầm và buôn chuyện. Người Phật tử tuân theo giới luật này nên nói những điều hữu ích, đáng cân nhắc và có ý nghĩa tốt. Lời nói gắn liền với việc lắng nghe, và khi tuân theo giới luật này, Phật tử phải là một người biết lắng nghe, tránh nói tào lao, ác ý có thể gây ra đau khổ cho người khác.
5. Giới luật thứ năm: Không nên sử dụng rượu bia và chất kích thích
Giới luật thứ năm (tiếng Pali: Suràmeraya majjappamàdatthàna veramanì) khuyên Phật tử nên hạn chế sử dụng bất kỳ chất kích thích nào làm vẩn đục tâm trí. Điều này có nghĩa là bạn không nên sử dụng ma túy, rượu bia và các chất gây lú lẫn khác. Bởi vì chúng có thể cản trở hành trình hướng tới giác ngộ của bạn và gây ra đau khổ.
Đây có thể là một thách thức tại các sự kiện mà rượu được coi là một phương tiện xã hội hóa và thư giãn. Tuy nhiên, với sự cam kết, nhiều Phật tử đã hạn chế sử dụng các chất gây say sỉn nhằm có một tâm trí minh mẫn và tỉnh táo, một tâm trí có thể tập trung đúng vào thiền định và đạt đến giác ngộ.
Lợi ích của việc giữ gìn ngũ giới
Những lợi ích mà người Phật tử tại gia nhận được từ việc giữ ngũ giới là rất nhiều. Bởi vì một đời sống giới hạnh sẽ mang lại những điều tích cực cả cho bản thân, gia đình và xã hội. Chuyên cần giữ ngũ giới sẽ đem lại những lợi ích sau:
- Người nào chuyên cần giữ gìn giới sát sinh, người ấy sẽ mang lại sự bình yên và hạnh phúc cho chúng sinh, muôn loài và kể cả bản thân người ấy.
- Người nào chuyên cần giữ gìn giới không trộm cướp, nói dối hay tà dâm, người ấy sẽ được mọi người kính trọng và quý mến. Lời nói của họ sẽ được nhiều người tán dương vì người ấy có nhân cách đạo đức tốt. Nhân cách tốt là tài sản quý giá nhất của một người.
- Người nào chuyên cần giữ gìn ngũ giới thì tâm trí sẽ được an lạc, tham – sân- si ít khi sanh khởi bởi vì người có giới hạnh tốt sẽ gặp những điều tốt. Khuôn mặt của người đó toát lên vẻ thánh thiện, phúc hậu và được người đời yêu mến. Sau khi chết, người giữ gìn ngũ giới sẽ không bị tái sanh vào bốn ác đạo.
Từ việc chuyên cần giữ gìn ngũ giới, Phật tử sẽ có một tâm trí sáng suốt, họ sẽ nhận thức được những suy nghĩ, động cơ, cảm xúc và hành động của mình. Điều gì nên từ bỏ và điều gì cần phát triển. Một cách để nhận thức sâu sắc tất cả những điều này là bằng cách thực hành chánh niệm.
Chánh niệm là một kỹ thuật bắt nguồn từ Phật giáo, và đó là phương pháp thực hành nhận thức về suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác của chúng ta, sống thực sự trong hiện tại và xóa sạch tâm trí của mình khỏi tất cả những suy nghĩ tiêu cực khác. Điều này có thể được thực hành thông qua thiền định, một yếu tố quan trọng khác của Phật giáo có thể giúp mọi người đạt đến trạng thái giác ngộ.
Kết luận
Trong các văn bản Phật giáo, người ta giải thích rằng con người phải phát triển nhân cách của mình để phấn đấu đạt được giác ngộ. Những giới luật này là một bước thiết yếu để thực hiện điều này.
Nếu ai giữ gìn ngũ giới, thì họ có thể đảm bảo những suy nghĩ và hành động của họ phù hợp với đạo đức Phật giáo và hướng tới trạng thái hạnh phúc thực sự. Điều này có thể được thực hiện với sự suy nghĩ chín chắn, sống theo những giới luật này thông qua hành động của bạn, và cố gắng giảm đau khổ của chính bạn và đau khổ của người khác.
Trên đây là tất cả những thông tin hữu ích về ngũ giới của đạo Phật để bạn có thể tham khảo. HoaSenPhat.com hy vọng bạn có thể áp dụng những giới luật cơ bản này vào cuộc sống hàng ngày, để xây dựng nhân cách trở nên tốt đẹp hơn, từ đó mang lại nhiều lợi ích cho bản thân và nhân loại.