Hỏi: Hoa Sen Phật cho tôi hỏi vào mùa Phật đản người ta thường thực hiện nghi lễ tắm Phật. Vậy ý nghĩa của nghi lễ này là gì? Đức Phật là thuần khiết, hoàn hảo…vậy tại sao năm nào người ta cũng đem Ngài ra tắm như một hình thức gột rửa thân-tâm là sao!
Đáp: Chào bạn, mình rất vui khi nhận được câu hỏi của bạn. Sau đây là những thông tin mà mình thu thập được trên các trang mạng về ý nghĩa của nghi lễ này.
Truyền thuyết kể rằng hơn 2600 năm trước, Hoàng hậu Maya xứ Kapilavastu đã hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) dưới gốc cây sala trong vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini), người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Khi Thái tử sinh ra, có chín con rồng bay trên trời và rót nước thơm để tắm cho Ngài. Sau đó, cậu bé bước đi bảy bước trên 7 đóa sen nở dưới chân, một tay chỉ lên trời và tay kia hướng về mặt đất và nói: “Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn. Nhất thiết thế gian, Sinh lão bệnh tử.” Như một thông điệp gửi đến toàn cõi, Đức Phật đã xuất hiện trên trái đất và chuẩn bị giảng dạy chân lý.
Phật giáo Trung Hoa tổ chức lễ hội vào ngày 8 tháng 4 theo âm lịch, trong khi tại các quốc gia như Sri Lanka, Myanmar và Thái Lan, lễ Phật đản hay được gọi là Vesak được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng năm (rằm 15/4 âm lịch).
Kể từ đó, Phật tử đã tổ chức sinh nhật của Đức Phật như một truyền thống bằng cách thực hiện nghi thức tắm Phật và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Nhằm bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn đối với Ngài, người đã giác ngộ, người truyền dạy chân lý giúp mang lại lợi lạc cho chúng sinh.
Nghi lễ tắm Phật không phải được thực hiện như một hình thức “tích lũy phước đức” hay “rửa sạch” những điều xấu xa, tội lỗi để thuận lợi trong kinh doanh mua bán.
Mà nó là biểu tượng của sự thanh tẩy nội tâm với thông điệp rằng: Thật đơn giản để làm sạch bụi bẩn vật chất bên ngoài, nhưng khó khăn hơn rất nhiều để làm sạch bụi bẩn bên trong; đó là lòng tham, sân hận và vô minh.
Thông qua hành động tắm Phật, chúng ta cũng đồng thời làm sạch thân-tâm của chính mình. Hành động đó như một lời cam kết, nhắc nhở rằng chúng ta phải noi gương Đức Phật, một người bình thường được cha mẹ sinh ra, được tắm rửa sạch sẽ như chúng ta và Ngài đã thành Phật.
Vì vậy, Phật tử phải quyết tâm loại bỏ mọi tạp chất tham-sân-si trói buộc chúng ta vào vòng luân hồi đau khổ; để suy nghĩ, lời nói và hành động điều mang lại lợi ích cho bản thân và mọi người. Để có thể giác ngộ như Ngài. Đây là ý nghĩa thực sự của việc tắm Phật.
Ngoài ra, lễ tắm Phật và các nghi lễ truyền thống khác trong mùa Phật đản còn giúp Phật tử hòa trong niềm vui hân hoan với Phật-Pháp-Tăng, đoàn kết cùng nhau hướng đến một thế giới hòa bình, yên vui như những gì Ngài đã giảng dạy.
Theo truyền thống, nơi tắm Phật được bố trí như một vườn hoa, tượng trưng cho vườn Lâm-tỳ-ni. Các Tăng Ni và Phật tử sử dụng một cái muôi đặc biệt để đổ nước thơm có ngâm các loại thảo mộc lên bức tượng Phật sơ sinh, sau đó rửa sạch bằng nước tinh khiết. Nghi lễ được thực hiện với sự tôn kính, tâm trí thanh tịnh hài hòa và cân bằng bên trong, dẫn đến một cuộc sống hưng thịnh, trọn vẹn, bình an, hạnh phúc và giác ngộ.
Hoa Sen Phật – Ảnh: buddhasbirthdayperth