Hỏi: Ngày hôm qua Ngài có giảng rằng, có sự khác biệt giữa tu tập của những người thời xưa với người ngày nay, chẳng hạn như Phật giáo thế kỷ 16 có phương pháp tu khác so với thế kỷ 21 này.
Ngài nói những nghi lễ, trì tụng thần chú, lễ lạy thì rất quan trọng và hiệu quả nhưng đối với những người thời nay thì Ngài nhấn mạnh có hai yếu tố không còn phù hợp căn cơ của con người hiện đại. Thứ nhất là tính tự kiến và thứ hai là tính khoa học. Con xin Ngài hãy giải thích sâu hơn và kỹ hơn cho chúng con về hai quan điểm này của Ngài.
Đáp: Hôm qua chủ yếu là tôi nói về sự khác biệt giữa Phật giáo thế kỷ thứ 21 và thế kỷ 16. Trong thế kỷ 21 thì lý trí của con người rất cao. Trong thế kỷ 16 nếu lễ lạy thì lễ lạy có giúp ích gì không? Có lợi lạc gì không? Có bằng chứng gì chứng minh không? Không có người nào đặt ra nghi vấn này cả!
Hôm nay lúc buổi chiều có một bạn trẻ tới gặp tôi, mang theo một tấm hình Mã Đầu Minh Vương và thỉnh tôi chú nguyện. Em đó mới 14 tuổi. Tôi đã hỏi em vài câu hỏi như: Phải đây là hình của Mã Đầu Minh Vương không? Và Vị này sống ở đâu? Cậu bé này chỉ cười thôi. Tôi nói nếu em không biết Mã Đầu Minh Vương ở đâu thì làm sao em có thể nhờ vị này bảo hộ được?
Hôm nay, ở thế kỷ 21 này, tôi hỏi những câu hỏi như vậy thì không sao. Nhưng nếu đây là thế kỷ 16 thì người ta sẽ lôi tôi ra giữa tăng chúng và trừng phạt tôi. Chắc chắn họ sẽ nói là tôi sẽ bị đọa địa ngục. Những câu hỏi như vậy tôi có thể đặt ra được vì đây là thế kỷ 21, thế kỷ hiện đại của khoa học. Hiện nay, các câu hỏi như tôi vừa nêu ra có rất nhiều người khác cũng sẽ hỏi như vậy.
Điều thứ hai là cách sinh hoạt cũng rất khác biệt. Người ở thế kỷ 16 có thời giờ lễ lạy, từ từ lễ lạy. Trong thế kỷ 21 này thì con người không từ từ bái lạy vì trong tâm họ có rất là nhiều phiền toái. Trong thế kỷ thứ 21 có nhiều bệnh thần kinh mới xuất hiện hơn.
Tu hành là liều thuốc trị bệnh tâm thần! Thế kỷ thứ 21 có nhiều tâm bệnh mới cho nên cần có nhiều loại thuốc mới. Thuốc cũ không còn hiệu lực! Bệnh mới mà dùng thuốc cũ chữa thì có lợi không? Không có ích lợi gì cả! Bệnh mới thì phải có thuốc mới. Căng thẳng thần kinh là 8 căn bệnh của thế kỷ 21.
Ngày nay có một căn bệnh mới xuất hiện gọi là bệnh rối loạn thiếu tập trung (attention deficit disorder). Nếu quý vị ngồi thiền mà không thể tập trung được trong 1 phút thì bác sĩ tâm thần sẽ cho là quý vị mắc bệnh rối loạn thiếu tập trung này.
Cho nên bái lạy thì tốt cho con người sống ở thế kỷ 16 vì tâm họ thảnh thơi, tâm không có nhiều bệnh. Ở thế kỷ 21 con người có nhiều tâm bệnh, căng thẳng thần kinh vì thế cũng phải cần có thuốc mới. Vì vậy, lúc Đức Phật lần đầu tiên đã thuyết pháp rất phù hợp với khoa học.
Thời gian thay đổi cho nên pháp cũng cần phải thay đổi cho phù hợp. Nhưng tôi cảm thấy rất là hạnh phúc vì thấy được trong thế kỷ thứ 21 này những gì Đức Phật đã nói 2500 năm trước đã trở lại, rất phù hợp với khoa học. Tôi cho rằng Đức Phật là một đại bác sĩ khoa tâm thần. Chúng ta có thể nói rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo mà là khoa học tâm linh.
Cho nên lễ lạy là thuộc về tôn giáo. Đảnh lễ và trì chú tuy rất tốt nhưng không phải là đạo Phật chánh yếu. Nếu quý vị muốn nói về đạo Phật thì đó phải là khoa học tâm linh.
Chính vì vậy mà có sự khác biệt giữa đạo Phật thế kỷ 16 và 21, thế kỷ 21 có nhiều bệnh hơn. Cho nên khi các vị bái lễ hành trì thì các quý vị phải xem xét lại coi tâm của quý vị có thay đổi không. Thọ quán đảnh và trì chú nhiều thì quý vị phải quán xét lại xem sự nóng giận của mình có giảm bớt không. Nếu có giảm bớt thì được, nhưng nếu không thì phải tìm phương pháp khác.
Theo kinh nghiệm của tôi, sự tu hành giúp tôi giảm bớt được sự nóng giận không phải là nhờ thọ quán đảnh. Thọ quán đảnh không giúp tôi thành công trong việc giảm bớt nóng giận. Do đó, Phật giáo của thế kỷ 21 là Phật giáo của khoa học tâm linh, là phải trải qua sự thực hành. Vì vậy khi đi bất cứ nơi nào, bất luận ở đâu tôi cũng khuyến khích mọi người phải là hành giả của thế kỷ 21.
Tôn sư Khangser Rinpoche thuyết giảng
Đệ tử Pháp Đăng kính dịch và đệ tử Hỷ Lạc kính ghi lại