Hỏi: Thưa Thầy, trong “Nhân chi sơ tính bổn thiện” của Mạnh Tử, chữ “Thiện” ở đây có phải là lương thiện hay còn có nghĩa khác?
Đáp: Chữ “Thiện” trong “tính bổn thiện” không phải là khái niệm thiện ác tương đối trong tục đế mà là tính hoàn hảo trong chân đế. Chữ “Sơ” trong “nhân chi sơ” cũng không có nghĩa là trẻ sơ sinh, mà là bản nguyên của con người.
Cũng không phải chỉ người thôi mà bất cứ gì “sơ” như nó vốn là chưa qua tưởng là, cho là, muốn phải là, mong sẽ là… cũng đều hoàn hảo. Nói cách khác, bản nguyên của các pháp đều hoàn hảo.
Thí dụ như cái hoa này là như vậy, nó hoàn hảo trong chính nó. Còn nếu nói hoa này xấu hay đẹp, to quá hay nhỏ quá v.v… là ý niệm mỗi người xen vào.
Bất kỳ pháp nào đúng như bản chất tự nhiên của nó đều là pháp thực tướng, thực tánh. Còn cái gì qua tưởng là, cho là, phải là, sẽ là… đều không còn “chi sơ” nữa. Tất cả cái “chi sơ” như đá chi sơ, nước chi sơ… đều là thực tánh bản nguyên hoàn hảo của chính nó, là chân đế.
Khi đặt thêm cho nó khái niệm này khái niệm nọ là đã trở thành pháp chế định, tục đế. Con người thường muốn mọi sự mọi vật “hoàn hảo” theo tư kiến, tư dục của mình nên biến chúng trở nên bất toàn.
Ví dụ trái mít lúc non, lúc già, lúc chín thì lúc nào là hoàn hảo? Người thích ăn mít chín thì cho lúc chín là hoàn hảo, người muốn mít non để nấu canh thì cho lúc non là hoàn hảo. Nhưng thực ra mọi khoảnh khắc của trái mít đều hoàn hảo với thời-vị-tính của chính nó.
HT. Viên Minh – Theo: coinguonhanhphuc.blogspot.com