Hỏi: Khi phát khởi tình thương yêu với kẻ ghét mình nhưng mà người đó vẫn ghét mình, thì mình phải làm như thế nào?
Đáp: Khi ăn cơm Việt Nam trên bàn ăn hay có đĩa rau sống trong đó có rau húng lủi mặc dầu tôi không thích nhưng tôi vẫn phải ráng ăn. Tại sao vậy, vì ăn rau húng lủi thì có lợi cho cơ thể. Câu hỏi không cần đặt ra là mình thích hay là không thích, mà câu hỏi nên đặt ra là cái đó có ích lợi cho mình hay là không.
Khi chúng ta khởi tâm từ bi với kẻ mà ghét chúng ta thì sẽ có lợi cho chúng ta. Ngược lại khi chúng ta khởi tâm sân hận với kẻ ghét mình thì sẽ có hại cho mình. Sự nóng giận đó sẽ hại mình nhiều hơn nữa.
Khi đức Phật dạy hãy thương yêu kẻ thù là Ngài đang nói về tình trạng sức khỏe, chứ Ngài chẳng nói gì về một tinh thần đạo đức nào cả. Khi chúng ta giận dữ với kẻ thù thì sự giận dữ sẽ hại đến sức khỏe của chúng ta.
Tôi sẽ kể cho quý vị nghe một kinh nghiệm của tôi. Ở thành phố Bangalore tại miền nam Ấn độ, ngày đó tôi đang đi trên đường ngang qua một quán rượu thì có một người say rượu đi ra kêu tôi vào trong quán và tôi không để ý tới người đó.
Tôi vừa đi qua thì người đó chạy ra chặn ngang trước mặt tôi và giận dữ la hét rằng: “Tại sao ông ta kêu mà không chịu vào!”. Đệ tử của tôi đã chặn ông ta lại. Tôi đã nói với người đệ tử hãy cho ông ta đi. Sau đó tôi tới trước mặt ông ta, chắp tay cúi đầu và nói lời xin lỗi ông ấy.
Ông ta lập tức trở nên dịu lại! Ngay tại thời điểm đó nếu tôi cố gắng giải thích với ông ta rằng, tôi là tu sĩ và không thể uống rượu được thì sẽ vô ích. Ngay cả lúc đó nếu tôi tụng Om Mani Padme Hung thì cũng không có giúp ích gì được.
Lúc đó tôi chỉ cần phát khởi tâm từ bi và thấu hiểu người khác. Đó là cách tôi giải quyết vấn đề. Vấn đề này cũng thường xảy ra với tất cả mọi người. Cho nên muốn khống chế sự giận dữ của người khác thì trước tiên mình phải khống chế được sự giận dữ của chính bản thân mình.
Chỉ có từ bi mới khống chế được sự giận dữ của kẻ khác. Chỉ có tâm thương yêu mới khống chế được sự hận thù của kẻ khác. Thương một người mà người đó không ưa mình không cần phải đặt câu hỏi là chúng ta thích người đó hay không. Nói cho cùng thương kẻ khác tức là giúp lấy chúng ta.
Vậy thôi! [Mọi người vỗ tay] Quý vị đừng có vỗ tay vì tôi không phải đang trong buổi hội thảo. Quý vị làm tôi có cảm giác như đang ở trong một buổi hội nghị nào đó. Quan trọng là nếu quý vị thấy tôi nói hay thì quý vị phải tu hành. Hãy thực hành trong cuộc đời này những gì tôi đã nói. Nếu mà nghe thấy hay vỗ tay xong một chút đi ra rồi quên thì không được.
*Tôn sư Khangser Rinpoche thuyết giảng
*Đệ tử Pháp Đăng kính dịch và đệ tử Hỷ Lạc kính ghi lại
@2011 Hỷ Lạc hiệu đính lần thứ nhất