Trong bài viết “Khi vật lý gõ cửa bản thể học” tiến sĩ vật lý Nguyễn Tường Bách đã trình bày ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu sự phát triển của bộ môn Vật lý trong 2400 năm qua. Đương nhiên, “dễ hiểu” ở đây không phải dành cho tất cả mọi người, mà chỉ dễ hiểu với người có kiến thức vật lý ở trình độ phổ thông.
Hãy tìm đọc trên Google để hiểu rõ các nội dung mà tiến sĩ Nguyễn Tường Bách đã trình bày và hiểu được vấn nạn mà Vật lý học hiện đại đang phải đối mặt.
Nội dung bài viết
Khoa Học Trên Con Đường Khám Phá Thực Tại
Vật lý là bộ môn khoa học khám phá thực tại, khám phá về thế giới vật chất. Ngay từ lúc còn sơ khai cho đến gần đây Vật lý vẫn quan niệm thực tại là thế giới vật chất, là “thực có” nghĩa là nó tồn tại khách quan với con người nhận thức nó, cho dù có con người nhận thức hay không thì thực tại là thế giới vật chất vẫn tồn tại.
Khởi đầu thế giới thực tại được quan niệm trong Vật lý học gồm các vật thể vật chất vận động trong không gian và thời gian. Đây là hai thuộc tính tuyệt đối của thế giới thực tại.
Đến khi Newton, một người khổng lồ trong Vật lý học xuất hiện thì khái niệm lực được đưa vào cùng với các định luật của cơ học cổ điển được ông phát minh, thì vật chất được quan niệm là các hạt có khối lượng và năng lượng, vận động trong không gian và thời gian tuân theo các định luật của cơ học cổ điển.
Và từ những kiến thức này mà một thế giới quan cơ giới ra đời nhằm mô tả các vật thể lớn nhỏ, tinh tú, mặt trời, trăng sao…đang vận hành theo các định luật của cơ học cổ điển. Thế giới quan cơ giới này rất đơn giản dễ hiểu, được công nhận và tồn tại trong khoa học gần cả 300 năm về sau.
Vật lý học tiếp tục phát triển và phát hiện ra một dạng vật chất khác gọi là sóng, không có khối lượng nhưng mang năng lượng, đồng thời tồn tại với dạng hạt có khối lượng và năng lượng. Và như vậy vật chất tồn tại dưới hai dạng không tương thích với nhau: Dạng hạt và Dạng sóng.
Sự nghiên cứu của Vật lý đi từ vật thể vĩ mô (lớn) đến những vật thể nhỏ bé (vi mô, vi tế) nên các mô hình cấu trúc hạt nhân nguyên tử ra đời và vấn đề là nếu hiểu biết tường tận về “đơn vị vật chất” nhỏ nhiệm nhất làm đơn vị cơ bản để cấu tạo nên thế giới vật chất, thì nhiệm vụ cơ bản của Vật lý học đã hoàn thành.
Môn Vật lý lượng tử đã ra đời và người ta kỳ vọng nó sẽ trả lời được câu hỏi: Vật chất là gì ? Thế giới thực tại này là gì? Nhưng những kết quả mà môn Vật lý lượng tử nhận được lại trái với kỳ vọng của các nhà khoa học.
Thực Tại Có Tồn Tại Độc Lập Với Tâm Thức Không?
Nhân loại đã mặc định thực tại tồn tại độc lập với tâm thức (ý thức của con người), con người với tâm thức là chủ thể quan sát thực tại, độc lập với thực tại, con người đó có chết đi, tâm thức đó không còn tồn tại thì thực tại vẫn tồn tại độc lập.
Nhưng kết quả mà Vật lý lượng tử nhận được thì trái ngược với điều đó, nghĩa là:
Kết quả quan sát được không những phụ thuộc vào đối tượng quan sát mà còn phụ thuộc vào người quan sát. Thực tại là gì thì tuỳ thuộc vào người quan sát, nghĩa là với cách quan sát này thì thực tại là hạt, nhưng với cách quan sát kia thì thực tại lại là sóng.
Thực tại là gì thì câu trả lời nhận được tuỳ thuộc vào cách ta “hỏi” nó. Kết quả này làm cho các nhà khoa học đi đến kết luận: Ý thức đã tác động lên thực tại và thực tại không hoàn toàn độc lập với ý thức như mặc định xưa nay của nhân loại.
Một số nhà khoa học đã nghi vấn: Phải chăng khi ý thức khảo sát thực tại thì chính ý thức đã “tạo tác” ra thực tại, phải chăng thực tại là sản phẩm do ý thức tạo nên?
Trải qua hơn 2400 năm phát triển bộ môn Vật lý học đã cung cấp biết bao kiến thức làm nền tảng cho các bộ môn khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật nhưng khi đạt đến đỉnh cao thì câu trả lời, Thực tại là gì, thế giới vật chất là gì, lại trở nên hết sức mơ hồ và càng khó hiểu.
Vật lý học lại trở về điểm xuất phát ban đầu với câu hỏi: Thực tại là gì và vật chất là gì? Đó là điều mà thời sơ khai nhân loại muốn biết nhưng không trả lời được. Chính vì thế mà nhiều nhà bác học nổi tiếng đã khẳng định, đến thời điểm này, con người vẫn chưa hề biết vật chất là gì. Đây chính là vấn nạn, là khủng hoảng của vật lý học hiện đại.
Đương nhiên vấn nạn này chỉ có các nhà khoa học hàng đầu mới hiểu được, mới biết được vấn đề, là khoa học cho đến thời điểm hiện tại chưa biết được vật chất là gì, chưa biết thực tại là cái gì, còn đa phần nhân loại đã MẶC ĐỊNH thực tại là thế giới vật chất tồn tại khách quan với con người.
Thực tại là vật chất đó bao gồm những gì được thấy là hình dạng và màu sắc của vật chất, những gì được nghe là âm thanh là một dạng vật chất, những gì được ngửi là mùi hương vật chất, những gì được nếm là vị của vật chất, những gì được sờ là vật chất cứng mền, nóng lạnh…, những gì được biết như to nhỏ, dài ngắn, mặn ngọt, chua cay, không gian thời gian…là các thuộc tính của vật chất.
Thuật ngữ Phật học gọi các đối tượng của thế giới vật chât này là Sắc trần, Thanh trần, Hương trần, Vị trần, Xúc trần, Pháp trần. Nhân loại đã MẶC ĐỊNH là những gì họ thấy biết rõ ràng nhất là thấy biết vật chất, cái họ yêu ghét, cái họ phản ứng, cái họ muốn chiếm hữu, muốn sở hữu, cái làm họ khổ vui trong cuộc sống này là thế giới vật chất. Và nếu ai nói với họ rằng, họ không biết vật chất là gì thì đó là điều đại phi lý!
Quan Điểm Của Triết Học Về Thực Tại
Vấn nạn này của Vật lý học đã đưa các nhà khoa học trở lại với triết học, với bản thể học và như tiến sĩ vật lý Nguyễn Tường Bách đặt vấn đề là Phật giáo có thể có câu trả lời cho câu hỏi thực tại là gì trên phương diện bản thể học.
Triết học được chia thành hai trường phái Duy vật và Duy tâm nhưng đều quan niệm thực tại là thế giới vật chất:
- Duy vật thì dựa vào một tiên đề là Vật chất không được sinh ra cũng không tự mất đi mà nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác, là cái có trước và Tinh thần là sản phẩm của Vật chất, do vận động của Vật chất mà phát sinh, là cái có sau.
- Duy tâm thì dựa vào một tiên đề là Vật chất do Thượng đế toàn năng, một năng lực Tinh thần tuyệt đối sáng tạo ra và như vậy Tinh thần có trước và vật chất có sau. Dựa vào các Tiên Đề có tính MẶC ĐỊNH, được công nhận như vậy, nhưng không thể chứng minh, các trường phái Duy vật và Duy tâm giải thích thế giới thực tại theo các tiên đề đã mặc định nhưng thực chất đây cũng chỉ là CÁC GIẢ THIẾT.
Vật lý học khởi đầu đương nhiên theo quan điểm Duy vật, nhưng khi đối mặt với sự thật thực tại mà không thể giải thích được theo quan điểm Duy vật thì lại tìm cách giải thích theo quan điểm Duy tâm.
Ví như khi thế giới quan cơ giới của Newton ra đời thì sự vận động của vũ trụ xảy ra là do quán tính và để có quán tính duy trì sự vận động của vũ trụ thì suy luận hợp lý có sức thuyết phục là phải có “Cái hích ban đầu của Thượng đế”.
Khi tìm ra mật mã di truyền trong cấu trúc ADN, một số nhà khoa học kinh ngạc, không thể tin được sự ngẫu nhiên của thuyết tiến hoá lại có thể hình thành được một mật mã tinh vi và hoàn thiện đến vậy, nên nghĩ rằng sản phẩm ấy phải do một trí tuệ siêu việt sáng tạo nên. Vậy ai đã tạo ra mật mã đó?
Câu trả lời thuyết phục và dễ chấp nhận nhất là do CHÚA làm ra. Bây giờ khi Vật lý lượng tử phát hiện ra thực tại không độc lập với ý thức người quan sát, vật lý học đang khủng hoảng về bản thể học, thì các nhà khoa học sẽ đi tìm câu trả lời trong triết học, cụ thể là phải từ bỏ triết học Duy vật để tìm câu trả lời theo triết học Duy tâm.
Quan Điểm Của Đại Thừa Về Thực Tại
Và bài viết của tiến sĩ Nguyễn Tường Bách hy vọng Phật giáo sẽ có được một vài giải đáp. Vì sao vậy? Vì câu trả lời mang tính bản thể học đã có trong kinh điển Phật giáo Đại thừa, đó là quan điểm nhất quán, xuyên suốt kinh điển Đại thừa: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức“, nghĩa là Ba cõi do Tâm tạo ra và các pháp (các sự vật hiện tượng của thực tại) là do tâm thức biến hiện ra.
Đây là quan điểm của triết học duy tâm “đặc sệt” theo nghĩa đen, nghĩa là Thượng đế toàn năng sáng tạo ra thế giới thực tại nhưng thay từ Thượng đế của Cựu ước bằng từ Tâm, Thức mà thôi.
Còn có một cách diễn đạt khác trong Phật giáo Đại Thừa được diễn tả rất tế nhị để tránh đi cái hình dung từ “Thượng đế sáng tạo ra thế giới”, đó là quan niệm Nhị đế.
Học thuyết Nhị Đế cho rằng thế giới thực tại có hai phương diện Chân Đế và Tục Đế mà trong đó:
- Chân Đế là thực tại tuyệt đối, là thực tại bản thể (còn có tên gọi khác là Chân Không, Niết Bàn, Chân Tâm thường trụ) không có tính vật chất, không có hình tướng nên trong Chân Đế hay Chân Không không có sinh diệt, nhơ sạch, tăng giảm, không có sắc thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý…
- Còn Tục Đế là thế giới thực tại tương đối, có hình tướng, có sinh diệt, có nhơ sạch, tăng giảm, có sắc thọ tưởng hành thức, có mắt tai mũi lưỡi thân ý…
Thế giới thực tại bản thế tuyệt đối Chân Đế là nền tảng phát sinh ra Thế giới thực tại tương đối sinh diệt Tục Đế, nghĩa là Tục Đế sinh ra từ Chân Đế, khi diệt đi thì Tục Đế lại trở về Chân Đế. Ví như sóng sinh ra từ nước, khi diệt đi sóng lại trở về với nước, nước như là Chân đế, sóng như là Tục đế.
Với quan niệm Nhị Đế như vậy nên có các mệnh đề: Sắc chẳng khác Không (Chân Không), Không chẳng khác Sắc, Sắc chính là Không, Không chính là Sắc. Thọ Tưởng Hành Thức cũng đều như vậy…Và họ gán cho Đức Phật đã giác ngộ về Thế Giới Tục Đế tương đối và Thế Giới Chân Đế tuyệt đối đó.
Nhưng đây chỉ là một hình thức diễn đạt mới mẻ với ngôn từ khác lạ, còn nội dung thì lại là Cựu ước, nghĩa là Thế giới thực tại tương đối này do Thượng đế tuyệt đối sáng tạo ra.
Những câu trả lời cho vấn nạn của Vật lý học hiện đại về bản thể học của các nhà khoa học đều sẽ rơi vào triết học Duy vật hoặc Duy tâm, đặt nền tảng trên các tiên đề được mặc định mà thực chất là các giả thiết. Do đó, tất cả chỉ là tư duy, lý luận suông mà thôi, không phải là sự thật thực tại, không phải là chân lý.
Kết Luận
Vậy thực tại là gì ? Đây là điều mà Đức Phật đã giác ngộ, và nó khác xa hiểu biết của nhân loại, của khoa học, của Phật giáo Đại thừa phát triển về sau.
Điều này đã được tuyên bố trong kinh Phạm Võng, thuộc Trường Bộ Kinh của Phật giáo Nam tông: “Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ như thật tuệ tri sự sanh diệt của THỌ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của THỌ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ”.
Nguồn: Đại Đức Nguyên Tuệ