Học thuyết Nhị Đế nói về 2 pháp Tục Ðế và Chân Ðế bao hàm trọn vẹn tất cả các pháp trong thế gian. Trong Phật Giáo, Thiền chỉ và Thiền quán là 2 pháp hành rất quan trọng. Đặc biệt, đối tượng của Thiền quán là Pháp Chân Đế và đối tượng của Thiền chỉ là Pháp Tục Đế hay Pháp Chế Định.
Cho nên, người học Phật cần phải phân biệt rõ thế nào là giả định (tục đế), thế nào là thật thể (chân đế). Ðâu là hữu vi, đâu là vô vi để không có sự lầm lẩn, chấp “ngón tay là mặt trăng”. Đối với người hành thiền tứ niệm xứ thì vấn đề càng quan trọng hơn, vì hành thiền minh sát là quán xét để thấu triệt bản chất thật thể của các pháp, thì khi đó mới hành thiền tứ niệm xứ đúng được.
Nội dung bài viết
Chân Đế là gì?
Chân Đế (Paramattha Sacca) là chân lý tối thượng, sự thật tuyệt đối hay thực tại rốt ráo và không bao giờ thay đổi (Parama aviparito): Không thay đổi ở đây không có nghĩa là thường hằng, bất biến, mà nó có nghĩa là trước sau giống nhau không sai khác.
Quá khứ như thế nào thì hiện tại và tương lai cũng như thế ấy. Do đó được gọi là chân như (chân: sự thật; như: không thay đổi). Ví dụ “các Pháp do duyên sanh thì các Pháp đó do duyên diệt, cái gì có sanh thì cái đó phải diệt.” Ngoài ra, về mặt chiết tự ta có thể hiểu (chân: sự thật, đế: sự thật) chân đế là sự thật của sự thật, là thực thể của tục đế.
Theo Vi Diệu Pháp có tất cả là bốn thực thể của các pháp:
- Tâm (Citta): thành phần tri giác của chúng sanh.
- Sở hữu tâm (Cetasika): thành phần phụ thuộc của tâm.
- Sắc pháp (Rūpa): thành phần vật chất, vô tri.
- Niết bàn (Nibāna): bản thể tịch tịch, chấm dứt sự sinh diệt của Danh Sắc.
– Tâm (Citta), Sở hữu tâm (Cetasika) và Sắc pháp (Rūpa) gọi là pháp hữu vi (Saṅkhāra).
– Niết Bàn (Nibāna) được gọi là pháp vô vi (Asaṅkhāra).
Tục Đế là gì?
Tục Đế (Sammuti Sacca) là sự thật mang tính chế định, có nghĩa là sự thật thông thường do thế tình đặt ra, thay đổi theo thời gian, môi trường hay tập thể nào đó nên có khi đúng khi không. Ví dụ như khi nói ở Việt Nam tài xế lái xe phải đi bên phải là đúng luật, còn bên Úc thì bên trái là đúng luật. Như vậy, nó chỉ đúng ở địa điểm hay thời điểm nào đó thôi.
Chữ Sammuti Sacca còn được các dịch giả dịch bằng những danh từ khác nhau như:
- Chế định: ngôn từ để chỉ định vật gì định đặt.
- Mặc ước: ước định, khái niệm về vật gì.
- Thi thiết: đặt bày ngôn từ diễn đạt các sự vật…
Mặc dù được dịch với nhiều danh từ, nhưng tựu chung thì Tục đế là các ngôn từ được định đặt ra để diễn đạt các sự vật. Pháp Tục Ðế được chia ra làm hai loại chế định: Danh chế định (Nāmapaññatti) và nghĩa chế định (Atthapaññatti).
Trong xã hội người ta quy định vật này vật kia, người này người kia để dễ phân biệt như nhà lầu, xe hơi, ông A, bà B…thì gọi là danh chế định (danh xưng), khi nói đến danh chế định thì người liền liên tưởng đến vật được miêu tả thì gọi là nghĩa chế định.
Ví dụ như nói đến trái chanh là nói đến một vật có hiện hữu (Paramattha), tên gọi trái chanh là danh chế định và hình ảnh trái chanh hiện lên trong đầu là nghĩa chế định (Atthapaññatti).
Một ví dụ khác, chữ “giận” là ngôn ngữ, nó là danh chế định. Khi nói đến “giận” là hình dung đến một cơn giận đã xảy ra trong quá khứ thì gọi là khái niệm. Còn ngay trong thực tại mà ta đang sân giận tức là cơn giận đang hiện hữu là sự thật chân đế Paramattha.
Khi hành thiền thì ngay thực tại thì không có giận nhưng cứ nghĩ đến chuyện hôm qua mình giận ai đó, rồi nhớ đến trạng thái giận như thế nào thì hình ảnh giận chỉ là khái niệm mà thôi. Cho nên có thể nói Chân Đế là bản thể của Tục Đế.
Danh chế định
Danh chế định (Nāmapaññatti) rất cần thiết trong xã hội, trong Phật giáo được phân ra làm 6 loại:
1. Danh chân chế định (Sāvijjamāna paññatti): là những danh từ chỉ thực tánh Chân Đế, những danh từ dùng để diễn đạt Pháp Chân Đế.
Ví dụ: Tâm, Sở hữu tâm, Sắc pháp, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, Uẩn, Xứ, Giới, Ðế, Niết Bàn…
2. Phi danh chân chế định (Avijjamāna paññatti): là những từ dùng để diễn đạt Pháp Tục Đế.
Ví dụ: Cái nhà (vì cái nhà do hiệp thành từ nhiều yếu tố), tôi (tôi là tập hợp ngũ uẩn), Chư thiên, Ma vương…
3. Danh chân, phi danh chơn chế định (Vijjāmāna avijjāmāna paññatti): là những danh từ ghép, chữ trước chỉ vật có thật (Pháp Chân Đế), chữ sau chỉ vật theo qui ước (Pháp Tục Đế).
Ví dụ: Tâm tôi (tâm thì có, còn tôi thì không có), tiếng radio, mùi sầu riêng…tiếng, mùi là những danh từ chỉ vật có thật (chân đế) – tôi, radio, sầu riêng là những danh từ giả định (tục đế).
4. Phi danh chân, danh chân chế định (Avijjāmāna vijjāmāna paññatti): là những danh từ ghép, tiếng trước thuộc về ngôn từ giả định (Pháp Tục Đế), tiếng sau thuộc về những danh từ chỉ vật có thật (Pháp Chân Đế).
Ví dụ: Tôi sân, nó có tâm tham…(Tôi, nó là giả danh không có thật – sân, tâm tham là những trạng thái có thật.)
5. Danh chân, danh chân chế định (Vijjāmāna vijjāmāna paññatti): là những danh từ ghép, tiếng trước và tiếng sau đều chỉ những sự vật có thật.
Ví dụ: Tâm Tham, Nhãn Thức, Thọ Lạc…(Tâm, Tham, Nhãn, Thức, Thọ, Lạc đều là những sự vật có thật)
6. Phi danh chân, phi danh chân chế định (Avijjāmāna avijjāmāna paññatti): là những danh từ ghép, trong đó tiếng trước và tiếng sau đều chỉ những sự vật giả danh.
Ví dụ: nhân loại, thiên hạ, trời đất, cha con, ông cháu, nhà tôi, xe tôi…những danh từ đó diễn đạt những sự vật không có thật.
Nghĩa chế định
Nghĩa chế định (Atthapaññatti) gồm có 7 loại khái niệm như sau:
1. Hình thức chế định (Santhānā paññatti): là những danh từ dùng để diễn đạt hình dáng của sự vật như núi cao, biển rộng, hố sâu, sông dài, bàn tròn, người lanh lẹ….
2. Hiệp thành chế định (Samūha paññatti): những danh từ chỉ các sự vật hiện hữu bởi sự tập hợp của nhiều vật khác nhau như cái nhà là sự kết hợp bởi nhiều yếu tố như rui, mè, kèo, cột…xe (sự kết hợp bởi sườn, bánh, tay lái, …), gia đình (sự kết hợp bởi cha, mẹ, con cái), người (sự kết hợp của ngũ uẩn), cái bàn, cái ghế, quốc gia…
3. Chúng sinh chế định (Satta paññatti): là những danh từ dùng để chỉ những sinh vật có thức tánh, mạng căn như loài người, Chư Thiên…Phân tích ra thì tất cả chúng sanh có thức tánh đều có ngũ uẩn, nhưng vì có những đặc tính hình dáng giống nhau mà phân biệt người, loài vật, chư thiên…
4. Phương hướng chế định (Disā paññatti): là những danh từ dùng để diễn đạt về phương hướng như Ðông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới…Ví dụ người ở Sydney thì Brisbane là hướng Bắc, Melbourne là hướng Nam… Còn như người ở Melbourne thì Brisbane, Sydney là hướng Bắc còn Adelaide là hướng Nam…
5. Thời gian chế định (Kāla paññatti): là những danh từ dùng để chỉ một thời điểm nào đó như buổi sáng, buổi tối, Xuân, Hạ, Thu, Ðông…Ví dụ như người ta lấy 1 vòng quay trái đất tính 24 giờ (1 ngày 1 đêm).
6. Hư không chế định (Ākāsa paññatti): là những danh từ dùng để diễn tả những chỗ trống, kẻ hở, hư không như hang, hố, huyệt, ao, đầm…
7. Hình tướng chế định (Nimitta paññatti): cũng gọi là Tiêu Biểu chế định, là những danh từ diễn đạt một sự vật tiêu biểu, tượng trưng như biểu tượng lá cờ, quốc gia, bảng hiệu…hay các đề mục tu Chỉ Tịnh như Ðất, Nước, Lửa, Gió, xanh, vàng…
Đại Đức Nguyên Tuệ giảng về thuyết Nhị Đế
Chân đế và Tục đế là những khái niệm xuất hiện về sau, nó không có trong các bộ kinh Nikaya, nghĩa là không do Phật nói. Kinh điển có nói đến Đế, nói đến Chân Lý hay Sự Thật phổ quát mà các bậc Thánh đã giác ngộ, đó là Tứ Thánh Đế bao gồm Khổ Đế, Tập Đế, Đạo Đế và Diệt Đế.
Như vậy Phật nói đến Tứ Đế chứ không phải là Nhị Đế. Nhị Đế bao gồm Tục đế và Chân đế là quan niệm của người đời sau và các quan niệm đó không ăn nhập gì với Tứ Đế.
Tục Đế được hiểu là “sự thật tương đối” và Chân Đế được hiểu là “sự thật tuyệt đối”. Trong cách hiểu như vậy đã có sự mâu thuẫn. Nếu đã là sự thật, là chân lý thì chỉ duy nhất có một sự thật, chứ không thể nào có hai sự thật tương đối và tuyệt đối được.
Nếu hiểu sự thật tương đối là gần với sự thật, thì nó đâu phải là sự thật, cho dù nó gần sự thật bao nhiêu đi nữa thì nó vẫn không phải là sự thật. Hiểu Tục Đế và Chân Đế như vậy là do sự đồng nhất giữa Thực tại và Thế giới, bắt nguồn từ ý thức nhị nguyên của loài người có nội dung là Bản ngã và Thế giới.
Chủ thể biết là Bản ngã và Đối tượng được biết là Thế giới, vì thế mới phát sinh khái niệm: Tục Đế là biết về sự thật tương đối về Thế giới và Chân Đế là biết sự thật tuyệt đối về Thế giới.
Bài viết được lượt trích từ Vi Diệu Pháp Giảng Giải
– Pháp Thoại (Chân Đế & Tục Đế – Ni Sư Liễu Pháp giảng 11.03.18)
Nguồn: coinguonhanhphuc.blogspot.com