Trước tiên phải hiểu từ thực tại là để chỉ cho một phạm trù rộng lớn, chỉ cho mọi sự vật, hiện tượng đang có mặt trong hiện tại, trong đó có các ĐỐI TƯỢNG THỰC TẠI là những gì được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được xúc chạm, được tưởng tượng ra mà nói tắt là được thấy, được nghe, được cảm nhận.
Nội dung bài viết
Đối tượng của thực tại
Trả lời câu hỏi thực tại là gì cơ bản được giải quyết khi trả lời chính xác, đúng sự thật: Đối tượng của thực tại là gì? Đương nhiên nhân loại đã mặc định các đối tượng của thực tại là thế giới vật chất gồm Sáu Trần (Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần) như phân loại theo thuật ngữ Phật học.
Trong thực tại còn có tâm biết gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức thuộc về 6 giác quan Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý (gọi là Sáu Căn).
Và sự việc xẩy ra theo hiểu biết của nhân loại là Nhãn thức thấy Sắc trần, Nhĩ thức nghe Thanh trần, Tỷ thức ngửi Hương trần, Thiệt thức nếm Vị trần, Thân thức cảm nhận Xúc trần, Ý thức biết Pháp trần theo nguyên lý Căn biết Trần hay TÂM BIẾT CẢNH, và như vậy các đối tượng thực tại là Thế Giới.
Ví như khi Thiệt thức là tâm biết của Lưỡi biết về Khúc mía ngọt hay chua, Thân thức là tâm biết của Tay, biết về Hòn đá nặng hay nhẹ, thô hay mịn, cứng hay mền…Nhưng nếu như quan sát đúng sự thật thì hiện tượng không phải như vậy.
Thực tại gồm tâm biết và đối tượng được biết không phải là Thế giới vật chất Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp. Thực tại không sẵn có, không thường hằng cũng không thường trú ở đâu cả, mà Thực tại chỉ phát sinh khi Căn Trần tiếp xúc hay nói chính xác là tương tác với nhau theo quy luật Nhân Quả.
Cụ thể là Căn và Trần là 2 nhân tố tương tác với nhau là Nguyên nhân, và do Nguyên Nhân đó mà phát sinh Kết Quả là [Tâm biết và Đối tượng được biết] đồng thời xuất hiện:
- MẮT và SẮC trần tiếp xúc nhau làm phát sinh đồng thời [Nhãn thức và Cảm giác hình ảnh]. Nhãn thức có phận sự ghi nhận (thấy) Cảm giác hình ảnh chứ không phải Nhãn thức thấy Sắc trần như hiểu lầm của nhân loại.
- TAI và THANH trần tiếp xúc nhau làm phát sinh đồng thời [Nhĩ thức và Cảm giác âm thanh]. Nhĩ thức có phận sự ghi nhân (nghe) Cảm giác âm thanh chứ không phải Nhĩ thức nghe Thanh trần như hiểu lầm của nhân loại.
- MŨI và HƯƠNG trần tiếp xúc nhau làm phát sinh đồng thời [Tỷ thức và Cảm giác mùi ]. Tỷ thức có phận sự ghi nhận (cảm nhận) Cảm giác mùi chứ không phải Tỷ thức cảm nhận Hương trần như hiểu lầm của nhân loại.
- LƯỠI và VỊ trần tiếp xúc nhau làm phát sinh đồng thời [Thiệt thức và Cảm giác vị]. Thiệt thức có phận sự ghi nhận (cảm nhận) Cảm giác vị chứ không phải Thiệt thức cảm nhận Vị trần như hiểu lầm của nhân loại.
- THÂN và XÚC trần tiếp xúc nhau làm phát sinh đồng thời [Thân thức và Cảm giác xúc chạm]. Thân thức có phận sự ghi nhận (cảm nhận) Cảm giác xúc chạm chứ không phải cảm nhận Xúc trần như hiểu lầm của nhân loại.
- Ý và PHÁP trần (Pháp trần là lượng thông tin lưu giữ trong bộ nhớ) tiếp xúc nhau làm phát sinh đồng thời [Tưởng thức và Cảm giác pháp trần]. Tưởng thức có phận sự ghi nhận Cảm giác pháp trần chứ không phải Tưởng thức biết Pháp trần.
Ví như khi có Lưỡi (khỏe mạnh) và Khúc mía là hai nhân nhưng chưa tiếp xúc thì chưa cảm nhận được vị ngọt ở đâu cả. Khi Lưỡi tiếp xúc với Khúc mía thì lập tức xuất hiện Cảm giác ngọt và đồng thời xuất hiện tâm biết Thiệt thức, cảm nhận Cảm giác ngọt đó.
Cũng khúc mía đó, nếu Lưỡi (bệnh) tiếp xúc thì sẽ phát sinh Cảm giác đắng. Vậy thì thực tại mà con người nhận biết là Cảm giác vị ngọt hay đắng thuộc phạm trù tâm chứ không phải là Khúc mía ngọt hay đắng, không phải là Vị trần thuộc phạm trù vật chất như hiểu lầm của nhân loại.
Có Tay và Cục nước đá nhưng chưa tiếp xúc thì chưa cảm nhận được thực tại lạnh nào cả nhưng khi Tay tiếp xúc Cục nước đá, lập tức xuất hiện Cảm giác lạnh và xuất hiện Thân thức cảm nhận Cảm giác lạnh đó.
Vậy thực tại được cảm nhận là Cảm giác lạnh, thuộc phạm trù tâm, chứ không phải Cục nước đá lạnh thuộc phạm trù vật chất như hiểu lầm của nhân loại.
Cái khó nhất của sự quan sát này là thấy được, khi Mắt tiếp xúc Sắc trần làm phát sinh đồng thời Nhãn thức cùng Cảm giác hình ảnh và Nhãn thức thấy Cảm giác hình ảnh chứ không phải Nhãn thức thấy Sắc trần, như mặc định của nhân loại.
Nếu Nhãn thức thấy Sắc trần, ví như mắt thấy cái ô tô sắt thép 4 chỗ ngồi thì đối tượng được thấy là cái ô tô thật, bao giờ nó cũng phải như nhau, không thể khác nhau dù cái ô tô 4 chỗ đó có cách mắt 4m, hay 40m, hay 400m. Nhưng sự thật không xẩy ra như vậy, mà khi cái ô tô đó cách mắt 4m thì thấy to, cách mắt 40m thì thấy vừa vừa, cách mắt 400m thì thấy nhỏ bằng cái hộp diêm.
Sự thật các đối tượng được thấy đó là các Cảm giác hình ảnh do cái ô tô tiếp xúc với mắt trên các khoảng cách khác nhau mà phát sinh ra nên nó khác nhau. Khoa học đã thuyết minh rõ ràng cùng một cái cây ( vật chất ) nhưng hình ảnh mà con người thấy, con chó thấy, con ruồi thấy, con ếch thấy…là các hình ảnh và màu sắc khác nhau.
Các thực tại được các loài khác nhau thấy khác nhau, bởi đó là các Cảm giác hình ảnh khác nhau, do cái cây vật chất tương tác với cấu tạo mắt khác nhau của các loài mà phát sinh. Thực tại được thấy đó là Cảm giác hình ảnh, là Tâm chứ không phải Cảnh. Còn cái cây vật chất là gì thì không có loài nào thấy được cả.
Đây là những điều sâu kín, khó thấy khó chứng, tịch tĩnh, mỹ diệu vượt qua mọi tư duy lý luận suông, tế nhị chỉ người trí mới có khả năng giác hiểu và là điều mà Đức Phật đã giác ngộ, tức là “Tuệ tri sự sinh diệt của Thọ” hay “Tuệ tri sáu xúc xứ”. Và Đức Phật giác ngộ Thực Tại Là Cảm Thọ chứ không phải Thực Tại là Thế Giới.
Vậy thì các đối tượng của thực tại là 6 loại Cảm giác gồm: Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm và Cảm giác pháp trần mà thuật ngữ Phật học gọi là CẢM THỌ.
Bản chất của thực tại
Có thể phân chia thực tại thành 6 loại Cảm thọ do 6 Căn tiếp xúc 6 Trần mà phát sinh như trên, cũng có thể phân chia thực tại thành 3 loại Cảm thọ theo tính chất là Lạc thọ, Khổ thọ và Bất khổ bất lạc thọ.
Các đối tượng của thực tại là Cảm thọ không sẵn có, không luôn luôn có nghĩa là không thường hằng, không thường trú ở đâu cả, nó chỉ xuất hiện khi có Xúc (Căn Trần).
Nếu quan sát thô thì Xúc sinh, Cảm thọ sinh, Xúc diệt thì Cảm thọ diệt nên Cảm thọ sinh diệt, vô thường. Cảm thọ do duyên Xúc giữa Căn Trần mà phát sinh nên Cảm thọ không phải “của” Căn, cũng không phải “của” Trần nên nó Vô chủ, Vô sở hữu.
Tượng tự như vậy, các tâm biết trực tiếp ghi nhận hay nhận biết các loại Cảm thọ cũng do duyên Xúc giữa Căn Trần mà phát sinh nên cũng Vô thường, Vô chủ, vô sở hữu. Khi Căn Trần không tiếp xúc, thực tại không khởi lên, thực tại không có mặt.
Đó là khi ngủ say không mộng mị, khi ngất đi trong một tai nạn, khi gây mê sâu lúc mổ vì lúc đó tuy có 6 Trần nhưng 6 Căn là 6 loại tế bào thần kinh không hoạt động, nên không có Xúc.
Tất cả những gì mà hàng ngày con người thấy, nghe, cảm nhận, được gọi tên bởi các ngôn từ như to nhỏ, vuông tròn, dài ngắn, cứng mền thô mịn, nóng lạnh, mặn ngọt chua cay, đàn ông, đàn bà, xe cộ, nhà cửa, hạnh phúc khổ đau…mặt trăng mặt trời, sum la vạn tượng…đều là các Cảm giác do Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần mà phát sinh, chứ không phải thế giới vật chất như lầm tưởng của nhân loại.
Cần phân biệt rõ 3 đối tượng:
- CON NGƯỜI mà nhân loại cho là chủ thể quan sát gồm có 6 Căn, tức 6 giác quan Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý.
- THẾ GIỚI gồm 6 đối tượng là Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp mà nhân loại cho là thực tại được quan sát.
- THỰC TẠI CẢM THỌ là thực tại thực mà con người thấy, nghe, cảm nhận hàng ngày, là do CON NGƯỜI (Sáu Căn) tương tác với THẾ GIỚI (Sáu Trần) mà phát sinh, vì thế nó KHÔNG SẴN CÓ Ở ĐÂU CẢ, nó Vô Thường, Vô Chủ vô sở hữu (Vô ngã).
Sự thật Thực tại Cảm thọ thuộc phạm trù tâm chứ không phải là thế giới vật chất như lầm tưởng của triết học Duy Vật, nó do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh chứ không phải do Thượng đế hay Bản Tâm tạo ra như lầm tưởng của triết học Duy Tâm.
Sự thật về thực tại là [Tâm biết và Đối tượng ] được biết đồng thời phát sinh, đồng thời xuất hiện chứ không phải như lầm tưởng của Duy vật là Đối tượng được biết có trước Tâm biết có sau (vật chất có trước tinh thần có sau), hay như lầm tưởng của Duy tâm là Tâm biết có trước, Đối tượng được biết có sau (tinh thần có trước vật chất có sau).
Vật lý lượng tử khi quan sát thực tại thì thấy thực tại là bất định và kết quả quan sát được không những phụ thuộc vào đối tượng quan sát mà phụ thuộc cả vào người quan sát.
Vì sao vậy? Tại vì thực tại quan sát được của Vật lý lượng tử là Thực tại Cảm thọ chứ không phải thế giới vật chất, thực tại đó là Kết Quả của sự tương tác giữa Con người (Sáu Căn) và Thế giới vật chất (Sáu Trần).
Đương nhiên Thực tại quan sát được đó phải phụ thuộc nhân tố Con người, phụ thuộc nhân tố Thế giới và cách thức tương tác giữa hai nhân tố Con người và Thế giới nên Vật lý lượng tử đã rút ra kết luận: Kết quả quan sát được hay thực tại quan sát được không những phụ thuộc vào Đối tượng quan sát mà còn phụ thuộc vào Người quan sát. Thực tại không chỉ có các đối tượng mà còn có Tâm Biết, biết về thực tại.
Nguồn: Đại Đức Nguyên Tuệ