Bạn có bao giờ đặt câu hỏi “Tại sao mọi người thường khó thay đổi quan điểm của họ không?” Vâng, câu hỏi này được các nhà tâm lý học nghiên cứu và đưa ra khái niệm được gọi là “Hiệu ứng phản tác dụng”.
Thông thường, chúng ta sẽ nghĩ rằng, nếu ai đó trình bày những thông tin mới cho thấy rõ ràng chúng ta đã sai về điều gì đó, chúng ta sẽ xem xét thông tin đó và điều chỉnh lại suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, đối với một số người, nó lại gây ra phản ứng ngược. Một số người có xu hướng chống lại việc chấp nhận các bằng chứng xung đột với niềm tin của họ.
Đã bao giờ bạn nhận thấy xu hướng kỳ lạ của chính mình là thường xuyên bỏ qua những lời ngợi khen, nhưng lại cảm thấy khó chịu trước những lời phê bình? Một ngàn nhận xét tích cực có thể trôi qua mà bạn không để ý, nhưng chỉ một câu nói “mày là kẻ giả tạo” có thể đeo bám bạn mấy ngày liền.
Một trong những giả thiết được đưa ra để giải thích cho điều này là bạn bỏ thời gian để suy ngẫm những thông tin mà bạn bất đồng, nhiều hơn so với những điều mà bạn vốn đã chấp nhận.
Những thông tin phù hợp với niềm tin sẵn có sẽ trôi qua như làn hơi nước, nhưng khi bạn gặp phải một điều có khả năng đe dọa đến niềm tin của mình, trái ngược với định kiến của bạn về cách mà thế giới vận hành, bạn sẽ khựng lại và tập trung chú ý vào nó.
Khi bạn đọc một lời bình phẩm tiêu cực, khi một ai đó chà đạp lên những điều mà bạn thích, khi niềm tin của bạn đứng trước thách thức, bạn sẽ nghiền ngẫm những điều này, phân tích chúng tới từng chân tơ kẽ tóc để tìm ra những sơ hở và điểm yếu.
Sự bất hòa nhận thức sẽ khóa cứng các bánh xe trong tâm trí cho tới khi bạn xử lý xong. Trong quá trình này, bạn tạo nên một mối liên hệ trung tính hơn, xây dựng nên những dữ liệu mới và bỏ ra nhiều nỗ lực hơn, để cuối cùng là niềm tin ban đầu của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Quan niệm sai lầm: Bạn sẽ thay đổi quan điểm của mình và tiếp nhận những thông tin mới sau khi niềm tin của bạn bị thực tế phủ nhận!
Sự thật: Khi những niềm tin sâu sắc nhất của bạn bị thách thức bởi những bằng chứng đối nghịch, chúng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Thông thường, khi ai đó gặp phải những dữ kiện khiến họ nghi ngờ về niềm tin của họ, họ sẽ từ chối bằng chứng này và tăng cường sự ủng hộ với lập trường ban đầu.
Điều này xảy ra là do sự thiên vị nhận thức được biết đến với tên gọi hiệu ứng phản tác dụng, và bài viết sau đây sẽ cho bạn biết khi nào và tại sao nhận thức thiên vị ảnh hưởng đến chúng ta và sự hiểu biết về nó có thể mang lại lợi ích gì cho bạn.
Nội dung bài viết
Hiệu ứng phản tác dụng là gì?
Hiệu ứng phản tác dụng (tiếng Anh: The Backfire Effect) là một khía cạnh của Tâm lý học. Khi một ý kiến bị mâu thuẫn với các ý kiến khác, thay vì thay đổi quan điểm, nó sẽ được củng cố thêm.
Có thể đây là vấn đề đối với việc phân tích dữ liệu liên quan đến lựa chọn đầu vào, tiêu chí cũng như giải thích các kết quả. Tâm trí sẽ áp dụng các kỹ năng tư duy phản biện để vượt qua bằng chứng đối nghịch với niềm tin của nó.
Khi bạn bắt đầu bước vào thế giới này và sống cùng với 7.2 tỷ người, 8.7 triệu loài khác, 510.1 triệu cây số vuông diện tích, lịch sử của một triệu năm về trước, và nhiều hơn nữa, bạn đã làm điều hợp lý nhất bạn có thể nghĩ đến vào thời điểm đó…Khóc và hét lên Oa Oa Oa!
Năm tháng trôi qua, bạn nhận ra rằng, có những cách khác để đối phó với tình trạng quá tải thông tin. Bạn bắt đầu xây dựng thế giới trong đầu của bạn. Bạn quan sát mọi thứ xung quanh, bạn cố gắng hiểu chúng, và bạn đặt tất cả chúng trong đầu của bạn theo cách mà bạn cảm nhận.
Bây giờ, mọi thứ mới mà bạn tiếp nhận phải tuân theo mô hình đã được thiết lập trong tâm trí. Nếu không, não của bạn sẽ chuyển sang chế độ tự vệ để chống lại tình trạng choáng ngợp thông tin.
Hiệu ứng phản tác dụng là một cơ chế tìm ẩn trong tâm trí của chúng ta. Do hiệu ứng này, bất cứ khi nào bạn phải đối mặt với thông tin hay sự kiện mâu thuẫn với những gì bạn tin tưởng, thay vì thay đổi quan điểm hoặc tạo thành một nhận thức mới, niềm tin ban đầu của bạn sẽ được tăng cường.
Bạn sẽ tin tưởng vào quan điểm trước đây của mình thậm chí mạnh mẽ hơn, mặc dù bạn nhìn thấy rất nhiều bằng chứng đối nghịch.
Ví dụ, bạn có niềm tin người yêu của bạn là một người tốt, khi có ai nói người ấy chỉ đang diễn để lấy lòng tin của bạn, họ trưng ra rất nhiều bằng chứng về góc khuất tâm tối của người ấy.
Nhưng bạn không tin vào những bằng chứng đó, bạn tin vào những gì bạn cảm nhận, bạn “gắn nhãn tốt đẹp” lên người yêu của mình. Bạn bắt đầu đưa ra các bằng chứng phản biện như: Người ấy hay mua thuốc cảm cho tôi, chăm sóc tôi, yêu thương tôi…Tất cả mọi người đều giả dối muốn chia rẻ chúng tôi sao?…
Trong quá trình này, bạn đã sử dụng một cái gì đó được gọi là “sự nhận thức thiên vị” hay “thiên kiến xác nhận”. Giống như tên gọi, nó bỏ qua những bằng chứng mâu thuẫn với suy nghĩ của bạn, và bám víu vào những dữ kiện ủng hộ niềm tin của bạn.
Giả sử những gì bạn nghĩ về người yêu của mình là đúng, không “gắn nhãn” sai…Nhưng tại sao bạn lại làm điều đó? Tại sao bạn phải có hết sức để bảo vệ quan điểm của mình, rằng không ai biết rõ người ấy ngoại trừ bạn? Trên thực tế, bạn đang bảo vệ lợi ích của chính bạn, vì “sự nhận thức thiên vị” đó mang lại cho bạn cảm giác an toàn, hài lòng.
Cách hiệu ứng phản tác dụng hoạt động
Sẽ rất hữu ích nếu bạn hình dung tất cả các niềm tin và nhận thức của bạn như là kế hoạch xây dựng tòa nhà. Đó là một tòa nhà mà bạn đã xây dựng qua rất nhiều nỗ lực, rất nhiều năm tháng.
Bất kỳ thông tin mới nào mâu thuẫn đều là mối đe dọa tiềm ẩn đối với tòa nhà của bạn, và đó là một mối đe dọa bạn không mong muốn, bởi vì bạn phải xây dựng lại những phần đó.
Khi mối đe dọa đầu tiên đến gỏ cửa tòa nhà, bạn không muốn nhìn tòa nhà của mình bị phá hủy, và bạn phải xây dựng lại một toà nhà khác.
Vì vậy, bạn xây dựng các hệ thống phòng thủ xung quanh nó. Những lớp bảo vệ này được tạo ra bởi “thiên kiến xác nhận”. Mỗi lần có một mối đe dọa mới, bạn phải xây dựng các cấu trúc phòng thủ phức tạp hơn. Những cấu trúc bảo vệ này không chỉ để tránh những mối đe doạ mà còn làm tăng niềm tin của bạn. Với mỗi lần như thế, sự nhận thức thiên vị của bạn trở nên mạnh mẽ hơn.
Tất cả các phát hiện khoa học đều bị tấn công tại một số điểm. Trên thực tế, đó là cách mà khoa học phát triển. Khi Einstein đưa ra thuyết tương đối, mâu thuẫn với tất cả các lý thuyết trước đó và định luật vật lý của Newton. Ông đã phải đối mặt với rất nhiều sự phản kháng, bao gồm cả lời chỉ trích của Tesla!
Khi được hỏi làm thế nào mà ông vẫn bình thản với những lời phản biện đó? Ông nói rằng, nếu ông thực sự sai, hàng trăm lời phản biện là không cần thiết, chỉ một lá thư là đủ.
Hiệu ứng phản ứng ngược trong tâm trí của nhiều nhà khoa học thông minh và có trình độ rất mạnh mẽ, những người say mê với những gì mà họ đã giành cả đời để theo đuổi khiến họ lao mình vào các thử nghiệm để chứng minh Einstein sai.
Einstein không thể thuyết phục được nhiều người trong số họ, sau khi niềm tin của họ đã được tăng cường như vậy. May mắn thay, nhiều năm sau, đào sâu vào lý thuyết của ông chứng minh rằng, luôn có chỗ cho những thay đổi trong suy nghĩ.
Một số ví dụ về hiệu ứng Backfire
Geoffrey Munro và Peter Ditto đã tạo nên một loạt những nghiên cứu giả mạo vào năm 1997. Một vài trong số này kết luận rằng, đồng tính luyến ái có thể là một chứng bệnh tâm thần. Số còn lại thì cho thấy, đồng tính luyến ái là bình thường và tự nhiên. Sau đó, họ chia các đối tượng tham gia thí nghiệm thành hai nhóm.
Nhóm thứ nhất bao gồm những người tin đồng tính là một vấn đề tâm thần, nhóm còn lại thì có quan điểm trái ngược. Mỗi nhóm này sau đó được cho đọc các bài nghiên cứu đầy những kết luận và số liệu giả để chứng minh rằng quan điểm của họ là sai.
Ở cả hai nhóm, sau khi đã đọc những bài nghiên cứu đi ngược lại định kiến của bản thân, hầu hết những người tham gia thí nghiệm đều không thể hiện sự giác ngộ, hay bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ nhận ra mình đã sai trong suốt nhiều năm qua.
Thay vào đó, họ cho rằng đây là vấn đề mà khoa học không thể hiểu được. Khi được hỏi về những chủ đề khác như: Đòn roi khi dạy trẻ hay chiêm tinh học…Những người này cho biết, họ không còn tin tưởng vào những nghiên cứu khoa học để xác định sự thật nữa. Thay vì bỏ đi những niềm tin sẵn có của mình để đối mặt với sự thật, họ đã nghi ngờ khoa học.
Hiệu ứng phản tác dụng cũng được quan sát trong một số trường hợp khác:
- Một nghiên cứu xem xét ưu tiên bỏ phiếu cho thấy rằng: Việc giới thiệu cho mọi người những thông tin tiêu cực về một ứng cử viên chính trị mà họ ủng hộ, thường khiến họ tăng sự ủng hộ cho ứng cử viên đó.
- Một nghiên cứu đánh giá những quan niệm sai lầm về các chủ đề chính trị cho thấy rằng: Cung cấp cho mọi người thông tin chính xác về các chủ đề này thường khiến họ tin vào quan niệm sai lầm ban đầu của họ một cách mãnh liệt hơn, trong trường hợp các thông tin mới mâu thuẫn với niềm tin trước đây của họ.
- Một nghiên cứu nhằm kiểm tra ý định tiêm chủng cho trẻ em của cha mẹ nhận thấy rằng: Khi các phụ huynh chống lại việc tiêm ngừa vì tin tưởng vào mối liên hệ giữa tiêm chủng và chứng tự kỷ, thì họ sẽ bác bỏ mọi thông tin lợi ích mà tổ chức y tế cung cấp, và bám vào một số ít trường hợp cá biệt để củng cố niềm tin của họ.
Một khảo sát về quan điểm chính trị, tôn giáo cho thấy, khi mọi người đọc một bài báo giới thiệu cả hai khía cạnh của một vấn đề, họ chỉ đơn giản chọn ra khía cạnh mà họ đồng ý và củng cố quan điểm của họ.
Cách áp dụng hiệu ứng phản tác dụng vào đời sống
Các ngành công nghiệp lớn đã sử dụng hiệu ứng phản tác dụng trong việc kinh doanh của họ. Các quảng cáo hoạt động bằng cách khẳng định những gì bạn đã tin, do đó tăng cường niềm tin của bạn rằng, bạn bằng cách nào đó gắn liền với sản phẩm của họ.
Nơi bạn đến, thời gian trong ngày bạn thấy quảng cáo hiển thị, văn hóa của đất nước bạn, hệ thống chính trị…tất cả đều được coi là những lựa chọn đúng đắn của bạn.
Hiệu ứng backfire là một phần cơ chế hoạt động của tâm trí chúng ta. Chúng ta không thể thoát khỏi nó, nhưng chúng ta có thể làm nó suy yếu bằng một nhận thức sáng suốt, chúng ta ý thức hơn về nó.
Nhận thức được rằng, bạn đang cố gắng biện minh chỉ để duy trì niềm tin của bạn sẽ giúp tâm trí của bạn cởi mở hơn, điều này cho phép bạn thay đổi và tiếp thu kiến thức mới.
Các lập luận có thể được tiếp cận theo những cách phù hợp hơn nếu bạn nhận thức được hiệu ứng phản tác dụng đang hoạt động trong tâm của mình. Ngoài việc nhận thức được điều đó, bạn có thể giữ cho đầu óc mình cởi mở bằng cách thả lỏng và hít thở nhẹ nhàng.
Bạn không nên đưa ra các bằng chứng đối nghịch ngay lập tức mà thay vào đó, bạn nên hỏi họ những câu hỏi mà khiến họ đặt nghi vấn về những gì họ đang tin.
Ví dụ: Tại sao bạn lại tin Phật A Di Đà là có thật? Vì trong kinh có nói. Bạn nghĩ những kinh điển nhắc đến Phật A Di Đà là của Phật Thích Ca? Ừ thì, không hẳn, nhưng đó là lời giảng của các vị Tổ đã giác ngộ. Tại sao bạn lại nghĩ là những vị đó đã giác ngộ?…Tại sao bạn không tin vào Thiên Chúa, Thánh Allah nhưng lại tin vào Phật A Di Đà?…Theo bạn thì tại sao kinh Tạng Pali lại không nói đến Phật A Di Đà?
Tại sao bạn không tin về sự tồn tại của Phật A Di Đà? Vì trong kinh Tạng không có nhắc đến. Bạn nghĩ những gì trong kinh Tạng Pali là toàn bộ những lời dạy của Phật Thích Ca? Ừ thì, không hẳn, nhưng đó là tổng hợp gần nhất. Bạn có nhớ mình đã thở bao nhiều lần trong khoảng 30 phút trước không?…Bạn nghĩ là chưa có ai giác ngộ kể từ khi Phật Thích Ca qua đời? Bạn có bao giờ nghĩ là người xưa cũng cảm nhận được sự tồn tại của vi khuẩn trong không khí nhưng họ chưa có khả năng chứng minh?…
Ở trên là những câu hỏi đơn giản và bạn dễ dàng phản biện để củng cố quan điểm của mình. Vũ trụ vô tận, bạn đang bảo vệ sự thật hay là bảo vệ bản ngã của mình?
Hiểu được vai trò của hiệu ứng phản tác dụng trong quá trình suy nghĩ của người khác có thể giúp bạn tương tác với họ tốt hơn.
Đối với bạn, điều này có nghĩa là khi bạn nói chuyện với ai đó trong nỗ lực thay đổi quan điểm của họ về điều gì đó, bạn cần phải nhớ rằng, nó không chỉ là chất lượng thông tin mà bạn cung cấp cho họ mà còn về cách bạn trình bày. Như vậy, bạn cần hiển thị thông tin mới một cách không mang tính đối đầu, cho phép mọi người tiếp nhận và chấp nhận các sự kiện mới, bằng cách đạt được kết luận mà bạn muốn họ đạt được.
Đó là, nếu bạn thực sự muốn hiểu rõ hơn về vấn đề của mình, bạn không nên tấn công người khác vì họ có “ý kiến sai”, điều này sẽ đặt họ vào một tư thế phòng thủ, nơi họ khó lòng chấp nhận những bằng chứng mới của bạn.
Hiểu được vai trò của hiệu ứng phản tác dụng trong quá trình suy nghĩ của bạn cũng có thể giúp bạn đưa ra các quyết định hợp lý hơn.
Bạn có thể sử dụng kỹ thuật tương tự mà bạn đã thấy ở trên để giảm tác động của backfire trong chính mình. Điều này có nghĩa là khi bạn gặp phải những thông tin mới mâu thuẫn với niềm tin của mình, bạn nên xem xét tính hợp lệ và ý nghĩa của nó thay vì cố gắng giải thích ngay tại sao nó sai. Bạn nên đặt mình vào vị trí của họ để hiểu rõ vì sao họ lại nghĩ như vậy.
Nếu bạn đang cố gắng giải thích cho ai đó về các vấn đề theo lập trường của mình, bạn có thể giảm nhẹ tác động của backfire bằng cách đưa ra thông tin mới, theo cách cho phép họ đi đến kết luận thông qua tự tiếp cận dựa trên bằng chứng mà họ gặp phải.
Kết luận
Khoa học viễn tưởng đã từng vẽ lên viễn cảnh tương lai mà giờ đây bạn đang sống. Sách vở, phim ảnh và truyện tranh từ thời kỳ trước đã tạo ra hình tượng những kẻ rành rõi công nghệ lướt trên những dòng dữ liệu và những thiết bị trao đổi cá nhân, tất cả tạo nên bản đồng ca của những tiếng bíp bíp và chuông báo khắp nơi xung quanh bạn.
Những mẩu truyện ngắn và những cuộc thảo luận cách đây nhiều năm đã tiên đoán về thời điểm mà tất cả vốn kiến thức và văn hóa tích lũy được của loài người sẽ trở nên dễ dàng tiếp cận và sẵn sàng cho bạn sử dụng bất cứ lúc nào. Hàng tỷ người sẽ được kết nối với nhau, trở nên hữu hình trước bất kỳ ai muốn thấy.
Như bạn thấy đó, từ xa xưa, con người đã tưởng tượng tương lai của mình sẽ được vây quanh bởi những máy móc có thể mang tới cho họ gần như tất cả những sự thật mà loài người đang tìm hiểu, hướng dẫn bất kỳ công việc nào, những bước cần trải qua để học một kỹ năng bất kỳ, câu trả lời cho tất cả những gì mà con người thắc mắc.
Nếu tương lai mà chúng ta từng mong đợi giờ đã là hiện tại, vậy tại sao khoa học và lý trí vẫn chưa đạt được chiến thắng cuối cùng? Tại sao bạn không được sống trong một miền đất với nền xã hội và công nghệ hoàn hảo, một thiên đường của thực nghiệm, một Asgard với những bộ óc phân tích tuyệt diệu khi mà sự thật đã có sẵn ở khắp mọi nơi?
Chắn ngay giữa bạn và miền đất tuyệt diệu ấy là rất nhiều thiên kiến và ảo giác, trong đó có con quái vật khổng lồ của tâm trí: Hiệu ứng phản tác dụng. Nó vẫn luôn ở đó chọc ngoáy vào cách bạn và tổ tiên nhìn vào thế giới này. Mạng Internet đã phá đi sợi xích kiềm chế sức mạnh thực sự của nó, nâng cấp và biến nó thành một con quái thú mạnh mẽ hơn, và bạn chẳng khôn ra là mấy so với trước kia.
Cuộc cách mạng Internet đã cung cấp cho bạn khả năng tranh luận với mọi người trên toàn cầu, ngay cả khi bạn chưa bao giờ gặp họ. Những lập luận sôi nổi mà bạn có thể đã chứng kiến (hoặc tham gia) trên Internet về một quan điểm chính trị, tôn giáo…những cuộc tranh luận không có hồi kết. Điều này là bởi vì mỗi bên thực sự chỉ củng cố ý kiến ban đầu của mình.
Ngay cả khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, những hành vi bạn thường làm khi chạm tới những vấn đề về niềm tin, tôn giáo, chính trị và lý tưởng có vẻ sẽ không thay đổi.
Trong một thế giới bùng nổ những kiến thức mới, bạt ngàn những cái nhìn khoa học về tất cả mọi mặt trong cuộc sống, giống như những người khác, bạn vẫn sẽ chọn lọc những điều để chấp nhận, bất kể nó có được mang ra từ một phòng thí nghiệm hoặc dựa vào kết quả của hàng trăm năm nghiên cứu hay không.
Theo scienceabc.com – effectiviology.com – Fb Tâm Lý Học Tội Phạm
Hình ảnh: porterblepeople.com