Hiệu ứng Domino hay phản ứng dây chuyền là hiệu ứng xuất hiện khi một sự kiện khởi tạo một chuỗi các sự kiện tương tự theo sau đó. Hiệu ứng này thường được biết đến như một tác động cơ học, và thường được miêu tả thông qua các quân cờ domino.
Hành vi của con người thường gắn liền với nhau. Ví dụ, hãy xem xét trường hợp của một người phụ nữ tên là Jennifer Dukes Lee. Trong 25 năm kể từ khi cô học đại học cho đến năm 40 tuổi, Lee không bao giờ dọn dẹp giường của mình ngoại trừ những lúc có mẹ hoặc khách đến thăm nhà.
Một ngày nọ, cô quyết định thử lại lần nữa và dọn dẹp giường của mình 4 ngày liên tiếp – một hành động tưởng chừng như đơn giản. Tuy nhiên, vào buổi sáng của ngày thứ tư, khi chiếc giường của cô đã gọn gàng và sạch sẽ, cô bắt đầu nhặt lấy đôi vớ và gấp một vài bộ quần áo nằm bừa bộn xung quanh giường.
Tiếp theo, cô thấy mình đang ở trong bếp, kéo chén đĩa bẩn ra khỏi bồn rửa và đưa chúng vào máy rửa chén, sau đó, cô sắp xếp lại tủ đựng thức ăn và đặt một con lợn trang trí vào giữa bàn ăn.
Cô giải thích: “Hành động dọn giường của tôi đã kích hoạt một chuỗi các hành động tích cực khác trong nhà…
Tôi cảm thấy mình trưởng thành – một người hạnh phúc, trưởng thành với một chiếc giường gọn gàng, một cái bồn rửa và tủ đựng thức ăn sạch sẽ và một chú lợn xinh xắn trên bàn. Tôi cảm thấy mình giống như một người phụ nữ thần kỳ đã tự mình kéo mình ra khỏi vòng xoáy tiêu cực của Tam giác Bermuda.”
Jennifer Dukes Lee đã trải qua hiệu ứng Domino.
Nội dung bài viết
Hiệu ứng Domino là gì?
Hiệu ứng Domino nói rằng, khi bạn thực hiện thay đổi đối với một hành vi, nó sẽ kích hoạt phản ứng dây chuyền và cũng làm thay đổi các hành vi liên quan.
Nó thường đề cập đến một chuỗi liên kết các sự kiện trong đó thời gian giữa các sự kiện liên tiếp là tương đối nhỏ. Nó có thể được hiểu theo nghĩa đen (một loạt các va chạm thực tế được quan sát), hoặc ẩn dụ (mối liên kết nhân quả trong các hệ thống như tài chính toàn cầu hay chính trị).
Thuật ngữ domino được sử dụng để ngụ ý rằng một sự kiện nào đó là không thể tránh khỏi hoặc rất có khả năng (vì nó đã bắt đầu xảy ra), và ngược lại ngụ ý rằng một sự kiện nào đó là không thể hoặc rất khó xảy ra (một quân cờ domino vẫn đứng yên hoặc bị lấy ra).
Ví dụ, một nghiên cứu năm 2012 từ các nhà nghiên cứu của Đại học Northwestern cho thấy, khi mọi người giảm lượng thời gian “lười biếng” mỗi ngày, họ cũng giảm lượng chất béo tiêu thụ hàng ngày của họ.
Những người tham gia không hề được yêu cầu phải cắt giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn, nhưng thói quen dinh dưỡng của họ được cải thiện như là một tác dụng phụ tự nhiên bởi vì họ dành ít thời gian trên chiếc ghế dài để xem TV và không ngừng ăn uống. Cứ như thế, thói quen này dẫn đến thói quen khác, chuỗi domino đã được họ đánh ngã.
Nếu để ý bạn sẽ thấy sự hiện diện của hiệu ứng Domino trong cuộc sống của chính bạn. Ví dụ như khi tôi có thói quen đến phòng tập gym, tôi chợt nhận ra khả năng tập trung khi làm việc cũng như giấc ngủ của mình đã được cải thiện đáng kể, mặc dù tôi không hề có kế hoạch thay đổi hai thói quen đó.
Hiệu ứng Domino cũng có những thói quen tiêu cực. Bạn có thể thấy rằng thói quen kiểm tra điện thoại của bạn dẫn đến thói quen nhấp vào các thông báo truyền thông xã hội, dẫn đến thói quen lướt web một cách vô thức, cuối cùng là chậm trễ trong việc hoàn thành những thứ quan trọng hơn.
Theo lời của giáo sư Stanford Fogg: “Bạn không bao giờ có thể thay đổi chỉ một hành vi. Hành vi của chúng ta được kết nối với nhau, vì vậy khi bạn thay đổi một hành vi, các hành vi khác cũng thay đổi.”
Hiệu ứng Domino hoạt động như thế nào?
Hiệu ứng Domino xảy ra vì hai lý do.
1. Các thói quen tạo nên cuộc sống hàng ngày của chúng ta liên quan đến nhau. Trên thực tế, có một mối liên hệ đáng ngạc nhiên giữa cuộc sống và hành vi của mỗi người. Mối liên hệ này là lý do chính khiến cho sự lựa chọn ở một khía cạnh nào đó trong cuộc sống của bạn sẽ ảnh hưởng kinh ngạc đến những khía cạnh khác, cho dù bạn có dự tính trước ra sao.
2. Hiệu ứng Domino tận dụng một trong những nguyên tắc cốt lõi của hành vi con người: Cam kết và nhất quán. Hiện tượng này được giải thích trong cuốn sách kinh điển về hành vi con người, Influence của Robert Cialdini. Ý tưởng cốt lõi là nếu mọi người cam kết với một ý tưởng hoặc mục tiêu, ngay cả trong một cách rất nhỏ, họ có nhiều khả năng tôn trọng cam kết đó bởi vì bây giờ họ thấy ý tưởng hoặc mục tiêu đó gắn chặt với hình ảnh của họ.
Quay trở lại câu chuyện ở đầu bài viết này, một khi Jennifer Dukes Lee bắt đầu dọn dẹp giường của mình mỗi ngày, cô đã thực hiện một cam kết nhỏ với ý tưởng, “Tôi là loại người duy trì một ngôi nhà sạch sẽ và ngăn nắp.” Vài ngày sau, cô bắt đầu cam kết hình ảnh mới này với các khu vực khác trong nhà của mình.
Đây là một sản phẩm phụ thú vị của hiệu ứng Domino. Nó không chỉ tạo ra một loạt các hành vi mới, mà còn là sự thay đổi trong niềm tin cá nhân. Khi mỗi domino nhỏ ngã, bạn bắt đầu tin tưởng những điều mới mẻ về bản thân và xây dựng thói quen dựa trên niềm tin mới này.
Cách áp dụng hiệu ứng Domino vào cuộc sống hàng ngày
Hiệu ứng Domino không chỉ đơn thuần là một hiện tượng xảy ra với bạn mà còn là thứ bạn có thể tạo ra. Đó là quyền lực của bạn để châm ngòi cho một phản ứng dây chuyền những thói quen tích cực bằng cách xây dựng những hành vi mới tự nhiên dẫn đến hành động tích cực tiếp theo.
Dưới đây là ba quy tắc ứng dụng hiệu ứng Domino vào cuộc sống:
1. Bắt đầu với điều bạn có động lực nhất để làm. Bắt đầu với một hành vi nhỏ và làm điều đó một cách kiên trì. Điều này không chỉ khiến bạn cảm thấy thỏa mãn chính bạn và mở ra cho chính bạn về hình mẫu tích cực bạn có thể trở thành. Việc cả chuỗi Domino sau đó có ngã hay không cũng không quan trọng bằng quân cờ Domino đầu tiên ngã xuống.
2. Duy trì động lực và ngay lập tức chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo mà bạn có động lực để hoàn thành. Hãy để đà hoàn thành một nhiệm vụ đưa bạn trực tiếp vào hành vi tiếp theo. Với mỗi lần lặp lại, bạn sẽ trở nên quyết tâm hơn với hình ảnh mới của mình.
3. Khi bạn bắt đầu nản, hãy chia nhỏ mọi thứ thành những phần nhỏ hơn. Khi muốn thay đổi một thói quen, bạn hãy tập trung vào việc duy trì chúng trong tầm kiểm soát của mình. Hiệu ứng Dominio quan trọng quá trình tiến triển của bạn chứ không quan trọng kết quả. Đơn giản là hãy cố gắng giữ guồng “ngã” của các quân cờ Domino. Hãy để chu trình đó tự động diễn ra, từ cái này đến cái khác.
Nếu hành vi này không dẫn đến hành vi khác, có thể là bạn không thực hiện được một trong ba nguyên tắc trên. Có nhiều chiều hướng Domino có thể ngã, tất nhiên là cả những hướng tiêu cực. Bạn hãy tập trung vào hướng tích cực nhất mà bạn muốn xảy ra và để nó thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn.
Hoa Sen Phật – Theo: jamesclear.com – genk.vn