Bằng cách quan sát những người xung quanh, Đức Phật phát hiện ra nguyên nhân của đau khổ là tham ái và vô minh. Sức mạnh của nó khiến con người mê muội trong việc tìm kiếm hạnh phúc đích thực. Nó được gọi là Chân lý thứ hai trong Tứ Diệu Đế – Nguyên nhân của đau khổ.
Sau khi Đức Phật biết được đau khổ là một phần của cuộc sống, Ngài nhận ra rằng, nếu không tìm ra nguyên nhân của nó thì không thể tìm ra con đường chấm dứt đau khổ. Một số người tin rằng, Đức Phật học được điều này cũng giống như một bác sĩ học về những sai trái của bệnh nhân bằng cách liệt kê các triệu chứng của họ, tìm ra những gì đã làm họ tồi tệ hơn và nghiên cứu các trường hợp khác trước khi kê toa chữa bệnh.
Nội dung bài viết
Tham Ái
Những điều chúng ta khao khát là gì? Những món ăn chúng ta thích, những thú vui giải trí, những điều mới mẻ, vẻ đẹp, tiền bạc, danh vọng…rất nhiều thứ khác tùy thuộc vào việc chúng ta là ai và chúng ta đang ở đâu.
Tham ái có thể được giải thích là những ham muốn mạnh mẽ của con người trong việc tìm kiếm những thứ để làm thỏa mãn các giác quan vật lý hay để trải nghiệm cuộc sống. Phật tử tin rằng, bất cứ điều gì kích thích các giác quan hoặc tinh thần của con người đều có thể dẫn đến tham ái.
Chúng ta thèm khát nhiều thứ nhằm đáp ứng nhu cầu của mình, nhưng đa số trong chúng ta không biết rằng thậm chí những món ngon, quần áo đẹp hay tiền bạc đều là vô thường, những trải nghiệm hạnh phúc đó chỉ là tạm thời. Chẳng bao lâu chúng sẽ kết thúc và không còn để thưởng thức nữa, chúng sẽ bị lãng quên như thể chúng chưa bao giờ xuất hiện.
Nhu cầu của con người là vô tận, vì thế, không có thú vui nào có thể mang lại cho chúng ta hạnh phúc lâu dài hay sự hài lòng vĩnh cửu. Đó là lý do tại sao chúng ta cứ lặp đi lặp lại sự khao khát này và trở nên không hài lòng cho đến khi chúng ta tìm được những thứ có thể thỏa mãn mong muốn của chúng ta.
Nhưng ngay cả khi những niềm vui đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta vẫn cảm thấy chưa đầy đủ và không hài lòng.
Hãy tưởng tượng việc ăn thức ăn ưa thích của bạn mỗi ngày, tuần này sang tuần khác. Lúc đầu, bạn nghĩ đó là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng một thời gian sau, bạn nhận ra rằng, mình không còn thích ăn món đó nữa, và thậm chí nó có thể khiến bạn cảm thấy chán nãn! Lúc đó, bạn bắt đầu tìm kiếm những món ăn khác để thỏa mãn nhu cầu của mình.
Hạnh phúc chỉ là một trạng thái, tại sao có người phải bỏ rất nhiều thứ mới có được nó, trong khi có người chỉ cần bình trà ấm là có thể trải nghiệm hạnh phúc ngày qua ngày?
Các điều kiện để hạnh phúc luôn có mặt xung quanh chúng ta, quan trọng là chúng ta có nhận ra và tận hưởng nó hay không. Hạnh phúc đến từ sự hài lòng, và nó chỉ là trạng thái của tâm chứ không phải là cái gì đó bên ngoài mà chúng ta phải tìm kiếm.
Ngoài việc thỏa mãn các giác quan vật lý, chúng ta còn khao khát khẳng định bản thân mình, tự hào với những gì mình làm được và giận dữ với mọi thứ làm hại đến nó. Đây được gọi là nuông chiều bản ngã.
Người bạn của tôi nói rằng, nếu con người không có “nhu cầu” thì thế giới sẽ không thể phát triển và chúng ta vẫn còn trong thời kỳ săn bắt hái lượm như người tiền sử. Nhu cầu là nền tảng cho sự phát triển, và hy sinh là một phần thiết yếu cho sự phát triển này.
Rất nhiều con chuột đã chết trong phòng thí nghiệm để bạn và tôi có thể hưởng lợi lạc từ những phát minh vĩ đại đó. Như vậy, việc khao khát tìm kiếm những phát minh, những khám phá khoa học và y học bằng việc đánh đổi mạng sống của chúng sinh vô tội như thế có được gọi là tham ái không?
Khao khát là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển, nhưng có những khao khát khiến chúng ta mê muội, theo đuổi bằng mọi cách, từ đó xa vào những hành động tiêu cực dẫn đến đau khổ cho chính chúng ta và những người khác thì đó được gọi là tham ái.
Vô Minh
Tham ái giống như một cái cây to với nhiều cành cây. Có những nhánh cây tham lam, suy nghĩ tiêu cực và giận dữ. Trái của cây tham ái là đau khổ nhưng làm thế nào để nó phát triển? Chúng ta có thể tìm thấy nó ở đâu? Đức Phật đã nói, cây tham ái có gốc rễ từ sự thiếu hiểu biết hay còn gọi là vô minh. Hạt giống của nó rơi xuống và nảy nở bất cứ khi nào chúng tìm thấy sự thiếu hiểu biết.
Vậy vô minh là gì? Vô minh không phải là thiếu tri thức mà là không có khả năng nhìn thấy sự thật về mọi thứ, nhìn thấy mọi thứ như chúng thực sự là. Khả năng nhìn thấy sự thật không phải là vấn đề của thị lực hay học vấn. Phật tử tin rằng có rất nhiều chân lý về thế giới mà con người chưa khám phá vì sự hiểu biết giới hạn ở thời điểm hiện tại.
Lịch sử dễ dàng cho chúng ta thấy nhiều ví dụ về quan niệm sai lầm do thông tin hạn chế gây ra sự thiếu hiểu biết này. Nhiều thế kỷ trước, hầu hết mọi người trên thế giới tin rằng Trái đất bằng phẳng và con người dễ dàng rơi ra khỏi nó. Họ nghĩ miền chân trời là một nơi đầy những con quái vật đáng sợ.
Một số nhà khoa học và các nhà thám hiểm thời đó gợi ý, Trái đất hình cầu và nó an toàn để đi du lịch khắp nơi, nhưng họ đã bị trừng phạt vì những ý tưởng này. Hôm nay, chúng ta biết Trái đất hình cầu, không có cạnh để rơi ra hay những con quái vật đáng sợ như những câu chuyện huyền bí thời xa xưa, nhưng đối với những người sống tại thời điểm đó, những “quan niệm sai lầm” này rất thật trong tâm trí của họ.
Chúng ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ về cách khoa học đã tiết lộ những sự thật về cuộc sống mà chúng ta không biết. Nhờ sự phát triển của khoa học, chúng ta biết rằng có những âm thanh mà con người không thể nghe được và những bước sóng ánh sáng mà chúng ta không thể nhìn thấy…
Các công cụ đặc biệt được chế tạo để giúp chúng ta nhìn thấy những điều này, nhưng nếu không có những phương tiện đó, chúng ta sẽ không biết sự hiện diện của những thứ mà chúng ta không thể cảm nhận qua 5 giác quan của mình.
Người bạn của tôi thắc mắc, có 2 luồng quan điểm trái chiều về Đức Phật A Di Đà, cõi Cực Lạc, Địa ngục, ma quỷ hay Phật tánh…Như vậy, ai là người vô minh trong trường hợp này?
Phật giáo dạy rằng, chừng nào mà con người chưa nhận ra bản chất thật của thế giới, họ sẽ phải chịu hậu quả bởi những quan niệm sai lầm và ảo tưởng. Nhưng khi con người phát triển trí tuệ và đạt được trí tuệ thông qua nghiên cứu, tư duy cẩn thận và thiền định, họ sẽ tìm thấy chân lý. Họ sẽ nhìn thấy mọi thứ như chúng thực sự là, họ sẽ hiểu được lời dạy của Đức Phật về sự đau khổ và vô thường của cuộc sống, từ đó, Tứ Diệu Ðế sẽ rõ ràng hơn đối với họ.
Kết Luận
“Một cuộc đời tĩnh lặng và giản dị mang lại nhiều niềm vui hơn một cuộc đời theo đuổi thành công và không ngừng náo động”. Albert Einstein
Câu nói của ông rất ý nghĩa, chúng ta có thể thoát khỏi đau khổ nếu sống một cuộc sống yên bình, không tranh đua, không khao khát, tĩnh lặng trước những tác động của thế giới.
Nhưng nó không phù hợp với hầu hết mọi người, vì chúng ta còn bị rất nhiều thứ ràng buộc (công việc, gia đình, xã hội…) để có thể biến cuộc sống của mình tĩnh lặng được. Chúng ta không thể từ bỏ mọi thứ và tìm một nơi yên bình để thực hiện điều đó, trái đất không đủ rộng cho tất cả chúng ta và nó cũng không phù hợp cho sự phát triển.
Con đường chấm dứt đau khổ trong cuộc sống là hiểu được nguyên nhân của nó. Tham ái và vô minh là hai nguyên nhân chính gây ra đau khổ. Hai nguyên nhân này có thể được giải quyết bằng cách phát triển trí tuệ thông qua việc thực hành các giáo lý Phật giáo. Giải quyết những nguyên nhân chính của đau khổ sẽ dẫn chúng ta đến với hạnh phúc đích thực và lâu dài.
Phật giáo không bắt chúng ta phải từ bỏ mọi nhu cầu của mình hay tìm một nơi hẻo lánh để tránh xa mọi tác động của xã hội. Phật giáo chỉ cho chúng ta con đường thực hành để hoàn thiện bản thân, giúp chúng ta thích nghi hoàn hảo với những nghịch cảnh trong cuộc sống này.
Tất nhiên, chúng ta có quyền mong ước nhiều thứ cho bản thân, gia đình và xã hội, nhưng chúng ta phải xác định xem những mong ước đó có cần thiết và khả thi không? Nếu có, chúng ta sẽ bắt đầu làm việc để đạt được nó thông qua những suy nghĩ và hành động tích cực (phù hợp với Luật nhân quả). Nếu như chúng ta đã cố gắng mà những mong ước đó vẫn không thành tựu thì chúng ta phải xem lại quá trình thực hiện nó, tìm ra nguyên nhân khiến nó chưa thành tựu.
Ngay cả khi mong ước đó thành tựu, chúng ta phải luôn nhớ rằng, nó không vĩnh cửu và có nguy cơ bị hoại diệt. Từ đó, chúng ta sẽ không khởi tâm đau buồn hay giận dữ với những thay đổi của nó. Vì chúng ta biết rằng mọi thứ vô thường, mai là một ngày mới và chúng ta sẽ có cơ hội để bắt đầu lại. Chúng ta sẽ biết phải làm những gì để thực hiện mong ước đó, một sự khởi đầu tràn đầy kinh nghiệm.