Hạnh phúc đích thực là gì? Tôi nghĩ đây là một vấn đề khó khăn để thảo luận, mọi người có nhiều cách định nghĩa khác nhau về nó. Và tôi cũng không chắc chắn về câu trả lời được chia sẻ trong bài viết này.
Mọi truyền thống tâm linh đều nói về hạnh phúc và hướng dẫn cách để đạt được nó. Các giáo lý vĩ đại của thế giới cho rằng, mục đích của sự tồn tại của chúng ta là sống hạnh phúc và vượt qua đau khổ – tất cả đều đưa ra những định hướng nhất định về cách đạt được trạng thái này.
Chúng ta thường hiểu “hạnh phúc” như một trạng thái mà mọi thứ đều như ý, những mong muốn được đáp ứng – cảm giác tốt liên tục.
Chúng ta tổ chức các phần bên ngoài cuộc sống để mọi thứ chạy hoàn hảo, tìm kiếm thêm điều kiện bên ngoài để thỏa mãn “cái hố nhu cầu” sâu thăm thẳm, nhưng dù chúng ta có thâu tóm bao nhiêu đi chăng nữa thì dường như vẫn chưa đủ để có được hạnh phúc bền vững.
Hạnh phúc có vẻ khó khăn hơn đối với những người nghèo khổ, nhưng cũng không có dấu hiệu cho thấy giàu có sẽ mang lại hạnh phúc bền vững. Hãy tưởng tượng nếu thu nhập của bạn đột nhiên tăng lên 535 triệu một tháng.
Điều đó chắc chắn sẽ làm cho bạn rất hạnh phúc lúc đầu, nhưng bạn sẽ ngay lập tức sắp xếp “chi phí hạnh phúc” của bạn trên ngân sách mới. Một thời gian sau, bạn sẽ thấy mình trong cùng một trạng thái như trước khi giàu có hơn! Cũng có lúc vui, lúc buồn, lúc tức giận, lúc mệt mõi và căng thẳng. Và bạn tiếp tục tìm kiếm…
Sợi dây bất mãn kéo chúng ta tiếp tục tìm kiếm và tích góp thêm nhiều thứ bên ngoài. Nó là một phần của quá trình tiến hóa. Nếu chúng ta sống trong tình trạng không hài lòng liên tục, chúng ta sẽ tiếp tục tìm cách để làm cho mọi thứ trở nên tốt hơn.
Đây không phải là một điều xấu, trên thực tế, nó đã được chứng minh là một điều rất tốt. Chúng ta có thể nhìn vào những tiến bộ của nhân loại đã thực hiện kể từ khi chúng ta bò ra khỏi hang đá, và thấy rằng cuộc sống bây giờ là tốt hơn nhiều so với khi chúng ta là một phần của chuỗi thức ăn.
Tuy nhiên, chúng ta phải trả một chi phí rất lớn cho sự tiến bộ này, chúng ta dường như rời xa cái nôi hạnh phúc nguyên thủy.
Trong quá khứ, có những người không giàu có nhưng hài lòng với cuộc sống của họ, cười và hạnh phúc mỗi ngày. Nhưng khi những người giàu xuất hiện, họ nhìn vào những người đó và hỏi, “tại sao tôi không có một cuộc sống như thế, một ngôi nhà đẹp, xe hơi!” Từ đó, họ hành động khác đi và đánh mất hạnh phúc vốn có của họ. – Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Các bậc thầy vĩ đại dạy chúng ta rằng, hạnh phúc bền vững không đến từ việc tích lũy vật chất. Thay vào đó, nó là kết quả của việc chia sẻ những điều tốt đẹp và đánh giá cao những gì mà chúng ta đang có.
Nội dung bài viết
Vậy hạnh phúc đích thực là gì?
Khi chúng ta dành một chút thời gian để quan sát những người xung quanh, chúng ta có thể thấy ước muốn của mọi người chỉ đơn giản là hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ – đó là mẫu số chung của tất cả chúng ta.
Nhưng chúng ta thường nhầm lẫn hạnh phúc với một trạng thái tạm thời của niềm vui sướng. Chúng ta nhìn vào trải nghiệm hoặc các điều kiện bên ngoài để mang lại sự hài lòng cho chúng ta. Trong khi những điều kiện này thường biến đổi.
Ví dụ, tôi rất thích ăn phở bò tái kèm theo chén trứng, nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng đó không phải là nguồn cung cấp hạnh phúc đích thực.
Mặc dù tô phở đó có đắt nhất thế giới, ngon nhất thế giới đi chăng nữa…thì sau vài tiếng tiêu hóa trong dạ dày của tôi thì cảm giác “hạnh phúc” cũng trôi theo dòng nước.
Nếu ai đó hỏi tôi nó như thế nào, thì tôi cũng chỉ có thể dùng từ “tuyệt vời” để mô tả về tô phở đó. Và cái cảm giác ăn tô phở đắt nhất hành tinh đó cũng không khác gì ổ bánh mì chả trứng 12 ngàn mà tôi ăn sau khi đi lạc 2 ngày trong rừng Xà Nu. Thậm chí nó còn không “hạnh phúc” bằng chén cháo mà mẹ tôi nấu cho tôi những lúc tôi bệnh.
Hạnh phúc là sự lựa chọn, cách mà chúng ta nhận thức về thế giới. Một người đã trải qua rèn luyện tâm trí vẫn cảm thấy hạnh phúc khi ăn một tô hủ tiếu gõ 15 ngàn, trong khi nhà hàng xóm đang đãi tiệc linh đình với tôm càng xanh!
Những khoái lạc giác quan có thể tạo cảm giác vui sướng trong một khoảnh khắc, nhưng nó không phải là nguồn của hạnh phúc đích thực. Chúng thậm chí có thể gây đau khổ khi chúng thay đổi không thuận theo ý mình. Điều này bao gồm cả các mối quan hệ, mà thường là đầy những thăng trầm, và bởi vì tính chất vô thường của chúng.
Theo từ điển Oxford, “hạnh phúc” có nghĩa là cảm giác mãn nguyện hay hài lòng. Chúng ta có thể ngay lập tức loại bỏ từ “khoái lạc” khỏi định nghĩa về hạnh phúc đích thực.
Từ “hài lòng” chứa một số ý nghĩa tương tự như hạnh phúc. Điều này đến gần hơn với những gì chúng ta đang tìm hiểu về hạnh phúc thực sự. Nó không phải là một cảm giác tạm thời của niềm vui, nó là một quan điểm sống, một lý tưởng sống. Người hạnh phúc tập trung vào những gì họ đang có trong khi những người không hài lòng tập trung vào những gì còn thiếu.
Hai phương pháp tiếp cận đến hạnh phúc đích thực
Đặt các tài liệu định nghĩa về hạnh phúc sang một bên, hạnh phúc đích thực có thể đạt được bằng hai cách.
1. Ở mức độ bình thường, có nhiều cách để chúng ta có thể rèn luyện tâm trí của mình và nhận ra hạnh phúc thực sự. Ví dụ, chúng ta có thể chọn những suy nghĩ, lời nói và hành động yêu thương. Chúng ta càng trau dồi tình yêu thương, từ bi, niềm vui và sự bình đẳng, chúng ta sẽ trở thành một nguồn hạnh phúc mãnh liệt cho người khác – và cho chính chúng ta nữa.
2. Ở cấp độ sâu sắc hơn, khi chúng ta liên lạc với bản chất thực sự của chúng ta – bản chất sâu thẳm nhất – hạnh phúc tự nhiên nảy sinh.
Chúng ta không phải làm bất cứ điều gì đặc biệt để tạo ra nó. Nó chỉ nảy lên khi chúng ta tuân theo tâm trí tự nhiên của chúng ta.
Những cảm xúc khác có thể phát sinh như buồn bã, tức giận, lo lắng hay sợ hãi, nhưng chúng không thể bám chặt nếu chúng ta đã quen với việc nghỉ ngơi trong không gian rõ ràng và cởi mở của “tâm trí nguyên thủy”.
Vậy, chúng ta tìm thấy hạnh phúc bền vững này ở đâu? Trong việc thực hiện bản chất tối thượng của chính chúng ta.
Mọi thứ đều ở trong chúng ta. Sự thật ở trong chúng ta. Hạnh phúc cũng ở trong chúng ta. Bình an và hạnh phúc không thể được tìm thấy trong bất cứ điều gì bên ngoài, nó chỉ có thể được tìm thấy bên trong. – Sogyal Rinpoche
Hai cách tiếp cận để nuôi dưỡng hạnh phúc đích thực được kết nối với nhau. Chủ động tham gia vào những suy nghĩ tích cực, lời nói, và hành động mang chúng ta đến gần hơn với bản chất thực sự của mình. Khi chúng ta liên lạc với bản chất thật, những phẩm chất tích cực này sẽ biểu hiện một cách mạnh mẽ hơn.
Nhưng hầu hết mọi người thậm chí không nhận thức được bản chất sâu thẳm đó. Hầu hết mọi người đều dành thời gian để những suy nghĩ và cảm xúc làm đạo diễn. Chúng ta nghĩ rằng suy nghĩ và cảm xúc là bản chất thực sự.
Nhưng suy nghĩ và cảm xúc cũng giống như những đám mây đi qua trong bầu trời mở, rõ ràng của tâm trí nguyên thủy. Đôi khi là những đám mây trắng to lớn, đôi khi là màn đen xám xịt của cơn bão.
Nhưng chúng không bao giờ vĩnh viễn, bởi vì chúng không phải là bản chất thật của chúng ta. Tất cả đau khổ đều đến từ việc chúng ta làm phức tạp thêm những đám mây trên trời và giữ chúng thật chặt.
Khi tâm trí vượt ra ngoài ý nghĩ của “cái tôi”, người trải nghiệm, người quan sát, người suy nghĩ…chúng ta sẽ bước vào trạng thái hạnh phúc không thể bị phá huỷ. – Jiddu Krishnamurti
Làm thế nào để có được cuộc sống hạnh phúc thực sự?
Ngày nay, nhiều người đang tự hỏi làm thế nào để có được hạnh phúc trong cuộc sống. Tuy nhiên, con đường dẫn đến hạnh phúc là một con đường đơn giản.
- Loại bỏ suy nghĩ, hành động và lời nói tiêu cực. Tất cả những gì gây ra đau khổ cho bản thân và người khác.
- Áp dụng suy nghĩ tích cực, hành động và lời nói. Tất cả những gì tạo ra hạnh phúc cho bản thân và người khác.
- Kết nối lại với bản chất thật của mình – nguồn của hạnh phúc, bình an bên trong, từ bi và trí tuệ – thông qua việc thực hành thiền.
Đây không phải về “tốt” hay “xấu” theo nghĩa đạo đức. Mà đó là nhận thức sâu sắc để xem những gì thực sự mang lại hạnh phúc bền vững, và những gì mang lại khổ đau.
Tuy nhiên, đơn giản không có nghĩa là dễ dàng. Con người có một thói quen là chống lại – có tâm trí hiếu động thái quá – hoặc tâm trí buồn tẻ cần thức dậy.
Bạn sẽ bắt gặp những lời nói kiểu như: “Hạnh phúc không đến từ danh vọng, tiền bạc…vật chất thì đưa hết tài sản cho tôi đi, để xem lúc đói có chén cháo nào để húp không, lúc nhức đầu có viên thuốc nào để uống!”
Những định kiến của xã hội như một lực mạnh mẽ kéo chúng ta vào guồng quay tìm kiếm và tích góp. Con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực không phụ thuộc vào các khoái lạc giác quan, cũng không phải là hành hạ bản thân. Mà nó chỉ đơn giản là trân quý những gì đang có, chia sẻ những điều tốt đẹp và phản ứng tích cực với những thay đổi trong cuộc sống.
Để nhận ra hạnh phúc đích thực đòi hỏi kỷ luật và nỗ lực. Nhưng được nuôi dưỡng bởi hạnh phúc, kỷ luật trở nên vui vẻ và nỗ lực trở nên rộng rãi và thoải mái. Nó trở thành một chu kỳ gieo mầm an lạc ngày càng phát triển, rõ ràng và thấu hiểu.
Bắt đầu ngay bây giờ bằng cách tham gia vào các hành động tích cực và loại bỏ những hành động tiêu cực. Ngày mà một người bắt đầu hiểu được giá trị những gì họ đang có, ngày hôm đó họ sẽ bắt đầu hiểu ý nghĩa thật sự của hạnh phúc.
Hoa Sen Phật – Theo: alwayswellwithin.com – howtobehappy.guru