Nhiều năm trước đây, gia đình tôi chuyển đến một thị trấn nhỏ ở New Zealand, nơi chúng tôi bị cuốn hút vào những điều thú vị của người dân nơi đây. Chúng tôi cảm thấy gắn bó sâu sắc với cộng đồng này khi tôi sinh một cậu bé xinh đẹp ở bệnh viện địa phương.
Khi con trai của chúng tôi được ba tháng tuổi, bác sĩ nghe thấy trái tim nó yếu dần. Hai mươi bốn giờ sau, con tôi qua đời.
Ngày đầu và những tuần tiếp theo, tôi lang thang trong “sương mù” của riêng mình, mặc dù tôi vẫn làm những công việc cần thiết trong cuộc sống: Mua thức ăn, đưa những đứa con thân yêu đến trường, may những bộ quần áo mới…
Lúc đó, những người bạn mới bắt đầu giữ khoảng cách với tôi. Đa số đều dè dặt khi nhìn thấy tôi: Băng qua đường phố, trong siêu thị…Họ thường quay mặt đi khi nhìn thấy tôi đến. Các buổi tiệc đều dừng lại. Điện thoại im lặng. Nỗi buồn của tôi bị đánh dấu bởi sự cô lập sâu sắc hơn tôi từng biết.
Một thời gian sau, nhiều người trong số họ đã gặp tôi và xin lỗi. Họ nói với tôi rằng, họ rất buồn và đau khổ về những gì đã xảy ra, nhưng họ không biết phải nói gì. Sự mất mát của tôi to lớn đến nổi họ không biết dùng từ nào để diễn tả nó, thật bi thảm!.
Họ không nói gì, vì họ sợ rằng sẽ nói điều gì đó làm tôi đau buồn hơn và dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực.
Trải nghiệm kinh khủng này lặp đi lặp lại trong cuộc sống chúng ta dưới nhiều hình thức khác nhau: Một người bị lừa dối bởi người mà họ yêu thương nhất, dự án tâm huyết mà một người đã dành cả đời để theo đuổi bị phá sản, hoặc ai đó mắc căn bệnh không thể chữa khỏi.
Bạn sẽ nói gì với họ? Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời, nhưng có một điều chắc chắn rằng: Im lặng còn đáng sợ hơn là không nói gì cả. Vậy chúng ta phải làm gì để giảm bớt nỗi đau của những người thân yêu đang trải qua nghịch cảnh?
Nội dung bài viết
Kiểm soát cảm xúc của chính bạn
Khi chúng ta biết một người thân yêu đang gặp phải cú sốc lớn, ban đầu chúng ta cũng cảm thấy giống họ. Nhịp tim của chúng ta tăng lên, suy nghĩ của chúng ta bấn loạn hoặc tê liệt, và chúng ta có thể bị buồn nôn hoặc chóng mặt.
Sự lo lắng mà chúng ta cảm thấy là có thật. Đó là bản năng của con người, tuy nhiên, mặc kệ nó hoặc tìm cách chống lại nó là một sai lầm.
Nếu chúng ta giải quyết nỗi lo lắng của mình trước, chúng ta sẽ ở trong một trạng thái tốt để đáp ứng với người bị ảnh hưởng trực tiếp. Hãy làm những điều mà bạn biết để xử lý căng thẳng: Đi bộ trong vườn, thiền, yoga, hoặc nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy có thể giúp đỡ.
Hãy chắc chắn một điều rằng, cơ thể và cảm xúc của bạn phải được điều chỉnh trước khi bạn gặp và nói chuyện với người đang đau khổ.
Hướng đến người đang đau buồn
Hãy nhớ rằng, sự cô lập mà họ cảm thấy gần như là chất xúc tác làm cho sự mất mát đó mạnh mẽ hơn. Nếu bạn lẫn tránh họ bởi vì bạn không biết phải nói gì, sự tránh né này chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn. Bạn đang lo lắng cho chính bạn.
Bạn bè của chúng ta và những người thân yêu khác cần sự thoải mái, hỗ trợ và sự quan tâm của chúng ta trong thời gian đau buồn.
Có thể bạn không biết điều gì đúng để nói hoặc một số điều gì không nên nói. Mọi người thường hay nói thế này: “Bạn đừng buồn nữa, mọi thứ xảy ra vì một lý do nào đó,” hoặc “Tôi biết bạn đang cảm thấy thế nào.”
Làm thế nào để bạn biết có một lý do, và lý do đó có thể xoa dịu nỗi đau của người đau khổ không? Làm sao bạn có thể biết họ đang cảm thấy thế nào?
Hãy thừa nhận rằng bạn không biết gì để nói
Đó là một khởi đầu tốt. Hãy thử một cái gì đó đơn giản để phá vỡ bức tường và bắt đầu một cuộc trò chuyện, hoặc ít nhất là gửi một thông báo cho người đang đau buồn biết rằng, họ không cô đơn.
“Tôi xin lỗi vì bạn đã trải qua điều này. Tôi ước tôi có thể nói điều gì đó hoàn hảo, nhưng tôi biết không có gì để sửa nó. Tôi chỉ muốn bạn biết rằng, tôi quan tâm và ở đây với bạn.”
Lắng nghe chia sẻ của họ
Nếu người đó sẵn sàng nói chuyện, hãy lắng nghe họ. Đó là điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm tại thời điểm đó.
Nghe câu chuyện của họ mà không làm gián đoạn, không cuốn vào hay đánh giá nó. Đừng biến cuộc trò chuyện trở lại với những câu nói đại loại như “Tôi biết bạn đang trải qua cái gì – con chó của tôi đã chết năm ngoái”.
Đừng nói với họ những gì họ nên làm, phải làm hoặc cảm thấy. Đơn giản chỉ cần thừa nhận nỗi đau của họ và lắng nghe những gì họ đang chia sẻ.
Tất cả chúng ta đều có những phương pháp khác nhau để quản lý cú sốc và đau khổ. Một số người tức giận, trong khi những người khác thì có vẻ tê cứng. Vẫn còn có những người khác chuyển sang hài hước. Tuy nhiên, công việc của bạn không phải là thay đổi họ, mà là cung cấp cho họ không gian theo cách mà họ cần phải có.
Đề nghị làm một cái gì đó cụ thể
Thực hiện một công việc bình thường rất hữu ích trong trường hợp này. Đề nghị đi mua sắm, chạy bộ, lái xe chở bọn trẻ đi đâu đó, hoặc nấu một bữa ăn. Hãy hỏi họ nếu họ muốn bạn đến có thể gọi vào ngày mai, hoặc nếu họ muốn tĩnh lặng một mình trong vài ngày.
Khi CEO của Survey Monkey, Dave Goldberg chết đột ngột, vợ ông, Sheryl Sandberg, đã viết như sau:
Khi tôi được hỏi, “Bạn thấy ổn không?” Tôi dừng lại và la lớn: “Chồng tôi vừa chết cách đây một tháng, bạn nghĩ là tôi có ổn không?” Khi tôi nghe “Hôm nay bạn cảm thấy thế nào?” Tôi nhận ra rằng, người đó biết điều tốt nhất tôi có thể làm ngay bây giờ là phải vượt qua nỗi đau đó mỗi ngày.
Hôm nay, khi tôi nhớ lại những kỷ niệm về đứa con trai bé bỏng của mình, tôi nghĩ về một người đã thực sự an ủi tôi lúc đó. Cô ấy đến nhà tôi với một chai rượu mạnh và nói: “Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất của mọi người. Tôi rất tiếc vì điều này đã xảy ra.”
Sau đó, chúng tôi cùng ngồi trên bãi cỏ, uống hết chai rượu và nói về từng chi tiết khủng khiếp.
Khi tôi nhìn lại, tôi vẫn cảm thấy cử chỉ của cô ấy giúp tôi vượt qua những ngày đầu đau đớn. Cô ấy không cố gắng để thay đổi tôi hoặc cố gắng làm cho tinh thần tôi tốt hơn với những gì đã xảy ra. Cô ấy thậm chí còn không cố gắng an ủi tôi. Sự an ủi mà cô ấy thể hiện là ở bên cạnh và lắng nghe câu chuyện đau buồn mà tôi chia sẻ. Khoảng khắc đó không dài nhưng cũng đủ làm nên điều đặc biệt.
Tôi nhận ra rằng, chúng ta không thể khắc phục những gì đã xảy ra, nhưng chúng ta có thể ngồi với ai đó, cạnh nhau, để họ không cảm thấy đơn độc. Lắng nghe với một trái tim chân thành và cởi mở, đó là một món quà kỳ diệu tạo nên sự khác biệt.
Hoa Sen Phật – Nguồn: upliftconnect.com