Tôi chỉ muốn được sống hạnh phúc, bạn có thường nói như vậy không? Tôi muốn bạn được hạnh phúc, bạn có thường nói với người khác câu nói này không? Bạn đã bao giờ dừng lại để xem xét chính xác hạnh phúc có nghĩa là gì? Hầu như ai trong chúng ta cũng đi tìm hạnh phúc nhưng chúng ta có thật sự hiểu rõ về nó!
Điều này khá quan trọng bởi vì thật khó để mong ước hạnh phúc của bạn thành hiện thực nếu bạn không hiểu chính xác hạnh phúc là gì. Có thể nơi tốt nhất để bắt đầu xác định hạnh phúc là bằng cách xác định những gì không phải là nó.
Nội dung bài viết
Trải nghiệm vui vẻ không phải là hạnh phúc
Nhiều người tin rằng hạnh phúc là vui vẻ trong một bữa tiệc, sự phấn khích của những trải nghiệm mới, sự hồi hộp và đam mê tình dục hay những khoái lạc khi thưởng thứ một bữa ăn ngon. Đây là tất cả những trải nghiệm tuyệt vời cần được vun đắp nhưng chúng không phải là hạnh phúc.
Những kinh nghiệm này là định nghĩa về niềm vui, khoái lạc tạm thời của giác quan. Chúng là những kinh nghiệm đến và đi. Một bữa ăn để thưởng thức, sau đó tiêu hóa. Một bữa tiệc vui bên gia đình, bạn bè sau đó tan rã. Niềm đam mê để tận hưởng và những dư vị ấm áp chút ít cố nán lại.
Hạnh phúc không phải là cảm thấy vui vẻ mọi lúc. Tôi tự hỏi liệu những người dùng ma túy thường xuyên có được gọi là “những người hạnh phúc” không? Hay một người tâm thần thường xuyên vui cười mỗi ngày có phải là “người hạnh phúc”? Nếu hạnh phúc được định nghĩa là thường xuyên cảm thấy vui vẻ thì trường hợp này có thể đúng.
Nhưng niềm vui chỉ là thoáng qua và cố lôi kéo chúng ta tiếp tục tìm kiếm nó và ngộ rằng đó là hạnh phúc. Nếu bạn có những trải nghiệm thú vị này thường xuyên, bộ não của bạn sẽ thích nghi và biến niềm vui thành thói quen. Một khi điều đó xảy ra, bạn phải mất nhiều thời gian và công sức hơn để thỏa mãn các khoái lạc của bạn. Theo đuổi niềm vui không phải là hạnh phúc.
Vậy, nếu hạnh phúc không giống với niềm vui thì hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc là được bên cạnh người mình yêu trên bãi biển xanh đầy nắng ấm. Đùa thôi, đấm chìm trong tình yêu trên một bãi biển đẹp rất lãng mạn và thú vị nhưng bạn thử nghĩ xem. Bạn sẽ rất hạnh phúc nếu được cùng người yêu vui đùa trên bãi biển trong 1 năm? Tôi không nghĩ vậy. Vậy, hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc là gì?
Theo tâm lý học thì hạnh phúc được định nghĩa là thường xuyên trải qua những cảm xúc tích cực như niềm vui, sự quan tâm, niềm tự hào và những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, lo lắng và tức giận không thường xuyên xuất hiện.
Hạnh phúc cũng được cho là liên quan đến sự hài lòng của cuộc sống, sự đánh giá cao về cuộc sống, những khoảnh khắc của niềm vui. Nhìn chung, một người hạnh phúc là người thường xuyên trải nghiệm các cảm xúc tích cực trong cuộc sống.
Chìa khóa cho những định nghĩa này là hạnh phúc không phải là sự vắng mặt của những cảm xúc tiêu cực. Một “người hạnh phúc” trải nghiệm quang phổ cảm xúc giống như bất kỳ ai khác, nhưng tần suất và mức độ ảnh hưởng của những cảm xúc tiêu cực có thể khác nhau.
Có thể là “những người hạnh phúc” không trải nghiệm nhiều cảm xúc tiêu cực vì họ xử lý nó theo cách khác, hoặc họ có thể tìm thấy điểm tích cực nào đó trong các sự kiện bất như ý theo cách mà người khác không thể.
Trên thực tế, việc sử dụng cụm từ “người hạnh phúc” có lẽ không chính xác bởi vì nó gây ra sự hiểu lầm là hạnh phúc tự nhiên đến với họ, hoặc những điều tích cực xảy ra với họ thường xuyên hơn.
Không ai miễn nhiễm với các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu bạn có xem những yếu tố gây căng thẳng đó là những khoảnh khắc đau khổ hay khoảnh khắc của cơ hội để biểu lộ hạnh phúc hay không.
Bất kể bạn đang ở đâu trên quang phổ hạnh phúc, mỗi người có cách định nghĩa hạnh phúc của riêng mình. Các triết gia, diễn viên, chính trị gia và tất cả mọi người đều chia sẻ về quan điểm hạnh phúc của riêng họ.
Người Hy Lạp cổ đại định nghĩa hạnh phúc là:
“Hạnh phúc là niềm vui mà chúng ta cảm nhận được khi phấn đấu đạt đến tiềm năng của chúng ta.”
Michael J. Fox nói:
Hạnh phúc của tôi tăng trưởng theo tỷ lệ thuận với sự chấp nhận và tỷ lệ nghịch với kỳ vọng của tôi.
Mastin Kipp, người sáng lập Daily Love, cho biết:
“Tôi không mong chờ lúc nào cũng hạnh phúc, tôi chỉ đơn giản là chấp nhận những gì đang có. Và sự chấp nhận đó là chìa khóa. Đây chính là tự yêu bản thân mình, chấp nhận và yêu chính bạn ngay tại nơi bạn đang đứng.”
Aristotle chia sẻ:
“Hạnh phúc là một trạng thái của hoạt động.”
Tiến sĩ Shefali Tsabary, nhà tâm lý học và tác giả, cho biết:
“Chỉ khi chúng ta đáp ứng nhu cầu của chính mình và cảm thấy hài lòng từ bên trong, chúng ta mới có thể thực sự hạnh phúc.”
Eleanor Roosevelt chia sẻ:
“Ai đó đã từng hỏi tôi 3 yếu tố nào là quan trọng nhất để có được hạnh phúc. Câu trả lời của tôi là: Một cảm giác rằng bạn đã thành thật với chính mình và những người xung quanh; một cảm giác rằng bạn đã làm tốt nhất có thể cả trong cuộc sống cá nhân và trong công việc của bạn; và khả năng yêu thương người khác. “
Hạnh phúc là chấp nhận và hài lòng
Điều tuyệt vời về tất cả các định nghĩa trên về hạnh phúc là sự tương đồng bắt đầu xuất hiện. Shirley MacLaine và Michael J. Fox bảo chúng ta nên chấp nhận các tình huống trong cuộc sống, và chấp nhận sự không chắc chắn là một phần tự nhiên của cuộc đời.
Khi chúng ta có thể thực hiện được điều đó, chúng ta càng đến gần hơn với hạnh phúc đích thực. Mastin Kipp nói rằng không nên cố gắng đi tìm hạnh phúc, mà hãy chấp nhận bất cứ điều gì chúng ta cảm thấy.
Ông gợi ý về một khái niệm quan trọng, đó là chúng ta thường cố gắng sửa chữa mọi thứ để trở nên “hạnh phúc” hoặc “bình an” hoặc “vượt qua một thử thách”, nhưng đôi khi chúng ta cần phải thừa nhận những gì chúng ta cảm thấy.
Điều bạn thường thấy là sự chấp nhận và hài lòng sẽ cho phép bạn đi vào “không gian hạnh phúc” nhanh hơn, bởi vì cảm xúc không cố gắng thu hút sự chú ý của bạn. Cảm xúc của bạn không hét lên với bạn, nói với bạn rằng bạn buồn hay tức giận. Bạn đang thực hiện công việc quản lý nó.
Cuối cùng, Aristotle chia sẻ một phần quan trọng của hạnh phúc, đó là hoạt động. Có bao nhiêu “người hạnh phúc” mà bạn biết ngồi ở nhà cả ngày, cả tuần không? Họ có thể hài lòng hoặc “ok” tạm thời, nhưng họ có thực sự đang trải nghiệm hạnh phúc thật sự không?
Hạnh phúc thường được tìm thấy khi làm những gì bạn đam mê và xây dựng các kết nối có ý nghĩa với bạn. Nhiều nghiên cứu đã hỗ trợ điều này với những phát hiện cho thấy tương tác xã hội mạnh mẽ có tương quan với một số kết quả tích cực.
Bây giờ bạn có thể đang ở trong một lối mòn và có những lúc bạn mất kết nối với cuộc sống, nhưng bạn luôn có cơ hội để xây dựng lại kết nối đó. Hãy ra đường và “tận hưởng” mọi khoảnh khắc trong cuộc sống, cho dù nó khó chịu hay dễ chịu.
Kết luận
Trải qua hàng thiên niên kỷ, nhiều người đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “hạnh phúc là gì?” và gần như tất cả đã trở lại với những câu trả lời quá đơn giản cho vấn đề cốt lõi.
Hãy để tôi hỏi bạn một câu. Bạn có đồng ý là bạn giống như tất cả mọi người, rất phức tạp để hiểu không? Tất nhiên rồi. Tất cả chúng ta đều vậy. Dường như không có một định nghĩa chung về hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Một số người hạnh phúc khi ở nhà trồng rau, nuôi gà và không màng danh lợi. Một số người hạnh phúc khi vượt qua những thử thách, vượt qua giới hạn của bản thân và trở thành người có ích cho xã hội.
Nhu cầu cá nhân của chúng ta là khác nhau, cách chúng ta được nuôi dưỡng và kinh nghiệm sống của chúng ta cũng khác nhau. Sự kết hợp phức tạp đó là những gì làm cho mỗi chúng ta trở nên độc đáo.
Mỗi chúng ta có thể phức tạp nhưng nên nhớ tất cả đều là con người, và điều đó cung cấp nền tảng để chúng ta có thể khám phá những nhu cầu thiết yếu của con người. Tất cả chúng ta đều sinh ra trông giống con người ở bên ngoài, chúng ta cũng chia sẻ những nhu cầu cơ bản ở bên trong. Sự khác nhau là cách mỗi người trong chúng ta xử lý với những nhu cầu đó như thế nào.
Hoa Sen Phật – Tham khảo: psychologytoday.com – happinessinternational.org