Niết bàn (tiếng Phạn: nirvāṇa) là cảnh giới tồn tại của các bậc giác ngộ, hoặc Niết bàn chỉ là trạng thái của tâm… Có thể bạn đã bắt gặp nhiều lần thuật ngữ này trong quá trình tu học Phật, vì đây là “đích dến cuối cùng” mà các tu sĩ Phật giáo hướng đến. Tuy là mục đích chính của việc tu tập nhưng ít người có thể hiểu rõ về Niết bàn, bởi vì đa số đều chưa thật sự trải nghiệm nó. Hãy cùng Hoa Sen Phật tìm hiểu xem Niết bàn thật sự là gì và tại sao nó lại quan trọng như thế nhé!
Nội dung bài viết
Quan niệm sai lầm về Niết bàn
Vấn đề Niết Bàn đã có nhiều tranh cãi. Biết bao nhiêu sách vở đã nói về vấn đề này. Một số người nghĩ rằng hạnh phúc của Niết Bàn liên quan đến một loại thân tâm đặc biệt. Nhiều người tin rằng Niết Bàn nằm ngay trong thân thể. Một số khác lại cho rằng khi thân tâm bị hủy diệt hoàn toàn, cái gì còn lại sau đó là những cốt tủy tinh túy của một hạnh phúc miên viễn.
Nhiều người đầy dẫy sự nghi ngờ khi bàn về Niết Bàn, và cho rằng nếu Niết Bàn là sự hủy diệt của danh sắc hay thân tâm, thì lấy cái gì để cảm nhận Niết Bàn? Thật khó mà hiểu được có một hạnh phúc đi ra ngoài sự hiểu biết của giác quan.
Nghĩa là cái hạnh phúc mà ta không thể thấy được, không thể nghe được, không thể ngửi được, không thể nếm được, không thể sờ được, không thể nghĩ bàn được. Ðây là chuyện bất khả tư nghì. Những người không có kinh nghiệm về những hạnh phúc trong việc hành thiền thì không thể nào hiểu được.
Thật vậy, chỉ những người nào tự thân thưởng thức được hương vị của Niết Bàn mới có thể nói đến Niết Bàn một cách xác tín. Tuy nhiên, cũng có những cách suy đoán, diễn dịch về vấn đề Niết Bàn một cách rõ ràng đối với những người đã đạt được nhiều kinh nghiệm sâu xa trong việc hành thiền và đang vững tiến trên con đường đi đến Niết Bàn.
Những người nghĩ rằng Niết Bàn là một loại thân và tâm đặc biệt, sự suy nghĩ này cũng không vững và vô căn cứ. Có bốn loại chân đế mà chúng ta có thể kinh nghiệm một cách trực tiếp, không qua khái niệm, suy nghĩ, lý luận. Bốn loại chân đế này là: Sắc pháp, tâm vương, tâm sở và Niết Bàn. Như vậy, Niết Bàn không phải là danh, không phải là sắc, không phải vừa danh vừa sắc.
Ý niệm sai lầm thứ hai cho rằng Niết Bàn là phần còn lại sau khi thân tâm bị hủy diệt. Ðiều này cũng không đúng. Niết Bàn là chân đế, và được xếp loại là hiện tượng bên ngoài danh sắc chớ không phải là hiện tượng bên trong danh sắc. Như vậy, không có gì tồn tại trong cơ thể sau khi thân và tâm đã bị hủy diệt.
Niết Bàn cũng không thể kinh nghiệm qua các giác quan. Không thể dùng mắt để thấy, dùng tai để nghe, dùng mũi để ngửi, dùng thân để xúc chạm. Niết Bàn không phải là đối tượng của giác quan. Thế nên, không thể ghép vào một trong những lạc thú do giác quan đem lại dầu cho những lạc thú này có đặc biệt đến đâu chăng nữa. Niết Bàn là một hạnh phúc không liên quan gì đến ngũ căn, ngũ trần.
Ngay từ thời Ðức Phật đã có nhiều bàn cãi về bản chất của Niết Bàn. Một lần nọ một vị trưởng lão bàn cãi về hạnh phúc của Niết Bàn với một số các tỳ kheo khác trong chùa. Một thầy tỳ kheo đứng dậy thưa: “Bạch hòa thượng, nếu Niết Bàn không thể dùng ngũ quan để nhận biết thì có gì là hạnh phúc?”
Vị trưởng lão trả lời: “Chính vì không có cảm giác trong Niết Bàn cho nên nó mới là hạnh phúc thật sự.” Câu trả lời này chẳng khác nào một câu đố. Tôi không biết có ai trong các bạn trả lời được câu đố này không. Nếu bạn không tìm được câu trả lời, tôi sẽ lấy làm hoan hỉ trả lời cho bạn điều này.
Niết bàn không phải là hạnh phúc trần gian
Trước tiên, chúng ta hãy nói về dục lạc ngũ trần. Dục lạc ngũ trần thật là phù du và hư ảo, chợt đến rồi chợt đi. Phải chăng đó là hạnh phúc thật sự khi cứ mải săn đuổi một cái gì mong manh, chóng tàn, thay đổi luôn luôn.
Hãy nhìn xem biết bao nhiêu phiền toái khó khăn mà bạn gặp phải khi bạn cứ mãi đi tìm những cảm giác mới mẻ, lạ lùng mà bạn nghĩ rằng sẽ đem lại hạnh phúc cho bạn. Nhiều người quá ham muốn hưởng lạc thú nên đã có những hành vi phạm pháp, gây ra những tội ác tày trời khiến người khác phải đau khổ.
Họ chỉ nghĩ đến lạc thú tạm bợ của giác quan mà quên đi sự đau khổ của người khác. Họ không hiểu được những hậu quả tai hại, những kết quả thảm khốc họ phải gặt hái sau này do những tội ác họ đã gây ra. Một số khác, khôn ngoan hơn, biết so sánh giữa những lạc thú phù du thoáng qua trong chốc lát với những hậu quả tai hại phải gặt hái sau này nên không chạy theo những cái tạm bợ hư ảo như thế.
Một người tinh tấn hành thiền sẽ thực sự nếm được hương vị của một thứ hạnh phúc ngọt ngào hơn hẳn mọi lạc thú do ngũ dục đem lại. Như chúng ta đã biết, mỗi tầng Thiền Minh Sát đều có sự an lạc hạnh phúc riêng. Tầng Thiền Minh Sát thứ nhất đem lại hạnh phúc của sự ẩn cư.
Tầng thiền thứ hai đem lại hạnh phúc của sự định tâm. ở tầng thiền này, thiền sinh có nhiều hỉ. Tầng thiền thứ ba đem lại một sự vừa lòng, vi tế, nhẹ nhàng, tâm không còn dính mắc nhiều vào hỉ mà có lạc, đạt được sự an lạc, nhẹ nhàng, êm dịu hơn.
Tầng thiền thứ tư là tầng thiền thâm sâu nhất. Ðó là hạnh phúc xả thọ. Bản chất của tầng thiền này là sự bình an tĩnh lặng. Tất cả bốn loại hạnh phúc này được gọi là hạnh phúc khước từ. Hạnh phúc trong sự xa rời các pháp bất thiện và phiền não.
Tuy nhiên, hạnh phúc bình an tĩnh lặng của Niết Bàn còn cao hơn hai loại hạnh phúc khước từ và hạnh phúc do ngũ dục đem lại. Bản chất của Niết Bàn hoàn toàn khác hẳn với hai loại hạnh phúc trên. Hạnh phúc của Niết Bàn chỉ thật sự đến khi thân tâm dừng nghỉ hoạt động. Ðó là hạnh phúc của sự diệt tắt đau khổ.
Ðây cũng là một hạnh phúc độc lập không liên quan gì đến các đối tượng của giác quan. Thật vậy, Niết Bàn chỉ đến khi không còn sự tiếp xúc với mọi đối tượng của giác quan.
Nhiều người nghĩ rằng hạnh phúc là sự hưởng thụ những cái gì về vật chất chẳng hạn như: vào những dịp nghỉ, tổ chức một bữa ăn ngoài trời, hoặc đi tắm hồ, hay đi dự tiệc, dự những buổi khiêu vũ, những buổi hoà nhạc. Họ làm sao hiểu được những hạnh phúc phi vật chất, những hạnh phúc vượt lên trên các loại hạnh phúc tầm thường cảm nhận từ giác quan.
Ðối với họ, sự đẹp đẽ chỉ có ý nghĩa thật sự khi có mắt, có vật đẹp để ngắm. Họ cũng có thể nghĩ rằng nếu có mùi thơm mà không có mũi, không có thức nhận biết mùi, làm sao có thể hưởng được hương vị đó? Họ có thể băn khoăn, thắc mắc tại sao có người bày đặt ra cảnh Niết Bàn kỳ dị đến thế!
Họ có thể lý luận rằng Niết Bàn là một cái chết thật kỳ bí, một điều thật kinh khủng. Con người rất sợ viễn ảnh về sự trống rỗng hư vô. Một số khác nghi ngờ sự hiện hữu của Niết Bàn. Họ cho rằng Niết Bàn chỉ là giấc mơ của chàng thi sĩ, hoặc Niết Bàn chẳng là gì cả thì làm sao có thể tốt đẹp hơn những hạnh phúc của trần gian.
Đặc tính của Niết bàn
Ðức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường đến nơi hạnh phúc tối thượng. Hạnh phúc tối thượng này là Niết Bàn. Tất cả Chư Phật đã và sẽ xuất hiện trên thế gian này đều nhằm mục đích chỉ cho chúng ta thấy rõ con đường đến Niết Bàn.
Một trong những danh hiệu của Ðức Phật là Chánh Biến Tri (Samma sambuddha) Samma có nghĩa là hoàn hảo, đúng đắn, và Ðức Phật là kẻ độc nhất hiểu được bản chất thật sự của mọi vật, nghĩa là hiểu rõ thực tướng của tất cả mọi vật. Chân lý luôn luôn đúng.
Con người không hiểu chân lý hay hiểu sai về chân lý, nhưng Ðức Phật không bao giờ sai lầm. Tiếp vĩ ngữ sam- có nghĩa là cá nhân, tự thân hay bởi chính mình, và buddha có nghĩa là giác ngộ.
Ðức Phật giác ngộ bằng sự cố gắng của chính mình. Ngài không nhận lãnh sự giác ngộ từ một đấng quyền uy nào, và cũng không lệ thuộc vào bất kỳ một ai. Bởi thế, Niết Bàn mà chúng ta nói đến là Niết Bàn đã được Ðấng Chánh Biến Tri, Ðấng Ðại Giác công bố.
Thoát khỏi phiền não và đau khổ
Một đặc tính khác của Niết Bàn là thoát khỏi lo âu phiền muộn. Phần lớn con người thường lo âu phiền muộn. Hãy tưởng tượng xem nếu không có phiền muộn lo âu thì tuyệt diệu biết mấy. Niết Bàn còn được gọi là viraga.
Viraga có nghĩa là thoát khỏi bụi bặm và ô nhiễm. Như chúng ta biết, bụi bặm khiến mọi vật dơ bẩn và làm hại sức khỏe của chúng ta. Mối nguy hại lớn lao hơn nữa, đó chính là sự ô nhiễm của phiền não. Tâm ta luôn luôn bị đủ các loại phiền não quấy nhiễu.
Tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, ngã mạn, tật đố, bỏn xẻn… Bị tràn ngập bởi những bụi bặm ô nhiễm như vậy thì tâm ta làm sao trong sạch thanh tịnh? Chỉ có Niết Bàn mới thật sự thoát khỏi mọi phiền não ô nhiễm.
An toàn và hạnh phúc tuyệt đối
Một đặc tính khác của Niết Bàn là khema hay an toàn, an ninh. Chúng ta phải luôn luôn đối đầu với muôn ngàn nguy hiểm. Tai nạn thảm khốc, kẻ thù chực chờ cơ hội làm hại, thuốc độc nguy hiểm, v.v…
Trong thời đại khoa học siêu tối tân hiện nay, chúng ta luôn luôn sống trong nỗi lo âu sợ hãi về những mối hiểm nguy do các phát minh mới, những vũ khí hiện đại, tối tân đem lại. Nếu chẳng may chiến tranh xảy ra và vũ khí nguyên tử được đem ra xử dụng thì chúng ta sẽ chẳng có cơ hội sống còn.
Không nơi nào chúng ta có thể trốn khỏi mọi hiểm nguy và bất an. Chỉ có Niết Bàn là nơi hoàn toàn thoát khỏi mọi mối hiểm nguy, nơi an toàn duy nhất.
Theo kinh điển, hạnh phúc của Niết Bàn là một loại hạnh phúc không pha lẫn phiền não. Trong hạnh phúc của ngũ dục luôn luôn chất chứa tham ái. Giống như khi nấu một món ăn, bạn phải nêm thêm gia vị, không có gia vị thì món ăn sẽ nhạt nhẽo vô duyên.
Cũng vậy, hạnh phúc ngũ dục nếu không có tham ái, ước muốn, mong mỏi thì chẳng có ý nghĩa gì. Dầu có thức ăn ngon, có áo quần đẹp và có mọi khoái lạc trần gian khác, nhưng ta không muốn ăn, không muốn mặc, không muốn thưởng thức, thì những cái đó cũng trở thành vô dụng mà thôi.
Tóm lại, chỉ có Niết Bàn là nơi hạnh phúc tuyệt diệu. Vì không còn trộn lẫn với các loại tạp nham khác nên Niết Bàn được gọi là parisuddhi sukha, có nghĩa là hạnh phúc trong sạch, tinh khiết.
Muốn có được hạnh phúc trong sạch tinh khiết này, chúng ta phải tu trì giới, định, huệ. Liên tục cố gắng giữ thân, khẩu, ý trong sạch, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc Niết Bàn. Mong rằng các bạn sẽ luôn luôn nỗ lực tinh tấn hành thiền để đạt đến Niết Bàn, một hạnh phúc thanh khiết, trong sáng, an toàn, thoát khỏi mọi lo âu phiền muộn.
Niết Bàn là nơi An Trú bền vững
Ðức Phật đoan chắc với vị trời mới rằng chánh đạo sẽ dẫn đến một nơi an trú. Chữ “nơi an trú” ở đây được giải thích rất dài trong chú giải, có nghĩa là Niết Bàn, nơi không còn một chút nguy hiểm, sợ hãi, già và chết được chế ngự, gánh nặng đau khổ được bỏ xuống. Một người đạt được Niết Bàn sẽ được bảo vệ hoàn toàn. Bởi thế được gọi là “người vô úy”, người thoát khỏi mọi sự sợ hãi, mọi hiểm nguy.
Muốn đến được nơi An Trú Niết Bàn này phải đi trên phần siêu thế của Bát Chánh Ðạo. Siêu thế ở đây có nghĩa là vượt ra ngoài thế giới này. Bạn không thể đạt đến Niết Bàn mà không đi trên đường này. Niết Bàn là nơi an trú cao tột.
Chúng ta đã tìm hiểu giới, định, huệ. Khi giới được trong sạch, chúng ta không bị hối hận dày vò, không bị các bậc thiện trí chê trách, không bị luật pháp trừng phạt và không bị tái sanh vào các cảnh khổ. Khi định được hoàn thành, ta không còn bị các phiền não tư tưởng chi phối.
Phiền não tư tưởng là phiền não nằm trong tâm và đàn áp tâm ta. Phiền não này nếu có dịp sẽ chuyển sang hành động và lời nói bất thiện. Trí tuệ nội quán khởi sinh do Chánh Niệm và Chánh Ðịnh có năng lực chế ngự các phiền não vi tế ngủ ngầm. Bởi thế, dầu chưa đạt được sự an toàn vĩnh viễn của Niết Bàn, người hành thiền cũng được bảo vệ, tránh khỏi mọi điều sợ hãi khi đi trên Bát Chánh Ðạo. Con đường này, chính nó là nơi trú ẩn an toàn.
Hoa Sen Phật – Trích: Ngay Trong Kiếp Sống Này
Tác giả: Sadadaw U Pandita
Dịch giả: Khánh Hỷ