Tâm (tiếng Phạn: citta) là một thuật ngữ rất quan trọng trong Phật giáo, là đối tượng tu tập để hướng đến sự giác ngộ giải thoát. Tâm biết được chia làm hai loại: Tâm biết trực tiếp và Tâm biết gián tiếp.
Nội dung bài viết
Tâm biết trực tiếp giác quan
Tâm biết trực tiếp giác quan mà trong các bộ A hàm do Trung Quốc dịch là Trực giác, còn Tâm lý học thì gọi là Nhận thức cảm tính đối tượng, trong Phật giáo xếp nó vào một nhóm gọi là Nhóm Tưởng hay Tưởng uẩn.
Đó là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Tưởng thức phát sinh do Sáu Căn và Sáu Trần tương tác với nhau, nên nó Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã).
Các tâm biết trực tiếp này Thánh-Phàm đều như nhau, các loài động vật đều giống nhau, không phụ thuộc vào tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm của mỗi loài, mỗi người, trong nó không có khái niệm, không có ngôn từ, không có phân biệt (Vô niệm, Vô ngôn, Vô phân biệt).
Mỗi một tâm biết trực tiếp chỉ ghi nhận hay nhận biết một đối tượng duy nhất và đối tượng là Cảm thọ như thế nào thì nó ghi nhận như thế đó, không thêm bớt bởi tri thức, khái niệm nên là Biết Như Thật đối tượng ở mức độ cảm tính.
Nhiều tôn giáo hiểu lầm tâm biết trực giác này là Linh hồn, là Tánh thấy, tánh biết không sinh không diệt nơi mỗi người.
Tâm biết gián tiếp ý thức
Tâm biết gián tiếp Ý thức mà Tâm lý học gọi là Nhận thức lý tính đối tượng, trong Phật giáo xếp nó vào nhóm Thức hay Thức uẩn, có phận sự hiểu biết, xác nhận các đối tượng mà Tâm biết trực tiếp thấy, nghe, cảm nhận đó là cái gì, tính chất ra sao.
Tâm biết Ý thức phát sinh theo một lộ trình: Xúc – [Thọ – Tưởng ] – Niệm – Tư Duy – [Tư tưởng – Ý thức ] (Trong kinh Nikaya nói tóm tắt Thức phát sinh do Xúc Thọ Tưởng Tư).
Xúc
Trong đó Xúc là Căn Trần tiếp xúc phát sinh đồng thời [Thọ – Tưởng ] tức là Cảm giác và tâm biết trực tiếp Tưởng. Lượng thông tin [Thọ – Tưởng ] này được truyền dẩn vào “kho chứa thông tin” (bộ nhớ) trong tế bào thần kinh não bộ, mà trong đó lưu giữ các thông tin về các tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm đã được mã hoá mà cá nhân đó đã học hỏi, tích lũy trong quá khứ.
Niệm
Sự tương tác giữa Thông tin [Thọ – Tưởng] được dẫn vào với Thông tin trong kho chứa làm phát sinh Niệm (Trí nhớ) và Trí nhớ là hành vi tìm kiếm lượng thông tin “tương hợp” với thông tin [Thọ – Tưởng ] được dẫn vào. Tiếp đến có sự tương tác giữa lượng thông tin [Thọ – Tưởng ] dẫn vào với lượng thông tin do Niệm tìm kiếm làm phát sinh hành vi Tư Duy.
Tư Duy
Tư duy là hành vi phân tích so sánh, tổng hợp, phán đoán giữa hai lượng thông tin trên và hành vi Tư Duy như vậy sẽ làm phát sinh kết luận. Kết luận đó chính là TƯ TƯỞNG (tư duy với thông tin của Tưởng) và hành vi tư duy phát sinh không những tư tưởng mà cũng đồng thời phát sinh tâm biết Ý thức, biết tư tưởng vừa phát sinh.
Vậy tâm biết Ý thức phát sinh do Niệm (Trí nhớ) và Tư Duy (Suy nghĩ), thực chất là do tương tác giữa các lượng thông tin trong kho chứa thông tin, trong bộ nhớ nên gọi là tâm biết gián tiếp.
Ví như khi mắt tiếp xúc với một trái xoài phát sinh Cảm giác hình ảnh và Nhãn thức, Nhãn thức thấy đối tượng nhưng Nhãn thức không biết đối tượng đó là cái gì, hình dung như một đứa trẻ mới sinh ra, nó chỉ thấy thôi mà không biết đó là cái gì.
Tiếp đến Niệm (Trí nhớ) khởi lên, tìm kiếm trong bộ nhớ những hình ảnh tương hợp với hình ảnh được thấy và nếu trước đây đã thấy và biết về quả xoài thì Trí nhớ sẽ tìm kiếm được thông tin đó (mà trong quá khứ đã lưu vào bộ nhớ).
Tiếp đến Tư duy khởi lên sẽ phân tích, so sánh, đối chiếu hai lượng thông tin đó và phát sinh kết luận, đó là quả xoài và đồng thời Ý thức khởi lên, biết đó là quả xoài.
Nội dung mà tâm biết Ý THỨC biết là TƯ TƯỞNG, là THÔNG TIN nên trong nó có khái niệm, có ngôn từ, có phân biệt. Vì thế mỗi loài, mỗi cá thể sẽ có tâm biết Ý thức khác nhau, Thánh-Phàm đều khác nhau. Tâm biết Ý thức phát sinh do Niệm, do Tư duy sử dụng lượng thông tin trong kho chứa nhưng đó là những thông tin do tâm biết trực tiếp lưu vào, là thông tin về CẢM THỌ chứ không phải thông tin về THẾ GIỚI VẬT CHẤT.
Khi tư duy sẽ phải hình thành các khái niệm và đặt tên các khái niệm để phân biệt đối tượng nọ với đối tượng kia và có như vậy thì hành vi tư duy mới xẩy ra được.
Sự hình thành và đặt tên khái niệm xẩy ra đối với các thông tin về Cảm thọ chứ không phải thông tin về Thế giới vật chất nên những khái niệm như to nhỏ, vuông tròn, dài ngắn, mặn ngọt chua cay, cứng mền thô mịn, nóng lạnh, đàn ông, đàn bà, nhà cửa, xe cộ, mặt trăng mặt trời, không gian thời gian…đều là các khái niệm của tâm thức về Cảm thọ, thuộc phàm trù tâm chứ không phải các khái niệm thuộc về thế giới vật chất.
Sự ngộ nhận của nhân loại về thực tại
Nhân loại từ vô thủy đã không biết sự thật TÂM BIẾT TÂM (thực tại thuộc phạm trù tâm) mà biết sai sự thật là TÂM BIẾT CẢNH (thực tại là cảnh) nên đã áp đặt những khái niệm thuộc về tâm thức cho thế giới vật chất.
Khái niệm Không gian và Thời gian hình thành trong qua trình tư duy gồm phân tích, so sánh, tổng hợp, phán đoán, kết luận, trừu tượng và khái quát hoá các Cảm giác hình ảnh khác nhau.
- Khái niệm không gian hình thành khi so sánh Cảm giác hình ảnh khoảng không với các Cảm giác hình ảnh khác như cây cối, nhà cửa và phát sinh tư tưởng không gian bao trùm mọi vật thể và khái niệm Không gian như vậy vốn là khái niệm tâm thức, khái niệm về Cảm thọ, hình thành do tư duy với chất liệu thông tin về Cảm thọ lại được gán cho, áp đặt cho là một thuộc tính cơ bản của thế giới vật chất.
- Khái niệm thời gian cũng hình thành khi tư duy so sánh các Cảm giác hình ảnh chuyển động và Cảm giác hình ảnh đứng yên cũng là khái niệm tâm thức, khái niệm về Cảm thọ nhưng cũng bị nhân loại gắn cho là một thuộc tính cơ bản của thế giới vật chất.
Chính vì vậy mà trong Vật lý cổ điển quan niệm không gian và thời gian là thuộc tính của vật chất mang tính tuyệt đối nhưng Albert Einstein đã phát hiện ra các hiện tượng mà theo đó kết luận không gian, thời gian mang tính tương đối chứ không tuyệt đối như cơ học cổ điển, nghĩa là không gian thời gian mang tính “co giản”.
Mặc dù vậy, Albert Einstein vẫn quan niệm không gian thời gian là thuộc tính của vật chất và chính Thuyết tương đối của ông là nền tảng cho giả thiết vũ trụ xuất hiện nhờ vụ nổ Big Bang, theo đó nguồn gốc vũ trụ là một lỗ đen “bí ẩn”.
Mọi mô hình về thế giới vật chất hay là các thế giới quan đã xuất hiện trong lịch sử nhân loại, từ quan niệm trời tròn đất vuông, Cửu sơn bát hải, Dục giới, sắc giới, vô sắc giới, tam thiên đại thiên, đến thế giới quan cơ giới, mô hình vũ trụ xuất hiện theo thuyết Big Bang…đều là sản phẩm của tâm thức, nội dung là thông tin về cảm thọ, phát sinh nơi kho chứa thông tin.
Đó thuần túy là thế giới quan do Niệm và Tư duy mà phát sinh, một thế giới tưởng tượng ra dựa trên các thông tin về Cảm thọ chứ không phải dựa trên các thông tin về thế giới vật chất nên không phải là thế giới vật chất đúng như thật.
Con người đang sống với Cảm thọ, nghĩa là thấy, nghe, cảm nhận đối tượng, rồi hiểu biết về đối tượng, tiếp đến do hiểu biết đối tượng mà phát sinh thái độ thích ghét đối tượng, rồi muốn nắm giữ hay xua đuổi đối tượng, rồi tiếp đến có lời nói, hành động đối xử với đối tượng và cuối cùng là khổ hay vui với đối tượng.
Tuy con người sống với các đối tượng đó là Cảm Thọ nhưng không biết đúng sự thật này mà hiểu lầm các đối tượng đó là thế giới vật chất.
Cũng y như vậy, sự khủng hoảng của Vật lý học hiện đại là do tâm biết Ý thức của nhân loại hiểu biết sai sự thật, hiểu biết sai thực tại. Vốn các đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận của thực tại là Cảm thọ thuộc phạm trù tâm Ý thức thì lại hiểu lầm là thế giới vật chất.
Sự hiểu lầm này giống như truyện ngụ ngôn, con chồn thấy cái mào đỏ chói của con gà trống vốn là một cục thịt có màu đỏ chói nhưng lại hiểu lầm nó là cục lửa nên hoảng hốt bỏ chạy mỗi khi gặp gà trống.
Nguồn: Đại Đức Nguyên Tuệ