Trong nhiều giáo lý của Phật giáo, Đức Phật được mô tả như một thực thể có khả năng và trí tuệ vượt xa người thường. Tuy nhiên, Kinh Pháp Hoa hoàn toàn đảo lộn quan niệm này, làm rõ rằng những người bình thường vốn đã sở hữu những phẩm chất tương tự như Đức Phật, đều bình đẳng về khả năng để biểu lộ phẩm chất sâu sắc và tích cực nhất của cuộc sống.
Trong chương 2 của Kinh Pháp Hoa có nói đến học thuyết “Thập Như Thị” hay “Mười yếu tố của cuộc sống”. Đó là:
- Như thị tướng (nyoze so)
- Như thị tính (nyoze sho)
- Như thị thể (nyoze tai)
- Như thị lực (nyoze riki)
- Như thị tác (nyoze sa)
- Như thị nhân (nyoze in)
- Như thị duyên (nyoze en)
- Như thị quả (nyoze ka)
- Như thị báo (nyoze ho)
- Như thị bổn mạt cứu cánh đẳng (nyoze hon-makku-kyoto)
Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về học thuyết này trong một bài viết khác. Nội dung của bài viết này, Hoa Sen Phật muốn gửi đến các bạn ý nghĩa của từ “như thị”.
- Từ “như” (nyo) có nghĩa là “chân như”, “thực tính”.
- Từ “như thị” (nyoze) có nghĩa là “như vậy”, “như thế” hay “không sai lệch”, “nhất quán”.
Vậy từ “như thị” có nghĩa là các pháp đều “đúng như vậy” từ nguyên thủy cho đến nay. Trời, đất, gió, lửa, tai nạn hay bệnh tật…đều “đúng như” như các vị Phật thấy. Người thường đã đưa nhận thức chủ quan vào khiến sự vật, hiện tượng trở nên “khác biệt”, “sai lệch”.
Trên phương diện thế gian, từ “như thị” có nhiều ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, về lịch sử của Đức Phật. Sau khi Ngài thành đạo, một hôm vua cha mời Ngài trở về cung điện.
Đức Phật đã nhận lời vào cung điện thăm vua cha. Sáng hôm đó trước khi Đức Phật vào hoàng cung thì Ngài đi khất thực. Đức vua, cha của Đức Phật nhìn thấy Ngài đi khất thực thì rất ngạc nhiên mới hỏi Ngài:
– “Tất cả những người này đều là thần dân của con, tại sao con đi xin thức ăn từ tay họ?”
– Đức Phật trả lời: “Con làm ‘như’ đã làm trong quá khứ”.
– Đức vua nói: “Từ xưa đến giờ tổ tiên của ta đã có từng làm ‘như’ vậy đâu?”
– Đức phật trả lời: “Con không phải làm giống ‘như’ tổ tiên của chúng ta làm, mà con đang làm giống ‘như’ tất cả chư Phật trong quá khứ đã làm.”
Chỉ là một chữ “như” thôi mà giữa đức vua và đức Phật có cách hiểu khác nhau. Cho nên, trước chùa đề bảng “Như thị Thất” nhưng mỗi người sẽ hiểu từ “như thị” khác nhau. Nói chung, từ “như thị” trong tiếng Phạn có nghĩa là bản chất của thực hữu, thực trạng hay chân lý.
Câu hỏi đặt ra là tại sao cần phải nhận ra “chân lý”? Câu hỏi thứ nhì là khi hiểu được “chân lý” thì cuộc đời mình sẽ đạt được khác biệt gì? Đây là điểm quan trọng cần phải lưu tâm.
Chúng ta trải qua cuộc đời từ sáng cho đến tối, từ lúc chưa đi ngủ tới lúc ngủ cho đến khi chưa thức dậy. Chúng ta đều muốn trải qua một cuộc đời hoàn toàn không có đau khổ. Nhưng vì chúng ta không hiểu được chân lý cho nên chúng ta lại tạo ra nhiều đau khổ hơn trong cuộc sống.
Do bởi thiếu trí tuệ cho nên chúng ta phá hủy cuộc đời của chúng ta. Do đó, từ “như thị” có nghĩa là chân lý và khi nói đến chân lý trong Phật pháp có bốn chân lý đó là Tứ Thánh Đế.
Hoa Sen Phật – Tham khảo: Như Thị Thất