Chùa Một Cột tọa lạc giữa lòng thủ đô Hà Nội và là biểu tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam. Ngôi chùa trong tiếng Hán-Việt được gọi là Nhất Trụ Tháp. Ngoài ra chùa Một Cột còn có nhiều tên gọi khác như Liên Hoa Đài, Diên Hựu Tự hay Chùa Mật.
Trong bài viết này, Hoa Sen Phật sẽ gửi đến quý độc giả những thông tin hữu ích về chùa Một Cột như lịch sử hình thành, phong cách kiến trúc, biểu tượng và nhiều hình ảnh đẹp của ngôi chùa được xem là biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Nội dung bài viết
Chùa Một Cột nằm ở đâu?
Khi xưa, chùa Một Cột có tên là chùa Diên Hựu được vua Lý Thái Tông xây dựng ở thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thăng Long.
Ngày nay, chùa Một Cột nằm ở trong công viên phía sau phố Ông Ích Khiêm, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là biểu tượng của thủ đô và là một trong những di tích văn hóa lâu đời của Việt Nam. Vào mùa hè, chùa Một Cột mở cửa chào đón du khách các ngày trong tuần, vào mùa đông thì chùa đóng cửa vào thứ 2 và thứ 6.
Ngoài ra, trong miền Nam cũng có một phiên bản chùa Một Cột như ngoài Hà Nội. Đó là chùa Nam Thiên Nhất Trụ tọa lạc tại 100 Đặng Văn Bi, Bình Thọ, Thủ Đức, Hồ Chí Minh.
Lịch sử chùa Một Cột
Theo Wikipedia, vào tháng 10 âm lịch năm 1049, vua Lý Thái Tông đã cho khởi công xây dựng chùa Một Cột nhằm phục vụ đời sống tinh thần của người dân Việt Nam thời bấy giờ.
Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên tòa.
Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bày tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, làm tòa sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ phước lành, vì thế chùa mang tên Diên Hựu, có nghĩa là “phước lành dài lâu”.
Hằng năm cứ đến ngày 8 tháng 4 âm lịch, vua lại tới chùa làm lễ tắm Phật. Các nhà sư và nhân dân khắp Kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của ngày hội lớn.
Tuy nhiên, theo nhóm các nhà sử học (Đinh Xuân Lâm, Doãn Đoan Trinh, Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân, Nguyễn Thanh Mai, Đàm Tái Hưng) ghi lại trong cuốn “Hà Nội – Di tích lịch sử và danh thắng” sau khi nghiên cứu văn bia dựng tại chùa vào năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) thì thấy rằng chùa Một Cột đã có từ trước.
Đó là cột đá có lầu ngọc (bên trong có tượng Bồ tát Quan Âm) dựng giữa hồ nước vuông. Nơi mà nhà vua Lý Thái Tông thường lui tới cầu nguyện. Sau này khi hoàng tử Lý Nhân Tông nối dõi vua cha đã cho tu sửa nơi này thành chùa và thêm nhiều công trình khác xung quanh. Quần thể này được đặt tên là Diên Hựu Tự, có nghĩa là “phước bền dài lâu” hay “phúc lành dài lâu”.
Chùa Một Cột được trùng tu vào khoảng những năm 1840-1850 và vào năm 1922. Vào năm 1954, quân đội Viễn chinh Pháp đã cho đặt mìn nhằm phá chùa Một Cột trước khi rút khỏi Hà Nội. Báo Tia Sáng ngày 10 tháng 9 năm 1954 đưa tin “…, chùa Một Cột di tích liệt hạng của Hà Thành đã sụp đổ sau một tiếng nổ long trời lở đất…”
Sau khi tiếp quản thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành trùng tu lớn chùa Một Cột (chùa Diên Hựu) theo kiến trúc cũ. Chùa Một cột chúng ta thấy hiện nay được sửa chữa lại năm 1955 do Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm, và nó chỉ là một phần của quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu ngày xưa.
Kiến trúc độc đáo của chùa Một Cột
Theo tài liệu lịch sử, lối kiến trúc “một cột” có từ trước đời nhà Lý. Đó là ngôi chùa Nhất Trụ ở Hoa Lư, Ninh Bình, nơi mà con gái vua Đinh Tiên Hoàng tu hành. Ngôi chùa này có một cây cột đá cao, tám cạnh, khắc bài kinh Lăng Nghiêm và đề niên hiệu thời Lê Hoàn (981–1005). Như vậy, trước khi xây chùa Một Cột, lối kiến trúc độc đáo này đã là một thực tế nghệ thuật cổ truyền.
Trở lại với kiến trúc của chùa Một Cột. Chùa có kết cấu bằng gỗ, trong chùa đặt tượng Phật bà Quan Âm để thờ. Năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho mở rộng kiến trúc khu chùa và thêm hồ Linh Chiểu. Về sau, quy mô chùa Một Cột chỉ còn lại ngôi chùa nhỏ trên cột đá như hình ảnh mà chúng ta thấy ngày nay.
Thực dân Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho nổ mìn phá chùa. Tuy nhiên, chùa đã được trùng tu cơ bản như trước. Kiến trúc chùa Một Cột hiện nay gồm có:
- Đài Liên Hoa hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3m, mái cong, dựng trên cột cao 4m (không kể phần chìm dưới đất), đường kính 1,2m có cột đá là 2 khúc chồng lên nhau thành một khối.
- Tầng trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên.
- Đài Liên Hoa có mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có Lưỡng long chầu nguyệt.
- Từ sân lên sàn chùa du khách sẽ bước qua 13 bậc thang nhỏ, hai bên tường gạch với bia đá giới thiệu lịch sử hình thành chùa.
- Bên trong Đài Liên Hoa đặt tượng Phật Bà Quan Âm với lối thiết kế tinh xảo được mô phỏng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông. Phật Quan Âm ngồi trên đài sen sáng rực, xung quanh được bài trí lộng lẫy nhưng không kém phần trang nghiêm và thanh tịnh.
- Xung quanh chùa là hồ Linh Chiểu được bao bọc bằng tường gạch thấp.
Trong quan niệm người Việt, rồng luôn là con vật linh thiêng, biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh. Và hình ảnh “Lưỡng long chầu nguyệt” trên các mái đình đền, chùa chiền không chỉ biểu tượng cho sức mạnh thần thánh mà còn ẩn trong đó những giá trị nhân văn, phản chiếu trí tuệ, ước vọng của con người và nền văn minh cổ xưa.
Ngày nay không có những cánh sen trên cột đá như đã nói đến trong bia văn thời nhà Lý, nhưng ngôi chùa dựng trên cột vươn lên khỏi mặt nước vẫn là kiến trúc độc đáo, gợi hình tượng một bông sen vươn thẳng lên khỏi ao.
Ao sen được bao bọc bởi hàng lan can làm bằng những viên gạch sành tráng men xanh. Kiến trúc chùa Một Cột được xây dựng gần với kiến trúc nhà Hậu Lê. Trong khu vườn chùa Một Cột còn có một cây bồ đề sum xuê từ đất Phật, do tổng thống Rajendra Prasad tặng nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thăm Ấn Độ năm 1958.
Với lối kiến trúc mang tính dân tộc, thẩm mỹ cao, điêu khắc đá, hội họa và chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn, vào năm 2012, Tổ chức Kỉ lục Châu Á đã xác nhận chùa Một Cột là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”. Kỉ lục Guiness Việt Nam cũng ghi nhận đây là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam”.
Điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước
Ngày nay, chùa Một Cột không chỉ là một di tích lịch sử độc đáo mang đậm màu sắc tôn giáo, kiến trúc và nhân văn của người Việt xưa mà còn là điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến thăm Hà Nội.
Hầu hết lịch trình tour tham quan Hà Nội của các công ty du lịch đều có địa danh này. Điều này giúp du khách hiểu hơn về kiến trúc, văn hóa cũng như tìm về cội nguồn lịch sử Việt Nam.
Nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội, nên việc đến tham quan và chiêm bái chùa Một Cột rất thuận tiện. Du khách có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau như xe bus, taxi hoặc xe máy để cảm nhận không khí và nét sống đặc trưng của người dân nơi đây.
Khi đến thăm viếng chùa, quý khách nên chú ý ăn mặc lịch sự và tôn trọng những quy định chuẩn mực nơi tôn nghiêm. Ngoài ra, chùa Một Cột nằm cạnh Lăng Bác Hồ và Phủ Chủ Tịch nên quý khách có thể kết hợp tham quan quần thể di tích này.
Biểu tượng chùa Một Cột
Với lối kiến trúc độc đáo mang đậm tính dân tộc và ý nghĩa nhân văn to lớn, chùa Một Cột xứng đáng là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Biểu tượng chùa Một Cột được in vào mặt sau của đồng tiền kim loại 5000 đồng của Việt Nam.
Điều này góp phần vào sự phát triển của du lịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế. Chùa Một Cột tượng trưng cho trí tuệ, từ bi và sự vương mình thoát khỏi những ràng buộc để hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Một số hình ảnh về chùa Một Cột Hà Nội
Chùa Một Cột là biểu tượng văn hóa vô cùng độc đáo của người Việt xưa, thế hệ mai sau cần gìn giữ những di tích văn hóa mang ý nghĩa lịch sử như chùa Một Cột, bởi đây không chỉ đơn thuần là lưu giữ những kiến trúc cổ mà còn liên quan để cả lịch sử văn hóa của cả một dân tộc.
Hoa Sen Phật – Tham khảo: wikipedia.org – ditichlichsu-vanhoahanoi.com