Từ nhỏ, thông qua các câu chuyện ma rùng rợn của ông bà kể lại, thì 2 khái niệm địa ngục và ma quỷ đã in sâu vào trong tâm trí của mỗi người. Nếu cách đây vài chục năm khi hỏi ai đó có tin là “ma có thật không?” hay “địa ngục có thật không?” thì tôi nghĩ 95% đều tin là có thật.
Nhưng ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của internet, chúng ta có thể tiếp cận nhiều kiến thức mới trên thế giới, những giải thích mang tính logic và khoa học đã ít nhiều định hình lại tư tưởng của nhiều người. Và giờ đây, cũng với câu hỏi đó nhưng họ sẽ cần thêm những bằng chứng rõ ràng thực tế chứ không phải là những câu chuyện ma mà ông bà hay kể cho con cháu nghe thuở bé nữa.
Để giải đáp cho thắc mắc này, chúng tôi đã tìm đến những video của các nhà sư Phật giáo Việt Nam, để xem góc nhìn về vấn đề này trong cộng đồng Phật giáo hiện đại của chúng ta như thế nào. Sau đây là những quan điểm về ma quỷ và địa ngục của các thầy mà Hoa Sen Phật tổng hợp được.
Nội dung bài viết
Quan điểm thầy Thích Nhật Từ về ma quỷ
Nếu dựa vào kinh điển Pali, kinh A-Hàm và kinh Tạng Đại Thừa, thì các kinh điển Phật giáo đều thừa nhận có cảnh giới ngạ quỷ, hay nói khác là thừa nhận có ma quỷ, và ma quỷ là một loại hình sự sống thấp hơn con người. Nhưng khi dựa vào 2 bài kinh sau đây, chúng ta có thể suy luận về học thuyết ma quỷ tồn tại như một cảnh giới là phát triển về sau, khoảng trên 100 năm sau khi đức Phật qua đời.
Bài kinh thứ nhất: Kinh 12 Nhân Duyên. Trong bài kinh này nói về 3 mắc xích đầu tiên là Vô Minh, Hành và Thức. Đó là 3 phương diện của tổng thể tâm thức con người.
Vô minh có nghĩa là tâm thức còn bị che mờ bởi tham ái, sân hận và chấp trước. Hành có nghĩa là sự liên tục của mọi thứ, không có kết thúc và không có gián đoạn sau khi chết. Sự chuyển tiếp từ một cảnh giới này sang cảnh giới khác sau khi tắt hơi thở qua đời ta gọi đó là Thức.
Văn học Pali không hề nói đến thời gian trì hoãn của Thức tái sinh vào trong bào thai của người mẹ là bao lâu. Từ đó ngài Phật âm và Ngài Na tiên, hai vị triết gia căn bản của Phật giáo Nguyên Thuỷ cho rằng, sau khi chết thì con người tái sinh ngay lập tức. Do đó, không có ma quỷ dưới hình thức này hay hình thức khác.
Bài kinh thứ hai: Kinh Vô Ngã Tướng, đức Phật giảng sau kinh Chuyển Pháp Luân hay còn gọi là Tứ Diệu Đế. Khái niệm linh hồn mà những người theo Bà la môn giáo ghi nhận là một thực thể tồn tại vĩnh hằng (Atman), và có thể hoà nhập với phạm thiên hay đấng chúa trời (Brahman).
Tuy nhiên, theo học thuyết vô ngã của Phật giáo thì đó là một tổ hợp gồm cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức. Cho nên việc tồn tại một linh hồn bất biến là không có thật.
Trong văn học Pali thời kỳ phát triển, nhất là 15 bộ kinh được biên tập vài trăm năm sau khi đức Phật qua đời, trong đó có tác phẩm Ngạ Quỷ Sự, mô tả rất chi tiết về cảnh giới của ngạ quỷ và thỉnh thoảng có một số ngữ cảnh lẫn giữa ngạ quỷ và địa ngục. Ngạ quỷ tồn tại dưới cõi âm và địa ngục cũng được mô tả như thế. Cho nên học thuyết về ngạ quỷ và địa ngục chỉ được phát triển sau này.
Trải qua trên 20 thế kỷ, quan niệm về ma quỷ tồn tại như là một trong 6 cảnh giới của luân hồi đã bám chặt vào tư duy và tín ngưỡng của Tăng ni và Phật tử. Vì thế, khi nghe nói đến ngạ quỷ là phần phát triển về sau thì rất khó chấp nhận.
Nếu dựa vào kinh điển, những người tin ma quỷ là thứ có thật sẽ có nhiều bằng chứng hơn. Vì chỉ có 2 bài kinh là kinh vô ngã và 12 nhân duyên phủ nhận việc này, trong khi đó có hàng trăm trang kinh khác để cập đến cảnh giới ngạ quỷ. Do đó, nếu đọ về số trang và số lượng bản văn thì học thuyết tin có ma quỷ trở nên ưu thế hơn.
Tuy nhiên, dựa trên quá trình nghiên cứu và tiếp xúc thì ma quỷ là không có thật. Những hiện tượng mà dân gian gọi là ma nhập, quỷ nhập, ma ám quỷ ám hay là bị bóng đè, ma đè…Tất cả chỉ là những ngộ nhận mà thôi.
Từ 1992 đến nay, kể từ khi trụ trì chùa Giác Ngộ, thì thầy Thích Nhật Từ đã quen với các chứng bệnh mà dân gian gọi là ma nhập. Đối với lĩnh vực này trong giới Tăng ni trong nước và nước ngoài thì chùa Giác Ngộ là giảng nhiều nhất. Trung bình mỗi năm, có 300 người bị “bệnh ma nhập” đến chùa nhờ điều trị.
Thật ra thì hiện tượng ma nhập chỉ là triệu chứng bệnh lý của các chứng bệnh tâm thần sau đây:
Loại 1: Tâm thần hoan tưởng
- Hoan tưởng xúc giác: cảm nhận trên cơ thể có con gì bò nhúc nhúc, cắn và di chuyển trên toàn thân.
- Hoan tưởng thính giác: Nghe văng vẳng bên tai có một âm thanh nào đó, ấn tượng hoặc ám ảnh.
- Hoan tưởng thị giác: Thấy con người, sự vật đang diễn ra trước mặt mình, cùng thời điểm đó những người khác không thấy.
Loại 2: Rối loạn tâm thần đa nhân cách
Rối loạn đa nhân cách có nghĩa là một người mà đóng vai nhiều người. Giống như diễn viên điện ảnh hay sân khấu diễn theo một vai nào đó trong kịch bản, nhưng khi buổi diễn kết thúc, diễn viên sẽ thoát khỏi vai đó và trở về con người thật của họ.
Còn người bị mắc bệnh đa nhân cách, trong vô thức điều khiển họ làm cho họ tin rằng có một con ma nào đó hoặc nhiều con ma nhập vào chi phối họ. Họ ứng xử một tính cách khác hoàn toàn, ngôn ngữ và ngữ điệu xa lạ so với thông thường.
Và khi họ đang diễn một vai trong đa nhân cách, người thầy pháp bắt ma sẽ là một người diễn chung với họ, thầy pháp dùng thần chú hay cử chi phép thuật (phóng điển) đánh vào bệnh nhân, bệnh nhân sẽ bị cuốn theo lối diễn đó nên có những hành động bất thường như: kêu gào, khóc lóc la hét, tỏ vẻ đau đớn. Đến khi thầy pháp kêu kết thúc, có nghĩa là kết thúc vai diễn này nên nhân cách đang chiếm hữu bệnh nhân sẽ biến mất và trở lại trạng thái bình thường.
Cho nên trên thực tế, hiện tượng ma nhập chỉ dựa trên niềm tin mê tín, đó chỉ là rối loạn tâm thần đa nhân cách thôi. Chẳng cần tụng kinh, trì chú hay niệm Phật mà vẫn hết bệnh. Các phương thức này chỉ có tác dụng trấn an tâm thần cho bệnh nhân, vì trong tiềm thức họ biết rằng Phật Pháp nhiệm màu nên từ đó tâm trí sẽ ngộ nhận rằng con ma bị Phật Pháp đánh bật ra khỏi cơ thể.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân xuất hiện năng lực đặc biệt mà bình thường họ không có như: nói một số ngôn ngữ lạ, mạnh mẽ, nhảy cao…Đó ko phải là năng lực do con ma nhập vào mà dân gian thường nói. Chúng ta trải qua nhiều kiếp trong vòng luân hồi, những kỹ năng mà chúng ta trải nghiệm qua nhiều kiếp đó không mất đi mà chỉ là đá giằng lên thôi. Rồi khi bị rối loạn tâm thần nó sẽ móc ra một số dữ liệu kiếp trước khiến chúng ta lầm tưởng đó là năng lực của ma quỷ.
Những triệu chứng bệnh này đều có gốc rễ từ khổ đau, những sang chấn tâm lý nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ dẫn đến bệnh. Chúng ta nên làm những việc để giúp tâm trí sảng khoái, từ đó phóng thích nỗi đau ra bên ngoài. Không nên ém giữ trong lòng những căng thẳng, lo lắng sợ hãi, giận dữ…Thực tập buông bỏ và cao thượng để không vướng vào hận thù dẫn đến đau khổ.
Vì thế, đây chỉ là các triệu chứng tâm thần chứ không phải ma nhập mà chúng ta lầm tưởng bấy lâu. Chúng ta không nên đưa bệnh nhân đến các nơi như: Thầy bói toán, phong thuỷ, đồng bóng, bắt ma, nhân điện hay ngoại cảm. Vì đến đây, họ thường nói bệnh nhân bị ma nhập.
Chúng ta nên khuyến khích bệnh nhân tập thể dục, bơi lội, yoga, thể dục thẩm mỹ…Khi một thể chất khoẻ mạnh thông qua các hoạt động hữu ích thì các vấn đề về tâm thần sẽ ít xuất hiện.
Cách giải thích về ma quỷ của thầy Thích Nhật Từ có vẻ logic và khoa học. Tuy nhiên, trong lúc tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi vô tình tìm thấy video (được up lên youtube vào năm 2011) của thầy Thích Nhật Từ cũng nói về ma quỷ nhưng lại mang một tư tưởng khác. Trong video này thì thầy hoàn toàn tin tưởng vào sự có mặt của ma quỷ, điều này làm chúng tôi hoang mang và quyết tâm tìm hiểu sâu hơn thông qua các video của những nhà sư khác.
Quan điểm của thầy Thích Giác Hạnh
Thầy Thích Giác Hạnh là người mà chúng tôi cảm thấy là có niềm tin mãnh liệt vào sự tồn tại của ma quỷ trong số những nhà sư mà chúng tôi tìm hiểu. Có rất nhiều bài giảng của thầy đề cập đến ma quỷ và địa ngục. Qua các câu chuyện kể trong các bài kinh mà thầy đã đọc, những lần tiếp xúc với những người bị ma nhập hay trực tiếp gặp ma của thầy.
Điều này có thể là do thầy Thích Giác Hạnh có tuệ nhãn hay một năng lực đặc biệt nào đó có thể giao tiếp với thế giới vô hình. Hay đó chỉ là sự ảo tưởng do quá trình trải nghiệm cuộc sống của thầy gắn liền với các câu chuyện và hiện tượng huyền bí, đã khiến thầy có niềm tin mãnh liệt ma là có thật!
Quan điểm của thầy Thích Phước Tiến
Địa ngục (Niraya – Naraka) không phải là ngục tù dưới lòng đất. Địa ngục là một thế giới tối tâm, đầy đủ những điều thống khổ, vô minh và nhiều ác nghiệp. Địa ngục là một trong 3 con đường khổ đau, tam đồ khổ bao gồm: Địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.
Những chúng sinh phạm nhiều sai lầm, gây nhiều tội ác sẽ tái sinh vào 1 trong 3 cõi này. Và đức Phật không tạo ra địa ngục, có rất nhiều thế giới mà đức Phật đã nhìn thấy và trong số đó, Ngài nhìn thấy thế giới mà những chúng sinh tạo nhiều ác nghiệp rơi vào, đó là địa ngục.
Địa ngục là thế giới của nghiệp lực. Nghiệp lực xấu sẽ cộng hưởng trong một môi trường như vậy, và chấp nhận những niềm đau như vậy.
Địa ngục ở đâu? Địa ngục có thật không?…Giống như hỏi không khí có hay không hay nhân quả có không? Trong kinh điển diễn giải rất kỹ địa ngục, chỉ có đức Phật có thần thông mới có thể thấy và đi đến đó được. Và thế giới này không phải nằm trên trái đất như chúng ta. Những chúng sinh làm nghiệp xấu sẽ xuống địa ngục, khi đoạ vào địa ngục với thời gian bao lâu thì mới được tái sinh chứ không phải bị hành hạ dưới địa ngục mà chết được.
Ngạ quỷ hay cô hồn là một trong 6 cõi luân hồi, và đây là một chân lý tồn tại không phụ thuộc vào việc có con người hay không. Sau khi chết, linh hồn sẽ trải qua giai đoạn trung gian gọi là thân trung ấm, sau đó linh hồn sẽ phải tái sinh vào một trong 6 cõi tuỳ theo nghiệp của họ. Ngạ quỷ là những chúng sinh tạo nghiệp xấu nên bị tái sinh vào môi trường xấu.
Ma quỷ mà chúng ta đang đề cập ở đây là thế giới ngạ quỷ hay quỷ thần chứ ko phải hiện tượng ma dựa nhập mà dân gian thường nói, đó chỉ là hiện tượng rối loạn tâm thần.
Khái niệm về địa ngục trong thuở bé đã in sâu vào trong tâm trí nhiều người, thậm chí đi chùa chúng ta cũng nghe nhắc đến hoặc nhìn thấy những hình ảnh về 18 tầng địa ngục (Thập điện minh vương). Một số tôn giáo khác cũng đưa ra hình thái về địa ngục, những người tốt sẽ lên thiên đàng còn những người không tốt sẽ bị đầy xuống địa ngục, 2 mặt đối lập giữa thiện và ác, hạnh phúc và khổ đau.
Trong đạo Phật, các văn bản kinh điển có đề cập đến địa ngục nhưng rất ít Phật tử tiếp cận để tìm hiểu sâu sắc về vấn đề này. Thậm chí nó còn gây tranh cãi trong nội bộ Phật giáo, cũng những người xuất gia nhưng họ cho rằng không có địa ngục.
Người cho địa ngục không có thật thì cho rằng đó chỉ là trạng thái của tâm mà thôi. Hay nói cách khác, tâm thánh thiện, thanh tịnh sẽ tạo ra cõi Phật, Bồ tát…và ngược lại.
Một số người phê bình kinh Địa Tạng, kinh điển của Đại Thừa sử dụng cho việc cầu siêu, ma chay, tuần thất, đám giổ. Kinh điển dùng để cúng cho những người sau khi qua đời, giúp họ tái sinh vào cõi an lành hoặc chuyển hoá bớt nổi khổ đau.
Một số người cho rằng, Phật giáo Trung Quốc bịa ra địa ngục, điều này làm cho thầy rất đau lòng. Trung Quốc chưa đủ khả năng để sáng tạo hay bịa ra một hình thái địa ngục trong kinh Địa Tạng. Và Địa Tạng Bồ tát có thể là do người Trung Hoa sáng tạo ra chỉ vì tính thiện thôi, như một phương tiện giúp chúng ta có một hướng bám vào để cầu cúng tín ngưỡng, giúp họ vơi đi nỗi buồn khi người thân qua đời.
Kinh Địa Tạng diễn tả lại rất chính xác những kinh điển xưa, và kinh Pháp Cú, một kinh điển quan trọng của Phật giáo Nguyên Thuỷ cũng nói về địa ngục. Do đó, không phải kinh nào mà dịch sang chữ Hán thì đa số là nguỵ tạo của Trung Quốc.
Những vị tổ sư Trung Hoa không tài nào mà sáng tạo được, nếu không có cái nhìn của các vị tuệ giác, bằng thiên nhãn thấy mọi thế giới thì không tài nào dựng lên như thế được.
Xin lỗi thầy, nhưng khi nghe đến đây thì trong con xuất một dòng suy nghĩ hơi buồn cười và ngốc nghếch. Con đã đánh đồng tuệ giác của các vị giác ngộ với sự sáng tạo của các nhà làm phim Hollywood, những người tạo ra những thế giới huyền ảo mà con chỉ có thể gặp trong giấc mơ.
Như vậy từ kinh điển Nguyên Thuỷ cho đến kinh điển Đại Thừa đều nói về địa ngục. Người học Phật mà phân vân chuyện này thì rất đau buồn. Hình thái địa ngục không có lỗi, những người nói chết là hết hoặc địa ngục không có thật và chỉ là một cách đe doạ hay trạng thái của tâm thì rất nguy hiểm. Hình thái địa ngục ghê gớm như vậy mà còn không ngăn được con người phạm phải những sai lầm trong cuộc sống, nếu phủ nhận về địa ngục thì thế giới này sẽ hỗn loạn.
Quan điểm của thầy Thích Trí Huệ
Theo thuyết luân hồi, thì sau khi chết tâm và thân độc lập nhau, không còn liên quan với nhau nữa. Như vậy thì cái tâm lúc tách khỏi thân mà chưa tái sinh khỏi cảnh giới khác ta gọi là thân trung ấm hay nói cách khác là ma.
Theo một nhà khoa học Nga, thì khi một trạng thái này chuyển sang trạng thái khác đều có thời gian chuyển trạng thái, ta gọi là Delta T. Như vậy từ cảnh giới này sang cảnh giới khác thì phải trải qua trạng thái trung gian, vì thế ma quỷ là có thật. Đó là dòng năng lượng của tâm, và thân trung ấm hay thân trung hữu là thời gian chuyển trạng thái.
Chúng ta có nhìn thấy ma không? Thông thường có 2 trường hợp mà chúng ta cho là đã nhìn thấy ma. Một là do tâm thức và hai thấy qua ảo tưởng.
Trường hợp 1: Con mắt tiếp nhận hình ảnh lên võng mạc rồi đi vô bên trong và hoá giải bằng các tín hiệu thần kinh. Đi qua não xử lý và đưa ra nhận thức. Nếu não bị vấn đề nó sẽ tạo ra ảo tưởng khiến chúng ta ngộ nhận là thấy ma.
Trường hợp 2: Ma mà chúng ta nói là một thứ tồn tại độc lập với chúng ta, có chúng ta hay không thì nó vẫn hiện hữu. Đây gọi là biện chứng, nó không lệ thuộc vào ta, độc lập phân li với ý và thân của ta. Chúng ta không nói về ma theo kiểu thân và tâm tạo ra ảo tưởng. Đa phần chúng ta bị bệnh ảo tưởng khi nhìn thấy ma. Nhưng thấy ma theo kiểu độc lập thì rất hiếm và chúng ta nói cũng có thể có vì chúng ta không thể chứng minh một cách rõ ràng được.
Kết Luận
Qua quá trình tìm hiểu quan điểm về ma quỷ và địa ngục trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi nhận ra rằng, khả năng nhận thức của các thầy là dựa trên dữ liệu kinh nghiệm trong quá trình trải nghiệm cuộc sống của mỗi người. Mỗi người đều có một cuộc sống khác nhau, đọc những bài kinh khác nhau hay đơn giản là quá chú trọng một bài kinh nào đó mà bản thân các thầy cho rằng nó chính xác và quan trọng.
Rất nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu mà trước khi tìm hiểu chúng tôi đã không nghĩ đến. Theo sự hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi thì Tam Tạng Kinh (Tripitaka) là văn bản đầu tiên của Phật giáo ghi lại những lời dạy của đức Phật. Tam Tạng Kinh được viết vào khoảng 400 năm sau khi đức Phật nhập niết bàn, và những lời dạy của Ngài được lưu giữ bằng hình thức truyền miệng trong khoảng thời gian đó. Rất có thể có một chút sai sót trong việc truyền lại giáo lý tại thời điểm đó hay các giáo lý được phát triển thêm thông qua các học trò đời sau của đức Phật.
Chúng ta quá nhỏ bé để khẳng định bất cứ điều gì trong vũ trụ vô tận này, trái đất chúng ta đang sống chỉ là một “nguyên tử” trong vũ trụ, và vũ trụ mà chúng ta biết chỉ là một “hồ thủy sinh” của một người nào đó trong không gian vô tận. Vì thế, câu trả lời phù hợp nhất cho mọi sự tồn tại là câu “Cũng có thể!”. Ma có thật không? Địa ngục có thật không? Cõi Tây Phương có thật không? Đức Phật có phải là một người siêu việt có thần thông không? Mặt trời có khi nào tắt lửa? Cũng có thể!
“Nếu phân tích khoa học chứng minh một số tuyên bố trong Phật giáo là sai, thì chúng ta phải chấp nhận những phát hiện của khoa học và từ bỏ những tuyên bố đó.” Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.
Là một Phật tử, chúng ta nên thực hành theo các giáo lý của Phật giáo để tìm cho mình sự bình an, hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại hay là cố gắng đạt giác ngộ để có thể nhìn thấy rõ bản chất thật của sự tồn tại. Là một nhà sư truyền bá Phật giáo, chúng ta nên chú trọng vào các bài giảng ý nghĩa thông qua các câu chuyện gần gủi, thú vị nhằm truyền tải thông điệp của đạo Phật đến bà con Phật tử một cách dễ dàng hơn hay là chú trọng vào việc xác định xem đâu là sự thật, đâu lời dạy của đức Phật!
Mỗi người sẽ có một lựa chọn cho riêng mình. Hãy uống một ly nước ấm, tận hưởng ánh nắng và không khí trong lành buổi sớm mai để bắt đầu một ngày mới tốt đẹp.
Hoa Sen Phật