Nếu bạn từng có cảm giác rằng một tình huống nào đó cảm thấy rất quen thuộc mặc dù đó là lần đầu tiên mà bạn trải nghiệm, giống như bạn ăn bánh canh cá tại quán mà bạn lần đầu đặt chân đến, thì chắc chắn bạn đã trải qua déjà vu. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét các khía cạnh khác nhau mà khoa học đang nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân thật sự gây ra hiện tượng quen thuộc kỳ quái này.
Nội dung bài viết
Déjà vu là gì?
Déjà vu, có nghĩa là “đã từng thấy” trong tiếng Pháp, kết hợp giữa sự xa lạ khách quan – dựa trên nhiều bằng chứng mà bạn biết rằng nó không quen thuộc, nhưng với sự quen thuộc chủ quan – bạn lại cảm giác rằng nó cũng quen thuộc.
Déjà vu là hiện tượng tương đối phổ biến. Theo một bài báo được xuất bản vào năm 2004, hơn 50 cuộc khảo sát về déjà vu cho thấy khoảng 2/3 số người tham gia cho biết đã trải qua nó ít nhất một lần trong đời, một số người còn trải nghiệm nó nhiều lần. Con số được báo cáo này dường như cũng đang tăng lên khi mọi người nhận thức rõ hơn về déjà vu là gì.
Thông thường, déjà vu được mô tả dưới dạng những gì bạn nhìn thấy, nhưng nó không dành riêng cho thị giác và ngay cả những người bị mù bẩm sinh cũng có thể trải nghiệm nó.
Đo lường déjà vu
Hiện tượng déjà vu rất khó để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm bởi vì nó là một trải nghiệm thoáng qua, và cũng bởi vì không có tác nhân kích hoạt có thể xác định rõ ràng cho nó. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số công cụ để nghiên cứu hiện tượng này, dựa trên những giả thuyết mà họ đưa ra.
Các nhà nghiên cứu có thể khảo sát những người tham gia; nghiên cứu các quá trình có thể liên quan, đặc biệt là những quá trình liên quan đến trí nhớ; hoặc thiết kế các thí nghiệm khác để thăm dò déjà vu.
Bởi vì déjà vu rất khó đo lường, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều lời giải thích cho cách hoạt động của nó. Dưới đây là một số giả thuyết nổi bật hơn.
Sự liên quan của ký ức và hiện tượng Déjà vu
Những lí giải déjà vu xảy ra do ký ức dựa trên ý tưởng rằng trước đây bạn đã từng trải qua một tình huống hoặc điều gì đó tương tự, nhưng bạn không nhớ một cách có ý thức rằng bạn đã trải nghiệm nó. Thay vào đó, bạn nhớ nó một cách vô thức, đó là lý do tại sao điều gì đó cảm thấy quen thuộc mặc dù bạn không biết tại sao.
Sự quen thuộc do yêu tố đơn lẻ
Giả thuyết về sự quen thuộc của một yếu tố đơn lẻ gợi ý bạn trải nghiệm déjà vu nếu yếu tố đó trong bối cảnh quen thuộc với bạn nhưng bạn lại không nhận ra nó một cách có ý thức bởi vì nó ở một bối cảnh khác, như thể bạn nhìn thấy anh thợ cắt tóc của mình ngoài đường.
Bộ não của bạn vẫn thấy anh thợ cắt tóc quen thuộc ngay cả khi bạn không nhận ra họ và khái quát cảm giác quen thuộc đó cho toàn bộ bối cảnh. Các nhà nghiên cứu khác cũng đã mở rộng giả thuyết này cho nhiều yếu tố.
Sự quen thuộc do biểu mẫu
Giả thuyết về sự quen thuộc của biểu mẫu tập trung vào cách các mục được sắp xếp trong một cảnh và cách déjà vu xảy ra khi bạn trải nghiệm thứ gì đó có bố cục tương tự.
Ví dụ, bạn có thể chưa từng nhìn thấy bức tranh trong phòng khách của bạn mình trước đây, nhưng có thể bạn đã thấy một căn phòng được bài trí giống như phòng khách của người bạn đó – một bức tranh treo trên ghế sofa, đối diện với tủ sách. Vì bạn không thể nhớ lại căn phòng kia nên bạn trải nghiệm déjà vu.
Một lợi thế đối với giả thuyết về độ tương đồng của biểu mẫu là nó có thể được kiểm tra trực tiếp hơn. Trong một nghiên cứu, những người tham gia xem xét các căn phòng trong thực tế ảo, sau đó được hỏi một căn phòng mới quen thuộc như thế nào và liệu họ có cảm thấy mình đang trải nghiệm déjà vu hay không.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng những người tham gia nghiên cứu không thể nhớ được căn phòng cũ có xu hướng nghĩ rằng căn phòng mới trông quen thuộc và cho rằng mình đang trải qua déjà vu nếu như căn phòng mới tương đồng với những căn phòng cũ. Hơn nữa, căn phòng mới càng giống với căn phòng cũ thì tỉ lệ này càng cao.
Sự liên quan của thần kinh và hiện tượng Déjà vu
Hoạt động não tự phát
Một số giải thích cho rằng déjà vu trải qua khi có hoạt động não tự phát không liên quan đến những gì bạn đang trải qua. Khi điều đó xảy ra trong phần não của bạn xử lý ký ức, bạn có thể có cảm giác quen thuộc giả.
Một số bằng chứng đến từ những người mắc chứng động kinh thùy thái dương, khi hoạt động điện bất thường xảy ra ở phần não xử lý ký ức. Khi não của những bệnh nhân này được kích thích bằng điện như một phần của quá trình đánh giá trước phẫu thuật, họ có thể bị déjà vu.
Một nhà nghiên cứu gợi ý rằng bạn trải nghiệm déjà vu khi hồi hải mã (parahippocampal), hệ thống giúp xác định một thứ gì đó quen thuộc, ngẫu nhiên bị lỗi và khiến bạn nghĩ rằng thứ gì đó quen thuộc khi nó thật sự không quen thuộc.
Những người khác thì cho rằng không thể cô lập déjà vu trong một hệ thống nhận diện sự quen thuộc duy nhất mà nó còn liên quan tới đa cấu trúc có liên quan tới các ký ức và kết nối giữa các kí ức.
Tốc độ truyền dẫn thần kinh
Các giả thuyết khác dựa trên tốc độ thông tin di chuyển qua não của bạn. Các khu vực khác nhau trong não của bạn truyền thông tin đến các khu vực “bậc cao hơn” kết hợp thông tin với nhau để giúp bạn hiểu thế giới. Nếu quá trình phức tạp này bị gián đoạn theo bất kỳ cách nào – có thể là do một vùng truyền dẫn thông tin chậm hoặc nhanh hơn bình thường – thì não bộ của bạn sẽ giải thích các sự vật xung quanh bạn không chính xác.
Giải thích nào là đúng?
Dù chưa có cách lý giải cuối cùng về hiện tượng déjà vu nhưng các giả thuyết nêu trên đều có một điểm chung: một lỗi tạm thời trong quá trình nhận thức. Hiện tại, các nhà khoa học có thể tạo ra nhiều thí nghiệm thăm dò déjà vu trực tiếp hơn để tìm ra lời giải thích chính xác hơn.
Hoa Sen Phật – Theo: thoughtco.com