Trái đất hình cầu hay phẳng? Mặt trời có thật sự đứng yên và trái đất quay quanh nó? Ai tạo ra vũ trụ này? Vật chất cơ bản nhất…là những câu hỏi được đặt ra và tranh luận trong quá trình khám phá thế giới của loài người. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học hiện đại, thì liệu con người có thể hiểu rõ bản chất thật của các sự vật, hiện tượng trên hành tinh này không! Bông Hồng có thật sự màu hồng…
Con người nhận biết thế giới quan xung quanh thông qua 5 giác quan và quá trình tư duy trong tâm trí. Trong Phật học gọi là “Tâm biết” và nó bao gồm 2 loại: Tâm biết trực tiếp Giác quan và Tâm biết gián tiếp Ý thức.
Tâm biết trực tiếp Tưởng gồm Nhãn thức (mắt), Nhĩ thức (tai), Tỷ thức (mũi), Thiệt thức (lưỡi), Thân thức (thân), Tưởng thức (ý thức) chỉ nhận biết các Cảm thọ chứ không nhận biết được thế giới vật chất. Nhưng Tâm biết Ý thức do suy luận hợp lý từ các thông tin mà tâm biết trực tiếp ghi nhận có thể biết về thế giới vật chất.
Ví như khi nhãn thức thấy hình ảnh những cành cây đang chuyển động, lung lay về một phía thì tâm biết Ý thức do tư duy suy luận mà biết có gió thổi tương tác với các cành cây đó.
Tâm biết Ý thức biết đang có gió thổi là biết gián tiếp do suy luận chứ không thể nhận biết được hình dạng, màu sắc, mùi, vị, nặng nhẹ, cứng mềm của gió.
Biết có sóng điện từ là biết gián tiếp do suy luận nhiều bước vì loại vật chất này không tương tác với mắt tai mũi lưỡi thân mà tương tác với các sắc pháp khác như tivi, điện thoại rồi vật thể trung gian đó mới tương tác với mắt tai…
Thông qua nhãn thức thấy cảm giác hình ảnh qua màn hình, nhĩ thức nghe cảm giác âm thanh qua điện thoại, ý thức khẳng định có sóng điện từ nhưng không thể biết được sóng điện từ có hình dáng, màu sắc, mùi vị, cứng mền, nặng nhẹ như thế nào.
Thông qua tâm biết trực tiếp nhận biết Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm, Tâm biết ý thức do tư duy suy luận hợp lý khẳng định CÓ THẾ GIỚI VẬT CHẤT gồm 5 đối tượng là Sắc Thanh Hương Vị Xúc nhưng hoàn toàn không thể biết có hay không có hình dáng, màu sắc, mùi, vị, cứng mền, nặng nhẹ, nóng lạnh…của thế giới vật chất.
Do quan sát với tâm biết trực tiếp và suy luận hợp lý, Tâm biết gián tiếp Ý thức có thể biết đúng sự thật về quy luật Nhân Quả hay Lý Duyên Khởi: Tất cả các sự vật hiện tượng vật chất và tinh thần đều phát sinh theo quy luật, “HAI NHÂN TƯƠNG TÁC VỚI NHAU RỒI CÙNG DIỆT VÀ PHÁT SINH CÁC QUẢ”.
Thông qua hình ảnh mà Nhãn thức thấy, Ý thức do tư duy, suy luận hợp lý mà biết: Một gói thuốc nhuộm đỏ tiếp xúc với một chậu nước trong thì cả hai cùng diệt và phát sinh chậu thuốc nhuộm đỏ. Trống và dùi tương tác với nhau thì trống cũ và dùi cũ diệt phát sinh tiếng trống cùng trống mới dùi mới.
Căn Trần tiếp xúc nhau rồi Căn Trần đó diệt phát sinh Cảm giác và tâm biết trực tiếp cùng Căn Trần mới; hay bao thóc tiếp xúc với ruộng được cày bừa kỹ thì phát sinh ruộng mạ; tiếp đến ruộng mạ tiếp xúc với môi trường (nước, ánh sáng, không khí…) phát sinh ruộng lúa chín vàng; tiếp đến ruộng lúa chín vàng tiếp xúc máy gặt phát sinh bao thóc; bao thóc tiếp xúc máy xay phát sinh bao gạo; bao gạo tiếp xúc với (nồi nước lửa) phát sinh cơm; cơm tiếp xúc răng lưỡi…và quá trình nhân quả cứ tiếp tục diễn tiến vô cùng vô tận như vậy theo quy luật Nhân diệt Quả sanh.
Nếu bao thóc tiếp xúc với đàn vịt, hay với đống lửa, hay với đường nhựa…thì các lộ trình nhân quả nối tiếp nhau sẽ xẩy ra khác nhau theo quy luật hai nhân tương tác với nhau cùng diệt và phát sinh quả.
Với sự quan sát thực tại bởi tâm biết trực tiếp và tư duy suy luận hợp lý thì tâm biết gián tiếp Ý thức sẽ hiểu biết đúng sự thật về quy luật nhân quả. Do vậy sẽ có hiểu biết đúng như thật là tất cả các sự vật, hiện tượng thuộc tinh thần và vật chất, tức Danh và Sắc đều đang sinh lên rồi diệt đi, nên nó Vô thường, nghĩa là không thường hằng, không thường trú đâu cả.
Quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng chỉ là tương tác với nhau rồi cùng diệt theo quy luật nhân diệt quả sanh, nên không có quan hệ chủ nhân, chủ sở hữu, không có quan hệ lệ thuộc nhau, không phải nương nhau cùng tồn tại, nên các pháp có tính chất Vô chủ, Vô sở hữu.
Điều này đồng nghĩa không có một cái Ta, một Bản ngã hay bất kỳ một thực thể nào là chủ nhân, chủ sở hữu các pháp, nghĩa là các pháp Vô ngã. Tất cả các pháp Danh và Sắc đều sinh diệt vô thường, vô chủ vô sở hữu (vô ngã).
Điều quan trọng là thấy biết như thật sự tương tác của hai nhân mới phát sinh quả, không bao giờ một nhân (hay nhân chính) biến đổi thành quả như hiểu lầm của nhân loại, của khoa học. Tương tác hay còn gọi là Duyên Xúc đã nêu rõ phải có hai nhân mới tương tác, mới tiếp xúc chứ một nhân thì không thể có tương tác, không thể có tiếp xúc.
Tương tác giữa hai nhân có thể là tương tác vật lý, tương tác hoá học, tương tác sinh học. Quán sát và tư duy sự tương tác giữa hai vật thể thì sẽ đưa đến kết quả đúng vì lúc đó không lệ thuộc vào quan điểm.
Ví như trước khi Galileo Galilei phát hiện quả đất quay quanh mặt trời thì lúc đó người ta quan niệm mặt trời quay quanh quả đất. Tuy quan niệm sai như vậy nhưng từ thời thượng cổ người ta đã tìm ra quy luật xác định chính xác các thời điểm xẩy ra nhật thực, nguyệt thực.
Vì sao vậy? Vì khi đó họ chỉ quan sát và tư duy trên sự tương tác giữa mặt trời và quả đất, mặt trời và mặt trăng, mặt trăng và quả đất, lúc đó không hề sử dụng quan điểm cái nào quay quanh cái nào. Vì quan niệm một nhân sinh quả nên nhân trong quả, quả trong nhân, vật lý học gán cho vật chất có khối lượng và năng lượng.
Họ dùng cái cân cân vật đó lên rồi qua công thức lực hấp dẫn họ xác định vật đó có khối lượng 1 kg và khối lượng 1 kg là thuộc tính của vật đó, sẵn có, luôn luôn có, thường hằng, thường trú nơi vật đó. Nhưng nếu họ đưa vật đó và cái cân đó lên tàu vũ trụ với cách tính toán và suy luận như vậy thì khối lượng vật đó bằng 0 kg, tại mặt trăng thì sẽ bằng 0,6 kg chẳng hạn…
Vậy thì khối lượng không phải là tuyệt đối mà nó cũng tương đối, nó cũng co giãn như không gian và thời gian chăng? Không phải vậy, khái niệm khối lượng được suy ra từ lực hấp dẫn và nó là biểu hiện KẾT QUẢ tương tác giữa hai vật thể chứ không phải tính chất của vật thể đó.
Khi quan sát và tư duy trên sự tương tác giữa hai vật thể người ta tìm được công thức lực hấp dẫn trong nó biểu hiện rõ có hai vật thể tham gia vào công thức, thể hiện sự tương tác. Vì vậy, kết quả đúng do quan sát và tư duy trên sự tương tác của hai vật thể, còn quan điểm sử dụng kết quả đó là sai.
Cũng y như vậy, năng lượng không phải là thuộc tính của vật chất, không sẵn có, không thường xuyên có, không thường hằng, không thường trú trong vật chất, nó là kết quả phát sinh khi có tương tác giữa hai vật thể (lửa không sẵn có trong cành cây mà nó phát sinh khi hai cành cây cọ xát với nhau).
Vì vậy, khoa học không thể tìm thấy cái phần vật chất căn bản vi tế gọi là sự sống nằm trong phần sâu kín nào đó của tế bào sống vì sự sống, sức khỏe đều do tương tác mà phát sinh, nó không thường hằng, không thường trú ở đâu cả, nó sinh diệt nhanh chóng, hình dung như từng “xung” một nối tiếp nhau thành một chuỗi nhưng gián đoạn chứ không phải liên tục.
Giống như vật lý học phát hiện ra bức xạ nhiệt là gián đoạn chứ không liên tục, mà từ phát hiện đó vật lý lượng tử ra đời. Mọi sự vật và hiện tượng khác cũng đều như vậy.
Con người không thể thấy, nghe, cảm nhận trực tiếp vật chất mà chỉ có thể biết vật chất qua “suy đoán” từ kết quả phát sinh do sự tương tác trực tiếp hay gián tiếp của vật chất lên 5 giác quan mắt tai mũi lưỡi thân của con người.
Hai dạng của vật chất là dạng hạt và dạng sóng mà khoa học khẳng định có thật là do suy luận về kết quả tượng tác trực tiếp hoặc gián tiếp lên 5 giác quan, vậy liệu còn có dạng vật chất nào khác nữa không thì vật lý học không thể trả lời được.
Có rất nhiều hiện tượng xẩy ra mà khoa học với quan niệm vật chất tồn tại dưới dạng hạt và dạng sóng không thể lý giải được, phải chăng là hiện tượng phát sinh do những dạng vật chất khác tương tác với nhau, tương tác với vật chất dạng hạt, dạng sóng?
Khoa học thực nghiệm do quan sát và tư duy sự tương tác giữa hai nhân tố mà có thể mô tả kết quả sự tương tác bằng các công thức toán học tương đối chính xác do lúc đó thoát ra ngoài quan niệm một nhân sinh quả, nhân biến đổi thành quả, thoát ra khỏi các quan niệm của triết học.
Vì vậy, khoa học thực nghiệm có thể có được những hiểu biết đúng sự thật về thế giới vật chất nếu quan sát và tư duy trên sự TƯƠNG TÁC giữa hai nhân tố mà thực chất là TƯƠNG TÁC THÔNG TIN và bỏ ra ngoài các quan niệm triết học.
Nhưng những hiểu biết của khoa học thực nghiệm như vậy cũng chỉ là một ít mảnh ghép rời rạc về thế giới vật chất chứ không thể hiểu biết trọn vẹn, đầy đủ, đúng sự thật về thế giới vật chất.
Chỉ có một điều chắc chắn là các sắc pháp đó đang liên tục tương tác với nhau từng đôi một nên đang sinh lên và diệt đi liên tục, không có một sắc pháp nào tồn tại bền vững lâu dài kể cả vật chất dạng hạt và dạng sóng cũng do tương tác mà phát sinh, không có sẵn ở đâu cả.
Vì thế không thể tưởng tượng ra một mô hình thế giới nào, một thế giới quan nào phù hợp với thế giới vật chất vì nó không tương hợp với tánh sanh diệt nhanh chóng của vật chất. Hiểu biết về vật chất của khoa học chỉ là một ít mảnh ghép rời rạc do suy đoán mà có được nên truy tìm nguồn gốc vật chất, truy tìm nguồn gốc vũ trụ do đâu mà có là ảo tưởng của một số nhà khoa học dựa trên những hiểu biết không đúng sự thật.
Nguồn: Đại Đức Nguyên Tuệ