Một đền thờ Phật giáo nhỏ được dựng lên tại một góc phố ở Oakland, bang California, Hoa kỳ. Nó được duy trì bởi các cư dân địa phương như một phương tiện tác động đến ý thức người dân cho việc hồi sinh khu phố, biến đổi những gì mà trước đây đã làm nơi này bị “ô uế” bởi nạn phá hoại, xả rác, buôn bán ma túy và mại dâm…
Tất cả bắt đầu từ hơn 5 năm trước, khi Dan Stevenson và người vợ tên Lu, những người sống gần đó đã chán nản với các tệ nạn xã hội tại khu phố Eastlake của Oakland. Góc đường 11th Avenue và East 19th Street là một phần của thị trấn, và các cuộc gọi hợp dân phố đã không cải thiện được tình hình.
Trong nỗ lực cuối cùng nhằm nâng cao nhận thức người dân trong khu vực, hai vợ chồng đã mua một bức tượng Phật bằng đá cao 60 cm từ một cửa hàng và đặt nó vào góc đường gần nhà của họ.
Stevenson cho biết, “Ban đầu góc đường liên tục bị lấp đầy bởi nệm, ghế dài, rác thải, và một số vật dụng của người sử dụng ma túy, rất nhiều hình ảnh graffiti…Mọi người chỉ đứng xung quanh, quan sát nhưng không làm gì”.
Tượng Phật đã tạo một hiệu ứng tích cực. Người dân đã bỏ thuốc lá và dần dần, họ bắt đầu dọn sạch rác thải trong khu vực. Những người buôn bán ma túy và gái mại dâm chuyển đến nơi khác để hoạt động, và các hình vẽ graffiti không còn xuất hiện nữa.
Điều xảy ra tiếp theo thậm chí còn bất ngờ hơn. Sau khoảng một năm được bảo dưỡng và nâng cấp, nhiều người nhập cư Việt Nam sống trong khu vực bắt đầu biết đến và viếng thăm bức tượng với các lễ vật.
Sau một thời gian, với sự hướng dẫn của Stevenson, các Phật tử trong cộng đồng địa phương đã bắt đầu hành động như những người bảo quản, dọn dẹp khu vực, và xây dựng một nền xi măng để đặt bức tượng lên. “Trong tôn giáo của chúng tôi, Đức Phật thường ở nơi trang nghiêm, không nên đặt trên mặt đất như thế này.” Cúc Võ, một Phật tử thường xuyên đến đây cho biết.
Khi có nhiều người tham gia, việc tân trang đền thờ trở nên sống động hơn. Bức tượng đã được sơn lại, và một nhà gỗ nhỏ được xây dựng lên. Nhạc niệm Phật phát ra từ những cái loa nhỏ phía sau Đức Phật, một pho tượng Quan Thế Âm Bồ tát, kèm theo các hình tượng và đồ trang trí khác được thêm vào khi ngôi đền mở rộng. Một camera nhỏ đã được thêm vào để theo dõi mọi thứ.
Ban đầu, không phải ai cũng hài lòng về sự bổ sung mới và những buổi thăm viếng thường xuyên của các Phật tử địa phương, bất chấp những tác động tích cực rõ ràng của bức tượng Phật ở góc đường. Sau một loạt các khiếu nại, chính quyền thành phố cho biết, họ sẽ tháo dỡ ngôi đền, nhưng những người ủng hộ đã phát động một chiến dịch mạnh mẽ để giữ lại “cột mốc tâm linh” này, và cuối cùng chính quyền thành phố đã phải chịu nhượng bộ.
Ngôi đền nhỏ được bảo tồn cẩn thận và giờ đây, các Phật tử địa phương và các cư dân khác đến viếng thăm hàng ngày. Họ mang hoa quả, nhang, đèn và các vật dụng khác đến để cầu nguyện. Một danh hiệu thậm chí đã được thêm vào, một cái tên chính thức được khắc lên ngôi đền: Pháp Duyên Tự, “góc yên bình” của người Việt Nam.
Stevenson nhận xét: “Nó trở thành biểu tượng của toàn bộ khu phố. Có rất nhiều người không phải là Phật tử đến và trò chuyện. Họ dắt chó đi dạo, nghĩ mát…đó là nơi mọi người gặp nhau và nói về những điều thú vị trong cuộc sống. Điều đó thật tuyệt vời!”
Kể từ năm 2012, tội phạm trong khu vực đã giảm 82%, theo các số liệu của cảnh sát, với các báo cáo về cướp giật từ 14 xuống còn 3 vụ, các vụ tấn công nghiêm trọng từ 5 xuống 0, trộm cắp từ 8 giảm còn 4, tội phạm ma túy và mại dâm đã không còn xuất hiện. Một viên cảnh sát cho biết. “Tôi không thể nói những gì thuộc về nó, nhưng đó là những con số tích cực.”
Vina Võ, một người Mỹ gốc Việt thường xuyên viếng thăm Pháp Duyên Tự cho biết, cộng đồng địa phương đã chấp nhận ngôi đền này. “Có rất nhiều người đến và có lẽ họ không phải là người theo Phật giáo.” Con trai bà chia sẻ. “Nhưng họ hay đến đây để trò chuyện, và có thể họ sẻ trở thành một Phật tử trong tương lai. Mọi người đều được chào đón.”
Nguồn: buddhistdoor.net – Ảnh: spiritualedge.org