Nổi da gà (goosebumps) là một phản xạ tự động của cơ thể mà không cần bạn suy nghĩ về nó. Phản xạ đặc biệt này được gọi là phản xạ pilomotor (dựng lông). Và con người không phải là động vật có vú duy nhất có phản ứng này.
Các phản xạ dựng lông ở động vật thường có tác dụng làm cho con vật trông lớn hơn. Điều này có thể giúp chúng “trông đáng sợ hơn” để xua đuổi những kẻ thù tiềm năng, giúp chúng có thêm thời gian để suy nghĩ xem nên “chiến đấu hoặc chạy trốn”.
Ví dụ, khi nhím bị đe doạ, lông của chúng sẽ dựng đứng lên. Tương tự như vậy, bạn có thể đã thấy lông của một con mèo hoặc con chó dựng lên khi chúng cảm thấy nguy hiểm hoặc sợ hãi.
Đối với con người, nổi da gà là một hiện tượng được truyền lại từ thời kỳ “lông lá”. Chúng ta phản ứng như vậy khi gặp lạnh, sợ hãi hoặc có cảm xúc mãnh liệt khác. Cụ thể, khi chúng ta bước vào phòng lạnh hoặc đột nhiên gặp một con gấu xám đang tiến về phía mình…
Trong những trường hợp như vậy, vùng dưới đồi của não (hypothalamus) sẽ được kích hoạt và ra hiệu cho cơ thể sản xuất adrenaline, hormone bất an này khiến các cơ ở phần chân lông co lại và dựng lên.
Ngày nay, con người không còn lớp lông dày che phủ vì khí hậu ấm dần lên, do đó những gì chúng ta thấy chỉ là nổi da gà. Nhưng thời xa xưa, phần lông dựng đứng sẽ giúp giữ lại một lớp không khí ngăn cách chúng ta với cái lạnh. Ngoài ra, phản ứng xù lông giúp người tiền sử trông to lớn hơn trước động vật săn mồi.
Tại sao chúng ta lại gọi đó là hiện tượng nổi da gà? Bởi vì khi chúng ta trải nghiệm hiện tượng này, da của chúng ta sẽ trông giống như da của con gà khi bị vặt hết lông!
Hoa Sen Phật – Theo: Smithsonian