Tín ngưỡng tôn thờ xá lợi đã có từ thời Đức Phật Thích Ca, nhất là sau khi Phật nhập niết bàn và hỏa thiêu xuất hiện rất nhiều viên ngọc lấp lánh. Kể từ đó, các Phật tử thường xuyên đến chùa để chiêm ngưỡng xá lợi, đảnh lễ xá lợi, rước xá lợi hay xây tháp cúng dường xá lợi Phật.
Một số người tin rằng, xá lợi Phật còn có thần lực bên trong, có khả năng chữa bệnh cho những ai thành tâm cầu khẩn. Vậy xá lợi Phật là gì và có từ đâu? Tại sao chỉ có các vị tu sĩ mới có xá lợi còn người bình thường thì không? Hãy cùng HoaSenPhat tìm hiểu về những bí ẩn xung quanh các hạt tinh thể thiêng liêng này nhé!
Nội dung bài viết
Xá lợi Phật là gì?
Xá lợi Phật hay xá lị Phật (tiếng Phạn: sarira – sharira) có nghĩa đen là “những hạt cứng”, nhưng khi được sử dụng trong các văn bản Phật giáo nó có nghĩa là “di vật” hay “mẫu vật”.
Ban đầu khi nhắc đến xá lợi, người ta thường nghĩ đến xá lợi của Phật Thích Ca. Về sau, một số vị cao tăng đắc đạo sau khi chết cũng đã để lại những viên ngọc kỳ lạ này. Đây được cho là biểu hiện trình độ tâm linh của các vị tu sĩ Phật giáo.
Xá lợi được biết đến là những hạt tinh thể nhỏ long lanh nhiều màu sắc như ngọc, lửa đốt không cháy, búa đập không vỡ. Chúng được tìm thấy sau khi thân thể của các nhà sư được hỏa thiêu. Tại Hàn Quốc, những mảnh xương không bị cháy được đặt sang một bên để nghiền nhỏ, trộn với bột rồi rải xuống đất hay dòng sông. Tuy nhiên, một số viên đá kỳ lạ được gọi là xá lợi nổi bật như những viên ngọc trai, hổ phách hoặc tinh thể màu sẽ được giữ lại.
Thật thú vị, dường như những viên xá lợi không thuộc về cơ thể, nó không phải là xương hay xác thịt! Thay vào đó, ngọc xá lợi được xem như là sự chưng cất cuối cùng của một đời sống Phật giáo sống động, một sự biểu lộ vật chất của đạo đức, trí tuệ và lòng tận tụy.
Người ta tin rằng, vẻ đẹp của các hạt xá lợi phụ thuộc vào mức độ chứng ngộ mà các bậc thầy đã đạt được. Các viên ngọc xá lợi thường được trưng bày trong một cái bát, chén thủy tinh hoặc tòa tháp bằng vàng nhỏ cũng như được trang trí bên trong bức tượng của các cao tăng đã qua đời.
Trong một số trường hợp đặc biệt, hạt xá lợi được cho là phát triển từ cơ thể người sống, thường là ở đỉnh cao của một kinh nghiệm tôn giáo.
Ví dụ, một tu sĩ Tây Tạng có tên là Choying Dorje Rinpoche đã dành 45 năm để hành thiền về tình yêu và niềm vui. Vào cuối đời, khoảng 2.000 viên ngọc xá lợi được cho là xuất hiện trên tóc của ông ấy.
Tùy thuộc vào phần nào của cơ thể mà xá lợi phát triển, màu sắc và kích cỡ có thể khác nhau, mỗi cái có một cái tên truyền thống khác biệt.
Ví dụ, xá lợi màu vàng có kích thước bằng hạt mù tạt được gọi là churira và có nguồn gốc từ gan. Trong khi đó, những viên màu trắng có liên quan đến vùng đầu, và xá lợi nyarira xuất hiện từ mô phổi.
Giống như bất kỳ di vật tâm linh khác, rất nhiều câu chuyện huyền bí đã được chia sẻ xung quanh nó. Ngọc xá lợi được biết đến như một viên ngọc bí ẩn nhất thế giới. Nó có thể lớn hơn hoặc nhỏ đi tùy thuộc vào sự tinh khiết của người đang giữ nó. Các Phật tử tin rằng, khi được đặt trên đầu, ngọc xá lợi có khả năng chữa lành bệnh tật và thanh lọc cơ thể. Dạo gần đây, một số người còn nhờ các nhà sư trì thần chú vào các viên xá lợi để mang bên mình như bùa hộ mạng.
Giả thuyết về sự hình thành xá lợi Phật
Theo TS. Đỗ Kim Cường được chia sẻ trên báo Công an TP.HCM, hiện có ba giả thuyết về sự hình thành các hạt xá lợi là:
- Sức mạnh tinh thần, trí tuệ và lòng từ bi của các bậc cao Tăng kết thành xá lợi sau khi chết
- Thói quen ăn chay trường trong nhiều năm và ngồi thiền hấp thụ năng lượng vũ trụ
- Bệnh lý
Tuy nhiên, các giả thuyết này gặp nhiều phản biện như: Tại sao nhiều vị cao Tăng khác cũng ngồi thiền, ăn chay…mà không có xá lợi khi hỏa táng?
Điều này đã được hé lộ khi ba nhà vật lý Holden, Phakey và Clement thuộc đại học Monash, bang Victoria, Úc, thực hiện các nghiên cứu.
Trong quá trình hỏa táng, các tinh thể hình dạng khác nhau sẽ được hình thành nếu hỏa táng ở nhiệt độ thích hợp. Trên tạp chí Khoa học pháp y quốc tế số tháng 6/1995, họ cho biết đã dùng kính hiển vi điện tử quét để theo dõi quá trình tinh thể hóa xương đùi của những người từ 1 tới 97 tuổi trong dải nhiệt độ 200 – 1.600°C trong khoảng thời gian 2, 12, 18 và 24 giờ.
Kết quả là sự tinh thể hóa các khoáng trong xương (chiếm 2/3 trọng lượng xương) bắt đầu xuất hiện từ nhiệt độ 600°C với nhiều hình dạng khác nhau: hình cầu, lục giác, hạt nhỏ và hình dạng không đều.
Các hạt nhỏ đó có thể kết tinh thành các khối lớn hơn trong khoảng 1.000 – 1.400°C. Và khi nhiệt độ đạt tới 1.600°C, các khối tinh thể bắt đầu tan rã. Như vậy, nếu điều kiện hỏa táng thích hợp, xá lợi có thể xuất hiện do quá trình tinh thể hóa các khoáng vốn có rất nhiều trong xương người.
Vậy tại sao người bình thường không có xá lợi? Chúng ta có thể trả lời bằng cách hỏi ngược lại: Vậy tại sao không phải vị cao Tăng nào cũng có xá lợi? Câu trả lời là nếu nhiệt độ hỏa táng ban đầu khoảng 600°C, sau đó tăng lên 1.000°C, nhiều khả năng các khối tinh thể sẽ xuất hiện, miễn là nhiệt độ không quá cao.
Như vậy việc hình thành xá lợi có thể là sự kết hợp của cả ba giả thuyết: ăn chay và ngồi thiền; sỏi bệnh lý; và sự tinh thể hóa xương khi điều kiện hỏa táng phù hợp. Theo TS. Cường, đây là giả thuyết thuyết phục nhất mà chúng ta có hiện nay.
Góc nhìn khoa học về xá lợi Phật
Trong các nghiên cứu của khoa học về xá lợi, những người bình thường khi hỏa táng cũng cho ra những viên đá tương tự nhưng chỉ qua mấy trăm độ C là đã thành tro bụi. Ngược lại, các viên xá lợi của các vị cao tăng đắc đạo thì nung 1.000 độ C vẫn không tan chảy!
Để lý giải cho điều này, những người hoài nghi đã đưa ra rất nhiều giải thích khoa học về xá lợi. Chúng có thể chỉ là những khoáng chất tự nhiên tích tụ trong cơ thể con người (như sỏi mật hay sỏi thận) mà chúng ta thường không quan tâm đến việc tìm kiếm trong lò hỏa táng. Hoặc chúng có thể là cấu trúc tinh thể hình thành theo các điều kiện nung nóng dưới nhiệt độ cao.
Có bằng chứng cho thấy, trong một số điều kiện nhiệt độ, xương người có thể hình thành cấu trúc tinh thể. Ngọc xá lợi được cho là xuất hiện sau khi hỏa táng, vì vậy, đây có thể là cơ chế mà chúng được tạo ra. Trong một phân tích hóa học, xá lợi bao gồm các thành phần của xương và đá, nhưng cũng có tóc, thịt và máu kèm theo.
Nhà vật lí thuộc Đại học Stanford, William A. Tiller và một nhóm các nhà nghiên cứu khác đã tìm hiểu về nguồn năng lượng xung quanh các hạt xá lợi.
Nisha J. Manek đã báo cáo nghiên cứu tại “Hội thảo về Khoa học Tâm thức” thường niên tại Đại học Arizona vào năm 2012. Tiến sĩ Manek đã hoàn thành chương trình đào tạo đặc biệt tại Đại học Stanford. Bà là một nhà khoa học lâu năm, và là thành viên của khoa y học Mayo trước khi bắt đầu công việc của mình tại Viện nghiên cứu khoa học thần kinh của Tiller.
Manek không phải là một tín đồ Phật giáo đã giải thích những gì mà bà cảm nhận khi tiếp xúc với ngọc xá lợi:
“Tôi cảm thấy một bức xạ hữu hình của năng lượng tinh tế chảy từ các viên xá lợi hướng đến trung tâm trái tim tôi. Nó mang tính cá nhân và riêng tư, nhưng nó cho thấy một sự “Nhất thể” hay đồng nhất với mọi người và vạn vật. Không có thứ gì tương tự như vậy trong các trải nghiệm thông thường.”
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp do Tiller phát triển để đo lường một cách khách quan những gì mà Manek cảm nhận. Họ muốn biết chắc nguồn năng lượng đó xuất phát từ các hạt xá lợi hay chỉ là một nhận thức chủ quan của Manek.
Giáo sư Tiller đã nghiên cứu các tác động vật lý có thể ảnh hưởng đến ý thức con người. Ông cho rằng, có hai loại vật chất. Một là loại chúng ta có thể đo lường với các cảm biến thông thường của chúng ta. Ông mô tả chất này ở cấp độ nguyên tử điện / phân tử. Loại kia tồn tại trong không gian giữa các nguyên tử và phân tử.
Con người thường không thể cảm nhận được loại vật chất thứ 2 mà Tiller mô tả là có trạng thái năng lượng khí động lực học cao và vô cùng mạnh mẽ. Tiller nói rằng, ông đã tìm ra cách để phát hiện ra chất này, nhưng chỉ khi nó giao thoa hoặc tương tác với các loại nguyên tử điện / phân tử chúng ta có thể nhận biết và đo lường. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng xảy ra vì hai chất này thường tồn tại tách biệt.
Ý đồ của ông là kích hoạt một loại vật chất trung gian được gọi là hạt deltrons. Các deltron sẽ tạo thuận lợi cho sự tương tác giữa hai loại vật chất này.
Nghiên cứu của Tiller và Manek về ngọc xá lợi cho thấy, những di vật này đã bị ảnh hưởng bởi ý nghĩ của con người.
Mặc dù chúng tôi không thể nghiên cứu chi tiết các vật thể để có thể đưa kết luận chính xác. Nhưng dường như có một loại năng lượng nào đó tương tác qua lại giữa xá lợi và con người.
Trong trường hợp của xá lợi Phật trải qua hàng ngàn năm, lòng tôn kính đã giữ nó tồn tại, nếu không, có thể di vật sẽ biến mất.
Báo cáo cũng cho biết, các phân tử, nguyên tử trong không gian xung quanh các hạt xá lợi được sắp xếp chặt chẽ hơn môi trường bình thường.”
Các nghiên cứu của GS Tiller và bác sĩ Manek cho thấy, hạt xá lợi có thể tồn trữ một năng lượng nhất định và có thể ảnh hưởng đến người thờ phượng, nhưng nguồn năng lượng này một phần cũng có thể là do người thờ phượng truyền sang chúng.
Ngọc xá lợi vẫn còn là một bí ẩn. Có vẻ như việc hỏa táng của những người bình thường không để lại những hạt kỳ lạ như vậy. Ngày nay, Các trang mua bán trên mạng tràn ngập những vật được cho là xá lợi được bán với giá chỉ 10 đô la. Một tổ chức Phật giáo đã bán bộ sưu tập xá lợi với giá 4.000 USD để duy trì hoạt động.
Lợi ích khi chiêm bái và tôn thờ xá lợi Phật
Theo nhiều bậc đạo sư thì xá lợi là kết quả của quá trình tu hành khổ luyện nhiều năm. Những bậc cao Tăng có tấm lòng từ bi vĩ đại cũng như trí tuệ minh triết mới kết tụ thành xá lợi.
Do đó, Phật tử nào có dịp chiêm bái hay thỉnh xá lợi về tôn thờ sẽ giúp ích rất nhiều trên con đường tu tập. Xá lợi được cho hiện thân của chư Phật, của các bậc cao Tăng nên Phật tử tôn thờ xá lợi sẽ nhìn đó mà noi gương tu hành tinh tấn.
Ngoài ra, khi thỉnh xá lợi về nhà để tôn thờ thì không gian nhà sẽ hấp thụ được nguồn năng lượng vô cùng tích cực và bình an từ viên xá lợi lan tỏa ra. Gia chủ, vợ chồng con cái trong nhà đều hòa thuận, mạnh khỏe và yên vui.
Theo nhiều người kể lại, các viên ngọc xá lợi có thể biến hóa thành nhiều màu khác nhau, từ nhỏ thành lớn, đục trành trong khi đem về nhà thờ phượng một khoảng thời gian. Sự biến hóa kỳ diệu này được nhiều người tin rằng đến từ sự thành tâm lễ bái cũng như tinh tấn tu tập của gia chủ.
Ngôi chùa có nhiều viên xá lợi Phật nhất Việt Nam
Hiện nay ở Việt Nam ta, ngôi chùa tôn thờ nhiều viên ngọc xá lợi nhất là chùa Viên Đình ở xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội. Đây được xem là bảo tàng xá lợi Phật và thánh Tăng lớn nhất và độc đáo nhất Việt Nam, với hơn 30 ngọn tháp chứa đựng hàng ngàn viên xá lợi do nhiều trung tâm Phật giáo trên thế giới trao tặng.
Mỗi tháp chứa hàng chục đến hàng trăm viên xá lợi to nhỏ khác nhau, từ xá lợi máu, xá lợi tóc, xá lợi xương… của các vị cao tăng Phật pháp, với nhiều xuất xứ khác nhau đến từ 8 quốc gia trên thế giới. Trong đó phải kể đến viên xá lợi Phật quý hiếm của Đức Thích Ca Mâu Ni lịch sử được thỉnh từ Nepal do Hòa thượng Thích Huyền Diệu cúng dường.
Theo lời trụ trì Thích Chơn Phương, xá lợi là hiện thân kỳ diệu của Đức Phật và các vị cao tăng đắc đạo, nơi nào có xá lợi thì đất đai ở đó màu mỡ, cây cối tươi tốt, dân chúng no ấm, đủ đầy. Tùy theo công phu tu tập và sinh khí mỗi vùng mà các hạt xá lợi mang màu sắc khác nhau. (Theo btgcp.gov.vn).
Nguồn gốc của xá lợi Phật
84.000 di vật trong đó có nhiều viên xá lợi được tìm thấy sau khi hỏa táng thân thể của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Năm 259 TCN, vua Asoka (A Dục Vương) thống nhất các quốc gia láng giềng và xem Phật giáo là tôn giáo chính. Ông tổ chức Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ 3 để thu thập, biên tập và xuất bản các giáo lý của Đức Phật.
Ông cũng quyết định đưa các di vật và xá lợi Phật đến các khu vực khác nhau trong và ngoài nước để phổ biến Phật giáo trên toàn thế giới.
Vào năm 240 TCN, một nhóm gồm 18 nhà sư và các tín đồ đã mang 19 phần di vật đến Trung Quốc. Trong hành trình của họ, Đức Phật trong hình thái tinh thần của mình đã nói với họ rằng họ phải giấu các di vật đi, và chỉ để lộ sau khi người Trung Quốc chấp nhận Phật giáo. Các nhà sư sau đó theo hướng dẫn và chôn các hạt xá lợi Phật trong “ngôi mộ thiêng liêng”.
Họ đến Trường An và gặp Tần Thủy Hoàng. Thật không may, họ bị cáo buộc là “gây rối loạn trong quần chúng và âm mưu phá hoại vương triều”. Triều đình đã đốt tất cả các kinh điển và xử lý chúng như rác.
Sau đó, một vị tướng trên trời (Vajra trong tiếng Phạn) đột nhập vào nhà tù và giải cứu 18 người. Họ quyết định chia thành bốn nhóm và truyền bá đạo Phật trong bí mật theo bốn hướng với thủ đô Trường An là trung tâm.
Họ hẹn gặp nhau hàng năm tại “ngôi mộ thiêng liêng” vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, tức là ngày sinh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Các nhà sư báo cáo, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm của họ trong việc giảng dạy Phật Pháp.
Các nhà sư chỉ có thể truyền dạy giáo pháp bằng miệng vì các kinh điển đã bị tiêu hủy. Cuối cùng, cái chết của họ đã kéo theo bí mật về “ngôi mộ thiêng liêng” cất giấu những viên xá lợi Phật. Phật giáo đã không thể đạt được một nền tảng vững chắc ở Trung Quốc tại thời điểm đó. Những viên xá lợi chỉ được tìm thấy vài trăm năm sau khi Phật giáo được chấp nhận tại quốc gia rộng lớn này.
Ngày nay, nhiều Phật tử từ Đông cho đến Tây bán cầu thường chiêm ngưỡng xá lợi, rước xá lợi, cung thỉnh xá lợi, đảnh lễ xá lợi và xây tháp cúng dường xá lợi Phật để bày tỏ lòng tôn kính. Hy vọng những thông tin mà HoaSenPhat cung cấp có thể giúp bạn hiểu hơn về xá lợi Phật cũng như những bí ẩn xung quanh nó.