Bạn có bao giờ nhìn thấy đám cưới được tổ chức trong chùa chưa? Hoặc bạn đã bao giờ trực tiếp tham gia lễ thành hôn của người thân, bạn bè được tổ chức tại chùa? Quý độc giả cùng HoaSenPhat tìm hiểu về chủ đề thú vị này nhé!
Nội dung bài viết
Lễ hằng thuận là gì?
Lễ hằng thuận là tên gọi của lễ cưới được tổ chức tại chùa theo nghi thức Phật giáo. Có thể bạn sẽ thắc mắc: Tại sao trong chùa, nơi những người xuất gia lại tổ chức lễ cưới? Câu trả lời hoàn toàn đến từ trách nhiệm hoằng pháp của đạo Phật.
Đó là truyền dạy những điều tốt đẹp, những hướng dẫn và lời khuyên hữu ích được trích dẫn từ giáo lý Phật giáo để đến với các cặp đôi vợ chồng, gia đình và bạn bè tới tham dự buổi lễ. Điều này nhằm mang lại năng lượng bình an, hòa thuận và hạnh phúc đến với mọi người, dạt dào tình yêu thương tôn trọng hiểu biết lẫn nhau trong quan hệ hôn nhân và gia đình.
Nguồn gốc của lễ hằng thuận
Lễ hằng thuận đã xuất hiện từ thời Đức Phật còn tại thế. Đó là khi Đức Phật cùng tăng đoàn được thỉnh vào Vương thành Ca Tì La Vệ để làm chứng cho hôn lễ của Vương tử Mahanama.
Còn ở Việt Nam ta, theo nhiều nguồn tư liệu thì người khởi xướng nghi lễ hằng thuận là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940), quê tại Hải Dương và có bút hiệu là Đồ Nam Tử. Ông là một nhà nho yêu nước, sau quy y đạo Phật. Với lòng mong ước phụng sự đạo pháp, cụ Nguyễn Trong Thuật đã nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa nhằm mang lại lợi ích cho đời sống hôn nhân và gia đình của người Phật tử.
Vào năm 1930, lễ thành hôn của con gái đầu lòng bác sĩ Lê Đình Thám (1897 – 1969) đã diễn ra tại chùa Từ Đàm, Huế. Đây được xem là lễ hằng thuận đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã chính thức đặt tên cho lễ cưới được tổ chức tại chùa là lễ hằng thuận.
Ý nghĩa của lễ hằng thuận
Theo tên gọi, từ “hằng” có nghĩa là vĩnh hằng, vững bền hay mãi mãi. Còn từ “thuận” có nghĩa là hòa thuận, đồng thuận cùng nhau hướng về những điều cao quý, chân thiện mỹ theo tinh thần của đạo Phật.
Vì vậy, ý nghĩa của lễ hằng thuận là để đôi vợ chồng nói lời cam kết cùng nhau hỗ trợ, sẻ chia, kính nhường lẫn nhau để cuộc sống hôn nhân và gia đình mãi mãi hạnh phúc như mong ước của cặp đôi, người thân và tất cả mọi người.
Khi tham dự lễ hằng thuận tại chùa, đôi vợ chồng sẽ được quý Thầy chia sẻ những gì nên và không nên làm để cuộc sống hôn nhân luôn vững bền. Cùng nhau làm tròn trách nhiệm của người vợ, người chồng – chia sẻ tình yêu thương, thấu hiểu và cảm thông cùng nhau đi hết trọn đường đời.
Khi tổ chức lễ cưới tại chùa, quý Thầy sẽ tạo mọi điều kiện để cô dâu và chú rể đảnh lễ chư Phật, quy y Tam Bảo, được chư tăng chứng minh hôn sự trong bầu không khí trang nghiêm và thiêng liêng. Đặc biệt, đôi uyên ương cùng toàn thể gia đình và bạn bè sẽ được quý Thầy hướng dẫn đạo lý vợ chồng theo như lời Phật dạy trong kinh Thiện Sanh và kinh Ca Thi La Việt…
7 điều cần lưu ý khi tổ chức lễ hằng thuận tại chùa
- Thông báo với nhà chùa về việc hai bạn đã có pháp danh hay chưa. Nếu chưa có, cặp đôi có thể được làm lễ quy y trước lễ hằng thuận hoặc cũng có thể tiến hành phần này trong khi diễn ra hôn lễ.
- Nên tổ chức lễ hằng thuận ở nơi cô dâu chú rể đã từng quy y vì có thể đây sẽ là nơi quen thuộc với cả hai. Uyên ương sẽ cảm thấy yên tâm và thoải mái hơn.
- Hai bạn nên đến chùa trước để thống nhất vể những hạng mục cần chuẩn bị. đảm bảo đúng với mong muốn của mình.
- Thông thường, nghi lễ này sẽ được các vị chư tăng và Phật tử chuẩn bị giúp. Tuy nhiên, nhà chùa vẫn cho phép bạn chọn màu sắc, kiểu dáng, loại hoa bạn yêu thích hay bánh, trà dùng nhẹ khi kết thúc lễ.
- Cặp đôi có thể tham gia các khâu chuẩn bị này ngay từ đầu để đảm bảo mọi việc đều diễn ra đúng theo mong muốn. Nếu không có thời gian, bạn có thể trao đổi với những cặp đôi đã tổ chức trước tại chùa để tham khảo.
- Nhắc nhở khách mời về trang phục dự lễ hằng thuận kín đáo, trang trọng và lời nói nhỏ nhẹ, từ tốn để giữa không khí trang nghiêm cho buổi lễ.
- Một số chùa chỉ thực hiện nghi lễ cho cô dâu chú rể rồi phục vụ trà bánh nhẹ, không tổ chức tiệc mời khác trong khuôn viên chùa. Vì thế, bạn có thể đặt tiệc chay ở nơi khác hay chọn một ngôi chùa có tổ chức lễ Hằng Thuận cùng tiệc mời khách nhé.
Chi phí tổ chức lễ hằng thuận
Chi phí để tổ chức lễ hằng thuận tùy thuộc vào tính long trọng hay đơn giản mà gia đình lựa chọn. Trước hết, gia đình cần chuẩn bị một khoản tiền để trang trí chánh điện sao cho phù hợp với gia đình dựa trên tinh thần của đạo Phật. Chi phí cho khâu chuẩn bị này thường dao động trong khoảng từ 2 đến 3 triệu đồng.
Khi tổ chức lễ hằng thuận, gia đình sẽ chọn hình thức cúng dường: Tam Bảo hay Trai Tăng. Cúng dường Tam Bảo là hai gia đình sẽ công đức một khoản chi phí cho nhà chùa để chuẩn bị hoa quả và nhang đèn. Việc gửi phong bì riêng cho các quý Thầy thực hiện hôn lễ gọi là cúng dường Trai Tăng (mỗi phong bì khoảng 5 triệu đồng tùy theo các chùa).
Chi phí lễ hằng thuận tiếp theo mà các đôi cần quan tâm là chí phí mua trà, bánh hay cơm chay sau lễ. Thông thường, các gia đình sẽ chọn cơm chay để mời các tăng ni cùng các vị khách quý tham gia. Mỗi mâm cỗ chay thường dao động trong khoảng từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Các chùa có tổ chức lễ hằng thuận
Nếu các bạn không biết chùa nào có tổ chức lễ hằng thuận thì hãy tham khảo danh sách sau đây nhé!
Khu vực Hà Nội:
- Thiền viện Sùng Phúc: Tổ 10, Phường Cự Khối, Quận Long Biên.
- Chùa Đình Quán: Phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm.
- Chùa Lý Triều Phúc Sư: 50 Lý Quốc Sư, Quận Hoàn Kiếm.
- Chùa Quán Sứ: 73 Quán Sứ, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm.
- Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên: Xã Đại Đình, Huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh:
- Chùa Vĩnh Nghiêm: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 14, Quận 3.
- Chùa Pháp Hoa: 220A Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3.
- Chùa Giác Ngộ: 92 Nguyễn Chí Thanh, Phường 3, Quận 10, Hồ Chí Minh
- Chùa Định Thành: 629 Cách Mạng Tháng 8, Phường 15, Quận 10.
- Chùa Viên Giác: 193 Bùi Thị Xuân, Phường 1, Quận Tân Bình.
- Chùa Hoằng Pháp: 188/8 Tân Thới 3, Xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn.
Nhìn chung, lễ hằng thuận là cây cầu nối giữa đạo và đời, là sự hòa quyện của văn hóa truyền thống, của đạo đức dân tộc và văn hóa tâm linh của Phật giáo. Là một nét đẹp văn hóa đặc thù của Phật giáo trong phong tục cưới hỏi dành cho Phật tử tại gia.
Đây là lợi ích vô cùng to lớn, viên đá đầu trên mà đôi vợ chồng cùng nhau xây dựng để đời sống hôn nhân và gia đình luôn được thuận hòa. Lợi ích của lễ hằng thuận không chỉ gói gọn cho cặp đôi uyên ương, mà nó còn lan tỏa đến tất cả mọi người tham gia hôn lễ, một nguồn năng lượng mới bình an và hạnh phúc.