Hội chứng Capgras là một bệnh lý nói về trạng thái ảo giác, hoang tưởng của những người mắc phải khi họ tin rằng, một người nào đó giống y chang mình đang đứng sau tấm gương.
Hoặc những người thân trong gia đình đã bị thay thế bởi một người khác giống y hệt. Một nhân bản giống nhau về hình dạng, cử chỉ…nhưng không thực sự là họ.
Một trường hợp đáng sợ được đăng trên tạp chí Neurocase mô tả một người đàn ông tin rằng, sự phản chiếu của ông là một người khác sống sau tấm gương trong nhà tắm.
Bệnh nhân B, một người đàn ông Pháp 78 tuổi, đã được đưa vào khoa thần kinh tại Tours:
Trong 10 ngày trước đó, ông B đã báo cáo với chính quyền về sự hiện diện của một người lạ mặt trong căn nhà của ông, người đứng phía sau tấm gương của phòng tắm với hình dạng rất giống ông. Người đó có cùng kích thước, cùng một kiểu tóc, hình dạng cơ thể, mặc cùng một bộ quần áo, và hành động theo cùng một cách.
Ông B nói chuyện với người lạ mặt này và cảm thấy bối rối vì người đó biết rất nhiều về ông. Ông B thậm chí đã mang thức ăn đến gương để 2 người cùng ăn và trò chuyện. Cuối cùng, người lạ mặt trở nên hiếu chiến, và con gái của ông B đã quyết định đưa cha đến bệnh viện. Sau khi điều trị, ông B đã được định hướng tốt và hoàn toàn có thể nhận ra các thành viên trong gia đình của mình.
Tại bệnh viện, các cuộc thử nghiệm cho thấy ông B có thể mặc phải bệnh Alzheimer (teo não – suy giảm trí nhớ). Ông ấy đã được kê toa thuốc, bao gồm thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần. Ba tháng sau, việc hồi phục đã hoàn tất, ảo giác đã biến mất nhưng ông B lại giải thích rằng, người bạn giống ông đã bỏ đi. Do đó, Capucine Diard-Detoeuf và các đồng nghiệp mô tả điều này như là một trường hợp của “hội chứng Capgras”.
Hội chứng Capgras (ảo giác nhân đôi) hay hoang tưởng Capgras là một chứng bệnh lạ gây rối loạn nhận diện. Người mắc phải bệnh này có ảo tưởng sai lầm về những vấn đề, con người và sự vật xung quanh họ.
Một người mắc phải hội chứng Capgras có niềm tin rằng, một người nào đó, thường là vợ/chồng hoặc người thân đã được thay thế bằng một người khác giống y chang. Ông B tin rằng, hình ảnh của ông thực sự là một nhân bản của chính ông.
Diard-Detoeuf cho biết, đã có hai trường hợp trước đây của nhân bản Capgras, bao gồm một báo cáo vào năm 1989 về “một người phụ nữ 77 tuổi bị teo cơ mặt nói chuyện với một đôi của mình trong gương.”
Hội chứng Capgras khác biệt với “phản ánh sai lầm”, một triệu chứng có thể xảy ra với người cao tuổi bị chứng mất trí, trong đó bệnh nhân nghĩ rằng sự phản chiếu của họ là một người khác.
Trong hội chứng đó, sự phản chiếu có thể được xem như là một người lạ. Tuy nhiên, ông B biết rằng người đàn ông trong gương giống như ông nhưng là một người khác. Nói cách khác, ông không hiểu sai về sự phản chiếu của gương như bất cứ ai. Thay vào đó, ông ấy nhìn thấy người đàn ông trong gương như là một nhân bản, giống nhau nhưng là một cá thể độc lập không phải là sự phản chiếu.
Điều này rất thú vị! Hầu hết động vật đều không vượt qua được phép thử nhân bản và không thể nhận ra những hành động của chúng trong gương. Đối với chúng, sự phản chiếu dường như là một con vật khác đang hiện diện.
Các nhà nghiên cứu có thể nhận ra một số bệnh lý có thể làm cho một người thất bại trong cuộc thử nghiệm nhân bản. Sự khác biệt là con người có khao khát tìm câu trả lời, vì vậy, khi bạn tin rằng bạn không phải là người trong gương, điều này cần phải được giải thích bằng cách nào đó.
Ví dụ: Tại sao lại có một người lạ mặt đằng sau tấm gương trong nhà tắm của mình? Động vật không cần phải làm điều này, nhưng con người thì khác, chúng ta khao khát một câu trả lời thỏa đáng. Và câu giải thích đơn giản nhất là người đó thực sự đang đứng sau tấm kính, và tấm kính là một màng ngăn giữa hai thế giới hoặc chiều không gian khác.
Hội chứng Capgras được đặt tên theo nhà khoa học tìm ra nó – Joseph Capgras (1873 – 1950). Năm 1923, Joseph và cộng sự Reboul-Lachaux lần đầu tiên miêu tả trong bệnh án về trường hợp một người phụ nữ tên M mắc chứng bệnh được xếp vào mục hoang tưởng.
Theo đó, cô M một mực cho rằng con, chồng cô, hàng xóm đã bị bắt cóc và thay thế bằng một bản sao y hệt. Cô M cũng tự nhận mình là con cháu trực hệ của vua Louis XVIII, nữ hoàng Ấn Độ và là công tước Salandra. Tuy có thể nhận diện khuôn mặt nhưng cô M lại gặp rất nhiều vấn đề trong việc liên tưởng khuôn mặt đấy với người thân.
Cô biết người đó rất giống chồng cô nhưng lại chắc chắn anh ấy không phải là người mà mình đã cưới. Năm 1942, Capgras cũng gặp trường hợp một cô gái khăng khăng cho rằng bố mình là một kẻ giả mạo.
Capgras đã kết luận: Ảo tưởng này đến từ những cảm xúc “sai trái” mà cô dành cho bố, nó khiến cô ám ảnh người đó không thực sự là bố mình. Vài năm sau, một đồng nghiệp của Capgras đã đề xuất đổi tên từ “Bệnh ảo tưởng” thành “Hội chứng Capgras”.
Thông thường, các bênh nhân mắc hội chứng này sẽ nhìn thấy ảnh phản chiếu trong gương là một người rất nham hiểm, một kẻ rình rập để chờ cơ hội nhảy vào thay thế họ. Do đó, người thân của một số bệnh nhân phải dùng vải che gương và các dụng cụ phản chiếu khác để họ không bị kích động khi thấy một người lạ nham hiểm đằng sau nó!
Hoa Sen Phật – Tham khảo: discovermagazine.com – Ảnh reika-kuze