Hiện tượng bóng đè hay ma đè là một điều rất đáng sợ đối với hầu hết mọi người. Trong trạng thái đó, bạn biết bạn đang ngủ, bạn cố gắng thức dậy nhưng không thể. Nó thường đi kèm với một cảm giác ghê rợn và đáng sợ lấn áp hoàn toàn tâm trí của bạn. Các nền văn hoá đã đưa ra rất nhiều giải thích siêu nhiên cho hiện tượng huyền bí này.
Tuy nhiên, có một lời giải thích hoàn toàn khoa học dành cho nó được gọi là hội chứng tê liệt trong khi ngủ. Một số người thức dậy nhưng vẫn còn trong trạng thái thôi miên, do đó, cái trí mơ mộng phải đối mặt với những kích thích từ thế giới thực. Trong cả hai trường hợp, những giấc mơ trong có vẻ chân thật, mang một cảm giác sinh động, ảo giác, có thể là dạng âm thanh như tiếng ồn hay tiếng khóc của một đứa trẻ.
Liệu đây có phải là hiện tượng bí ẩn, một bóng ma đang ngồi lên ngực của mình? Chúng ta phải làm gì để thoát khỏi trạng thái ghê rợn này? Hãy đọc bài viết sau đây để hiểu rõ về hiện tượng bóng đè và các phương pháp giúp thoát khỏi hiện tượng này nhé!
Nội dung bài viết
Bóng đè thật sự là gì?
Hiện tượng bóng đè trong y học được gọi chứng tê liệt trong khi ngủ (tiếng Anh: sleep paralysis), một trạng thái mà người bệnh vẫn có thể nhận thức được những gì đang diễn ra nhưng họ không thể cử động cơ thể, một cái gì đó vô hình đang đè lên ngực khiến họ cảm thấy bị nghẹt thở.
Tê liệt giấc ngủ không đe dọa đến mạng sống nhưng nó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của người thường xuyên gặp phải tình trạng này. Nó có thể xảy ra cùng với các rối loạn giấc ngủ khác chẳng hạn như chứng ngủ rũ.
Hiện tượng này thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên và trở nên thường xuyên hơn trong những năm 20 và 30 tuổi. Tuy nhiên, nó không phải là một căn bệnh nghiêm trọng.
Nó thường xảy ra ngay lúc bắt đầu ngủ hay khi thức giấc, trong khoảng thời gian chuyển giữa ngủ-thức và thường đi kèm với các ảo giác đáng sợ. Người bệnh sẽ trải nghiệm những ảo giác thị giác, thính giác và cả xúc chạm cơ thể. Đây cũng là lý do mà dân gian thường gọi hiện tượng này là do bóng đè, ma đè, một thực thể vô hình nào đó đang ngồi lên cơ thể chúng ta.
Phản ứng tự nhiên của chúng ta để thức dậy là cố gắng cử động. Tuy nhiên, điều này làm tăng nỗi sợ hãi và các ảo giác phát sinh. Trong trạng thái này, những hình ảnh ác mộng xuất hiện để “giải thích” cho những gì đang xảy ra.
Tê liệt giấc ngủ không phải lúc nào cũng gây ảo giác, nhưng nếu có, người bệnh thường thấy hình ảnh đen mờ ảo, bóng ma, bóng người, người ngoài hành tinh, thiên thần, tiên nữ và thậm chí là những người thân đã mất. Hiện tượng bóng đè không xảy ra thường xuyên nhưng có thể bạn sẽ gặp phải tình trạng này ít nhất một lần trong đời.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng bóng đè
Trong khi ngủ, cơ thể bước vào trạng thái thư giãn hoàn toàn, các cơ bắp bị “tắt nguồn” khiến chúng không thể di chuyển để ngăn chúng ta bị thương do những hành động trong giấc mơ. Hiện tượng bóng đè liên quan đến sự gián đoạn hoặc phân mảnh của tiến trình ngủ nhanh (REM – Rapid Eye Movement).
Cơ thể thường chuyển đổi giữa chuyển động nhanh của mắt (REM) và không chuyển động mắt (NREM). Một chu kỳ REM-NREM kéo dài khoảng 90 phút, và phần lớn thời gian ngủ là ở NREM. Trong NREM, cơ thể và tâm trí thư giãn hoàn toàn. Trong tiến trình REM, mắt di chuyển nhanh và tạo ra các giấc mơ nhưng cơ thể vẫn được thư giãn.
Khi bạn ngủ thiếp đi mỗi đêm, xung thần kinh điện bị cắt giữa cơ và não. Bộ não của bạn vẫn có thể cho cơ thể làm việc (ví dụ như chạy trốn khỏi những con quỷ đang rượt bạn chạy quanh nhà) nhưng cơ thể sẽ không đáp ứng.
Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu bạn tỉnh dậy và chu kỳ REM vẫn còn, mặc dù chỉ trong vài giây? Đó là lúc mà bạn đi vào trạng thái của giấc ngủ tê liệt.
Nguyên nhân dẫn đến chứng tê liệt trong khi ngủ là sự chuyển đổi trạng thái giữa REM và thức giấc không đồng bộ khiến ý thức của người đó tỉnh táo, nhưng cơ thể của họ vẫn ở trạng thái thư giãn trong khi ngủ.
Hiện tượng bóng đè có thể là một triệu chứng của các vấn đề y học như trầm cảm, chứng đau nửa đầu, tắc nghẽn giấc ngủ, quá trình ngủ bị phân mảnh, chứng ngủ rũ, cao huyết áp và rối loạn tâm lý, căng thẳng, lo lắng. Di truyền cũng là một trong những yếu tố gây ra hiện tượng này.
Các triệu chứng của bóng đè
Hiện tượng bóng đè, ma đè gây ra nhiều triệu chứng đáng sợ khiến người bệnh nghĩ rằng mình bị hồn ma nào đó đè lên ngực. Sau đây là một số triệu chứng phổ biến của bệnh bóng đè:
- Không thể di chuyển cơ thể khi thức dậy, kéo dài vài giây hoặc vài phút.
- Có âm thanh ồn, bước chân…
- Không thể nói được dù mắt đã mở
- Nhìn thấy ảo giác và cảm giác gây ra sợ hãi, có sự hiện diện vô hình đe doạ trong phòng.
- Cảm thấy áp lực đè lên ngực gây khó thở
- Cảm giác bị quấy rầy, bóp cổ hay bị tấn công tình dục bởi một người ác độc
- Cảm giác như cái chết đang đến gần
- Đổ mồ hôi rất nhiều
- Đau đầu, đau nhức bắp thịt
- Một cảm giác quay tròn, rơi tự do, bay, lơ lửng hoặc một trải nghiệm khác ngoài cơ thể.
Kinh nghiệm của hiện tượng bóng đè đã được ghi nhận trong nhiều thế kỷ. Những người từ các nền văn hoá khác nhau có những kinh nghiệm tương tự.
Hiện tượng bóng đè thường diễn ra ngắn ngủi và không đe doạ đến tính mạng, nhưng đối với người đã trải nghiệm nó có thể là một nỗi ám ảnh kinh hoàng. Đa số những ai thường xuyên trải nghiệm hiện tượng này đều tin rằng nhà của họ bị ma ám.
- Những bước chân nhảy về phía giường là sự biến dạng của âm thanh nhịp tim của bạn đập vào ngực do adrenaline tăng cao.
- Nghe một kẻ tấn công ảo tưởng thở một cách không tự nhiên cũng là điều bình thường. Nó được cho là âm thanh của tiếng thở hổn hển của bạn trong trạng thái hoảng loạn này.
- Cảm giác cơ thể đang bị tê liệt cũng rất thật. Điều này có thể làm cho ngực bạn cảm thấy như bị bóp nghẹt, nhưng hãy nhớ rằng bạn vẫn có thể thở bình thường, bạn vẫn thở khi ngủ mà đúng không?
- Bạn có thể thấy kẻ tấn công vô hình đang nén ngực của bạn. Một lần nữa, đây chỉ là ảo giác mà bộ não đang cố gắng “hợp lý hóa” hơi thở hạn chế của bạn. Trên thực tế, bất kỳ thực thể tà ác nào mà bạn nhìn thấy trong thời gian bị bóng đè là không có thật.
- Bạn có thể cảm thấy như bạn đang bị kéo hoặc đang bay lơ lửng trên giường. Điều này phản ánh sự bám víu của bạn trong tâm trí đối với cảm giác cơ thể thực tế. Khi bạn không thể cảm nhận được cơ thể mình, tâm trí bắt đầu phát minh ra cảm giác đó. Sự trôi nổi này là hoàn toàn bình thường trong những trải nghiệm được gọi là out-of-body.
Hiện tượng bóng đè trong các nền văn hóa
Đây không phải là mối lo ngại của riêng bạn. Tê liệt giấc ngủ đã được mô tả dưới nhiều hình thức và tồn tại trong các câu chuyện dân gian của nhiều nền văn hoá khác nhau trong nhiều thế kỷ, có lẽ là thiên niên kỷ.
Tại Nhật, nó được gọi là “kanashibari”. Tại Newfoundland, nó được gọi là “lũ lùn già” ghé thăm bạn vào ban đêm. Ở Trung Quốc và Việt Nam thì gọi đó là “bóng đè” gây khó thở. Không có gì ngạc nhiên khi các nền văn hoá dân gian bản địa thêu dệt thêm nhiều câu chuyện huyền bí về giấc ngủ tê liệt.
Ở Mỹ, sau khi các câu chuyện về đĩa bay được phổ biến, nhiều người đã báo cáo những vụ bắt cóc của người ngoài hành tinh rất sống động. Người ngoài hành tinh làm họ bị tê liệt và nghiên cứu họ trên giường vào ban đêm, một số còn cho rằng mình đã bị người ngoài hành tinh quan hệ tình dục.
Ở Mêhicô, hơn 90% thanh thiếu niên biết cụm từ “một xác chết đã leo lên trên đầu tôi” để miêu tả cơn ác mộng này. Và trong nền văn hoá Châu Phi, nó được gọi là “những con quỷ cưỡi trên lưng”, nơi ma quỷ có quan hệ tình dục với mọi người trong giấc ngủ.
Tất cả điều này cho chúng ta thấy rằng, bóng đè là một tình trạng chung của con người. Hơn nữa, ảo giác được định hình theo những gì có trong tiềm thức của mỗi người.
Cách điều trị hiện tượng bóng đè khi ngủ
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho chứng tê liệt trong khi ngủ, nhưng kiểm soát căng thẳng, duy trì thời gian ngủ hợp lý, và quan sát các thói quen giúp chúng ta ngủ ngon có thể làm giảm khả năng xảy ra hiện tượng bóng đè.
Các chiến lược để cải thiện giấc ngủ bao gồm:
- Giữ thời gian ngủ và thức dậy phù hợp, thậm chí vào các ngày lễ và cuối tuần
- Đảm bảo môi trường ngủ thoải mái, giường ngủ sạch sẽ, tối và mát mẻ
- Tư thế ngủ phù hợp, luôn giữ thẳng cổ dù nằm thẳng hay nằm nghiên
- Không nên nằm sắp khi ngủ
- Sử dụng đèn ngủ với ánh sáng dịu
- Không làm việc hoặc học tập trong phòng ngủ
- Tránh ngủ trưa sau 15:00 và hơn 90 phút
- Không ăn nhiều trước khi đi ngủ
- Không ngủ khi tivi còn mở
- Kiêng rượu và các sản phẩm kích thích như caffeine
- Tập thể dục hàng ngày nhưng không nên tập trước khi đi ngủ
- Nên đọc sách hoặc nghe nhạc thiền thư giãn trước khi ngủ
- Thực hành thiền, yoga trong thời gian rãnh
- Để lại điện thoại và các thiết bị khác bên ngoài phòng ngủ
- Đặt các thiết bị điện tử tránh xa giường ngủ
Hiểu được sinh lý học của giấc ngủ và cơ chế tê liệt giấc ngủ là một bước quan trọng để vượt qua nó. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ thì nên đến phòng khám ngay lập tức để được tư vấn và điều trị. Bởi vì, sự lo lắng và gián đoạn liên tục trong quá trình ngủ có thể là biểu hiện của một bệnh tình nào đó.
Thông thường, nếu chúng ta gặp phải hiện tượng bóng đè thì trước hết là không sợ hãi, bình thản nhắm mắt và trở lại giấc ngủ bình thường. Nhưng nếu bạn vẫn muốn thức dậy thì bạn có thể áp dụng một số cách sau đây:
- Đừng chống lại nó mạnh mẽ, vì điều này sẽ tạo ra hoảng loạn và làm tăng cơ hội xuất hiện những ảo giác đáng sợ.
- Duy trì trạng thái tinh thần bình tĩnh và tích cực. Tập trung vào những suy nghĩ thư giãn. Hãy tưởng tượng một bãi biển đẹp dưới ánh mặt trời hoặc hát một bài nhạc lạc quan trong tâm trí của bạn.
- Cố gắng nhẹ nhàng lắc ngón tay và ngón chân. Những động tác nhỏ bé này sẽ cho não của bạn biết rằng cơ thể đang thức giấc và giúp não ngăn chặn giai đoạn REM.
- Cố gắng di chuyển đôi mắt của bạn bằng cách nhấp nháy và nhìn quanh căn phòng. Một lần nữa, mục đích là để thiết lập các động thái để đánh thức hoàn toàn não bộ, khiến chúng “mở nguồn” cho cơ thể.
- Cố gắng di chuyển môi và cơ mặt.
- Tập trung vào việc thở chậm và sâu như bạn có thể.
Bạn phải tập trung vào những động tác nhỏ bé này cho dù gặp bất kỳ ảo giác đáng sợ nào. Ngay khi não bạn nhận được tín hiệu đầy đủ rằng bạn đang tỉnh, nó sẽ ngắt chu kỳ REM atonia. Bạn sẽ nhanh chóng cử động toàn thân và ảo giác sẽ biến mất ngay lập tức.
Đây không phải là một hiện tượng tâm linh bí ẩn như dân gian đồn thổi, không có hồn ma nào quấy rối giấc ngủ của bạn mà đó là trạng thái giấc ngủ tê liệt. Bạn cần nhiều Vitamin B12 vào chế độ ăn uống của mình. Nhiều người thường xuyên gặp tình trạng này đã hết dần khi dùng B12 bổ sung hằng ngày, đây là một kinh nghiệm thực tế.
Hoa Sen Phật – Theo medicalnewstoday.com
Ảnh daz3d.com