Hiệu ứng Pygmalion là một nguyên tắc tâm lý thường được sử dụng trong việc quản lý con người. Trong bài viết này, bạn sẽ biết được những điều tích cực và tiêu cực mà Pygmalion mang lại, một số khái niệm chính đằng sau nó và xem xét một ví dụ liên quan đến khái niệm này.
Ai cũng có ước mơ, đam mê, những ý tưởng tuyệt vời và tiềm năng để làm một việc gì đó nằm ngoài suy nghĩ của bản thân. Nhưng đa số đều cần đến sự trợ giúp của người khác, một đòn bẫy để nó có thể trở thành hiện thực. Bởi vì những thói quen tiêu cực, tư duy theo lói mòn đã giết chết những ý tưởng mới, sự tự tin và sáng tạo khiến chúng ta không nhận ra khả năng thật của chính mình. Có người nói rằng, chúng ta sẽ trở thành những gì mà chúng ta nghĩ!
Mong đợi một kết quả nhất định làm cho nó có khả năng xảy ra. Nghiên cứu cho thấy, khi bạn mong đợi của một kết quả nhất định, sẽ làm tăng khả năng xảy ra của nó.
Ví dụ, lời nhắc nhở đơn giản rằng, bộ nhớ có xu hướng giảm theo tuổi thọ làm cho những người cao tuổi thực hiện tồi tệ hơn trong các bài kiểm tra trí nhớ. Một cô y tá chuẩn bị sát trùng vết thương cho bệnh nhân và nói: “Cố lên nha, hơi đau đấy!” Chắc chắn người bệnh nhân sẽ kêu la khi cô y tá vừa chạm vào.
Đây là một điều tuyệt vời và cũng không mất nhiều thời gian để ảnh hưởng đến tâm trí của chúng ta, cả tích cực lẫn tiêu cực. Nếu sử dụng đúng cách, nó có thể phát triển sở trường, khai mở tiềm năng bên trong mỗi người lên mức giới hạn thật sự.
Hiện tượng kỳ vọng cao dẫn đến sự gia tăng hiệu suất được gọi là hiệu ứng Pygmalion hoặc hiệu ứng tâm lý Rosenthal.
Nội dung bài viết
Hiệu ứng Pygmalion là gì?
Mọi người thường có xu hướng thực hiện hết mức những gì mà người khác mong đợi ở họ. Hiệu ứng này giải thích tại sao các mối quan hệ của chúng ta thường là những lời tiên tri tự hoàn thành. Một khi bạn đặt kỳ vọng cho ai đó, người đó sẽ có xu hướng sống theo sự mong đợi đó, dù là tốt hay xấu.
Hiệu ứng Pygmalion (Self-fulfilling prophecy) còn được gọi là “lời tiên tri tự hoàn thành” hay “lời tiên tri tự ứng nghiệm“. Nếu bạn nghĩ một cái gì đó sẽ xảy ra, bạn có thể vô tình làm cho nó xảy ra thông qua hành động của bạn. Nó xuất hiện ở công sở khi một nhà quản lý muốn tăng hiệu suất làm việc của nhân viên bằng cách đặt kỳ vọng vào họ.
Hiệu ứng Pygmalion lần đầu tiên được phát hiện trong lớp học. Sau đó, các thử nghiệm trong các môi trường quản lý khác cũng được kiểm chứng. Trên thực tế, thành công của bạn là một lời tiên tri tự trở thành hiện thực!
Thử nghiệm của Rosenthal và Jacobsen vào năm 1968 cho thấy rằng, những mong đợi của giáo viên ảnh hưởng đến thành tích học tập của học sinh. Sự kỳ vọng tích cực mang lại hiệu suất tích cực, và kỳ vọng tiêu cực sẽ ảnh hưởng xấu đến hiệu suất. Hiệu ứng Pygmalion đặc trưng cho mối quan hệ giữa người lãnh đạo và nhân viên.
“Khi chúng ta mong đợi một kết quả nhất định của người khác, chúng ta có thể hành động theo cách làm cho kết quả mong muốn đó có thể xảy ra.” (Rosenthal và Babad, 1985).
Hiệu ứng Pygmalion thường được sử dụng tại các trường học, tổ chức làm việc, quân đội, phòng xét xử, trại hè, nhà dưỡng lão và các trung tâm tư vấn tâm lý. Đó là một thủ thuật tâm lý để gieo niềm tin, tạo động lực để một người bắt đầu hành động theo sự mong đợi đó.
Khi sự mong đợi của nhà lãnh đạo đối với cấp dưới của họ được nâng cao, họ hành xử theo những cách khiến cho những người theo họ, dù là nhân viên, chiến sĩ, vận động viên hay học viên biết cách để thực hiện tốt hơn.
Nếu bạn không mong đợi nhiều từ những người làm việc với chung, bạn sẽ không tạo cảm hứng để họ thực hiện đến giới hạn khả năng của họ. Cho họ biết bạn mong đợi những điều tuyệt vời từ họ, bạn sẽ thấy rằng họ làm việc rất tốt.
Nếu một giáo viên tin rằng một học sinh “có năng khiếu” hoặc “thông minh”, họ sẽ hành động theo cách khuyến khích học sinh đó để đạt được sự đánh giá đó. Nếu giáo viên tin rằng một học sinh “không thông minh” hoặc “không có khả năng”, học sinh đó sẽ không nhận được nhiều sự hỗ trợ và sẽ không thực hiện tốt lời tiên tri tự hoàn thành.
Nếu người lãnh đạo thực sự tin rằng mọi nhân viên đều có khả năng đóng góp tích cực vào nơi làm việc, thì việc gửi thông điệp đó một cách có ý thức hoặc vô thức sẽ ảnh hưởng tích cực đến hiệu suất của nhân viên. Khi người lãnh đạo kỳ vọng tích cực về nhân viên của mình, họ sẽ giúp rất nhiều trong việc cải thiện niềm tin, sự hào hứng và lòng tự trọng của nhân viên.
Hiệu ứng Pygmalion hoạt động như thế nào?
Hiệu ứng Pygmalion hay “lời tiên tri tự hoàn thành” hoạt động như một cơ chế vòng tròn:
- Niềm tin của người khác đối với chúng ta sẽ ảnh hưởng đến hành động của họ đối với chúng ta.
- Hành động của họ đối với chúng ta sẽ ảnh hưởng và củng cố niềm tin của chúng ta về bản thân mình.
- Niềm tin của chúng ta về bản thân sẽ ảnh hưởng đến hành động của chúng ta đối với người khác.
- Hành động của chúng ta đối với người khác ảnh hưởng đến niềm tin của người khác về chúng ta, sau đó quay về 1.
Cơ chế vòng tròn này có thể bị ảnh hưởng ở cả 4 giai đoạn. Tuy nhiên, “lời tiên tri tự hoàn thành” tập trung vào hiệu quả kỳ vọng và hành động của người khác đối với chúng ta.
Một số ví dụ về hiệu ứng Pygmalion
Nghiên cứu ban đầu của Rosenthal và Jacobsen tập trung vào cuộc thử nghiệm tại một trường tiểu học, nơi học sinh được làm các bài kiểm tra năng lực. Sau khảo sát, Rosenthal và Jacobsen thông báo cho các giáo viên biết tên của 20% học sinh trong trường “có tiềm năng phát triển trí tuệ bất thường” và sẽ “nở hoa” trong năm học. Những đứa trẻ đó được gọi là “siêu nhân”.
Họ chọn những đứa trẻ một cách ngẫu nhiên và không liên quan đến bài kiểm tra ban đầu. 8 tháng sau Rosenthal và Jacobson quay lại trường, họ phát hiện ra rằng, những đứa trẻ được lựa chọn ngẫu nhiên mà các giáo viên nghĩ sẽ “nở hoa” đạt được điểm cao hơn trước rất nhiều và vượt trội hơn so với những đứa trẻ khác. Tại sao chuyện này lại xảy ra?
Trên thực tế, những “siêu nhân” không phải là những đứa trẻ đạt điểm cao trong bài kiểm tra năng lực ban đầu. Các nhà nghiên cứu đã nói dối giáo viên về kết quả kiểm tra. Nhưng giáo viên tin rằng đó là sự thật và đã dành nhiều thời gian với các “siêu nhân” hơn là những đứa trẻ còn lại. Và các đứa trẻ trẻ nghĩ mình là “siêu nhân” đó đã hành động như một “siêu nhân thật sự” để đạt kết quả cao vào cuối năm học.
Tạo niềm tin cho trẻ có thể biến chúng thành siêu sao.
Đây thực sự là một phát hiện đáng ngạc nhiên. Về cơ bản, nó là một ví dụ về cách sử dụng sức mạnh tiềm thức để nâng cao và phát triển các kỹ năng mà nhiều người nghĩ rằng đã được xác định hoàn toàn bởi các yếu tố khách quan.
Tại sao hiệu ứng Pygmalion lại quan trọng? “Nếu bạn nghĩ rằng học viên của bạn không thể tiến bộ hơn hoặc không quá thông minh, bạn có xu hướng dạy những thứ cơ bản, học từ ghi chú của bạn, đưa ra những câu hỏi đơn giản để nhận lại những câu trả lời đơn giản.” (Rhem, 1999).
Rosenthal nhấn mạnh rằng, “lời tiên tri tự trở thành hiện thực” cũng có thể áp dụng cho giáo dục đại học: Đã có những thí nghiệm tại các lớp đại số Cao Đẳng Học viện Không Lực, một nghiên cứu về sinh viên Đại Học Kỹ Thuật và nhiều nghiên cứu ở cấp đại học khác kể từ khi hiệu ứng Pygmalion được phát hiện.
Những tác động tiêu cực của hiệu ứng Pygmalion
Khi bạn đặt kỳ vọng cao vào người khác sẽ cho kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, hiệu ứng Pygmalion không phải là cái cớ để đặt những kỳ vọng không thực tế vào một người.
Người xây dựng tốt nhất trên trái đất cũng không thể xây kim tự tháp Ai Cập trong một buổi chiều. Vì vậy, nếu chúng ta đặt quá nhiều kỳ vọng vào một người sẽ tạo nên một áp lực vô hình khiến họ mệt mõi và không đạt được hiệu quả như mong muốn. Gia tăng hiệu suất làm việc là tốt nhưng phải biết giới hạn.
Nếu bạn đang làm một đánh giá chính thức về hiệu suất của một ai đó, hãy nhớ đánh giá một cách khách quan và phải nghiên cứu định lượng hợp lý. Hãy để những người khác biết bạn mong đợi kết quả tuyệt vời từ họ, và họ sẽ làm hết sức mình để đáp ứng mong đợi của bạn. Nhưng phải biết điểm giới hạn.
Nếu nhìn xa hơn một chút, chúng ta có thể thấy rằng, những mong đợi của chúng ta đối với những người xung quanh có thể ảnh hưởng thực sự đến niềm tin về bản thân và tương lai của họ.
Con gái của bạn không có khiếu về âm nhạc, nhưng bạn lại đặt quá nhiều kỳ vọng vào nó, bạn gieo cho nó niềm tin là nó sẽ trở thành ca sĩ. Điều này tạo ra một áp lực khiến nó phải nỗ lực hết sức để đạt được mong ước đó. Việc đòi hỏi một con cá nỗ lực hết sức để leo lên cây hái quả táo có phải là điều đúng đắn?
Có một câu nói rất hay là: “Dù bạn không có khiếu nhưng nếu bạn cố gắng thì sẽ thành công. Tuy nhiên, đã là Gà thì có gáy cả đời cũng chả bao giờ được thành Công.”
Chúng ta phải cẩn thận với những gì mà chúng ta tin. Để phát triển giá trị một con người, điều trước tiên là phải biết sở trường của họ. Nếu không, “lời tiên tri tự hoàn thành” sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại thảm hại của họ.
Nguồn gốc khái niệm: Thần thoại Hy Lạp về Pygmalion
Hiệu ứng Pygmalion được lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp về Pygmalion (trong cuốn Metamorphoses của Ovid), một nhà điêu khắc tài năng có tình yêu to lớn với bức tượng người phụ nữ bằng ngà voi mà ông đã tạo tác.
Với Pygmalion, đó là một người phụ nữ hoàn hảo nên ông dành hết tình yêu cho bức tượng này, và mong muốn bức tượng có thể sống cùng ông suốt quãng đời còn lại. Sau khi Pygmalion tuyệt vọng cầu nguyện Aphrodite, nữ thần của tình yêu, cô đã thương xót bằng cách thổi sự sống vào bức tượng sau khi ông ấy hôn bức tượng của mình.
Theo theworldcounts.com – Ảnh Mateusz Lenart