Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch là người dân Việt Nam lại bận rộn chuẩn bị cho ngày lễ cúng ông Công ông Táo. Theo ý nghĩa, đây là ngày Táo Quân cưỡi cá chép bay lên trời để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong gia đình của gia chủ cho Ngọc Hoàng. Và rồi đến đêm Giao thừa, Táo Quân lại cưỡi cá chép xuống hạ giới để tiếp tục công việc của mình.
Vậy, hãy cùng Hoa Sen Phật tìm hiểu về ý nghĩa ngày đưa Táo Quân chuẩn xác nhất nhé!
Nội dung bài viết
Sự tích ngày ông Công ông Táo
Theo tín ngưỡng của người dân Việt Nam, vị thần Táo quân có nguồn gốc từ 3 vị thần đó là thần Thổ Công, thần Thổ Địa và thần Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, được Việt Hóa thành sự tích “2 ông 1 bà” – thần Đất, thần Nhà và thần Bếp Núc, đây đều là ba vị thần quan trọng trông coi nhà cửa của các gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, người Việt vẫn quen gọi 3 vị thần này là ông Táo hoặc Táo Quân.
Theo như người xưa kể lại, ở một ngôi làng nọ có một đôi vợ chồng là Thị Nhi và Trọng Cao. Hai vợ chồng sống với nhau rất tình cảm, mặn nồng. Tuy có vất vả, nhưng cũng có của ăn, của để. Sống với nhau cũng được mấy năm mà Thị Nhi mãi không có con nên Trọng Cao dần kiếm chuyện dằn vặt chửi Thị Nhi.
Một hôm, hai vợ chồng không hợp nhau, chỉ vì chuyện cỏn con mà Trọng Cao xé ra to, giận đùng đùng đánh vợ rồi đuổi vợ ra khỏi nhà. Thị Nhi bị đuổi ra khỏi nhà và không có chỗ nào để đi. Nàng đi lang thang khắp nơi, đến một nơi khác, rồi sau đó gặp được một người đàn ông tên là Phạm Lang. Phạm Lang lương thiện, lại chăm chỉ, đối xử tốt với Thị Nhi. Rồi họ kết duyên, nên vợ nên chồng.
Còn Trọng Cao, sau khi hết giận đã rất hối hận vì đã đuổi vợ đi. Nhưng giờ lại không biết tìm vợ ở đâu. Ở một mình, Trọng Cao ngày càng nhớ vợ rồi quyết tâm lên đường tìm nàng. Đi được một thời gian, tiền và đồ ăn mang theo người cũng đã hết, Trọng Cao buộc phải xin ăn ngoài đường.
Một hôm, trong lúc đang xin ăn ngoài đường, Trọng Cao gặp được Thị Nhi. Thị Nhi biết đó là chồng mình đành mời vào nhà, nấu cơm cho Trọng Cao ăn. Đúng lúc đó, Phạm Lang về. Thị Nhi bèn giấu chồng mình ngay sau đống rạ.
Ai ngờ, tối hôm đó, Phạm Lang đốt rạ để lấy tro bón ruộng. Thị Nhi đã nhảy vào cứu Trọng Cao ra. Thấy vợ mình nhảy vào, Phạm Lang cũng nhảy vào cứu vợ. Nhưng sau đó cả 3 đều bị cháy trong đám lửa.
Ngọc Hoàng cảm động, thấy 3 người họ sống có tình có nghĩa nên đã phong cho họ tước vụ, phong cho Phạm Lang làm Thổ Công trông coi bếp núc, Trọng Cao làm Thổ Địa trông coi việc nhà và Thị Nhi làm Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.
Từ đó, cứ đúng ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, các Táo Quân sẽ lên trời để báo cáo tất cả những việc làm tốt và chưa tốt của gia đình trong một năm để Ngọc Hoàng quyết định nên thưởng hay nên phạt cho người đó.
Ý nghĩa ngày cúng ông Táo
Người Việt Nam quan niệm Táo Quân sẽ báo cáo những sự kiện xảy ra trong năm qua ở nhà mình. Vì thế, mọi người làm lễ cúng ông Táo rất thịnh soạn, với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, còn việc không tốt và xấu sẽ được nhẹ đi.
Lễ cúng ông Công ông Táo về trời sẽ được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp hàng năm, vì sáng ngày 23 tháng Chạp Ông Táo đã cưỡi cá về Trời. Nếu để sang ngày 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn đưa Ông Táo về Trời, thì e rằng Ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ.
Theo Truyền thuyết, ông Táo (Táo Quân hay Thổ Công) là vị thần cai quản những hoạt động trong một năm của gia chủ. Trong năm, gia chủ có may, có phúc hay có họa đều đo vị thần này quyết định.
Bên cạnh đó, vị thần này còn có thể ngăn cản mọi xâm phạm từ ma quỷ, giữ được bình yên hạnh phúc cho gia chủ. Chính vì vậy, nên mọi người thường cúng ông Táo với ý nghĩa cầu mong có được sự ấm no, hạnh phúc đủ đầy. Các gia đình đều làm cơm cúng ông Táo chính là mong ông Táo sẽ thưa với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp, giảm mức độ nghiêm trọng của những điều không hay, hay những điều không may mắn.
Lễ vật cần thiết trong ngày cúng ông Táo
Ngoài mâm cơm cúng ra thì không thể thiếu được các lễ vật dâng lên cho ông Công ông Táo. Lễ vật cúng ông Công, ông Táo thường bao gồm: mũ ông Công ba chiếc ( hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà).
Chiếc mũ dành cho các Táo ông thì có hai cánh phía trên; mũ dành cho Táo bà thì không có. những chiếc mũ này đều được trang trí kim tuyến óng ảnh, hoa đính. Bên cạnh đó, lễ vật còn bao gồm: Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng. Nhiều gia đình cúng đơn giản chỉ cúng tượng trưng một chiếc mũ ông Công kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.
Những đồ cúng bằng giấy như áo, mũ, hia và một số thỏi vàng sẽ được đốt đi, sau khi cúng xong với ý nghĩa là dâng lên ông Táo. Sau ngày đó, các gia đình sẽ lập bài vị mới cho ông Táo, để chuẩn bị cho một năm tiếp theo.
Ở miền Bắc, vào ngày đưa ông Táo về trời người dân còn có phong tục thả cá chép ra ngoài sông với ngụ ý là “cá chép hóa rồng” nghĩa là cá chép sẽ biến thành con rồng để đưa ông Táo về trời. Ở miền Trung, người dân sẽ cúng một con ngựa giấy với yên, cương đầy đủ để ông có thể cưỡi.
Ở miền Nam thì lễ vật đơn giản hơn, họ chỉ cúng bánh kẹo, mũ, áo và hia giấy thôi. Tùy vào từng hoàn cảnh gia đình mà mâm cơm sẽ đầy đủ hơn (xôi, chân giò luộc, các món mặn) hay lễ chay thì sẽ có trầu cau, hoa quả, giấy vàng,… để dâng lên Táo Quân.
Bài văn khấn cúng ông Táo được sử dụng nhiều nhất
Nếu bạn ra cửa hàng mã và mua một bộ lễ vật để cúng ông Táo, thì họ sẽ gửi kèm theo một bài văn khấn để bạn khấn vái cầu nguyện ông Táo phù hộ cho gia đình. Trên thị trường hiện có rất nhiều bài văn khấn khác nhau tùy theo phong tục địa phương và mục đích sử dụng. Hoa Sen Phật xin chia sẻ bài văn khấn sử dụng rộng rãi nhất được đăng tải trong sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam”. Bài văn khấn đó như sau:
Nam mô a di đà Phật! (Đọc 3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp năm Kỷ Hợi tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật! (đọc 3 lần và vái lạy 3 lần).
Lý do người dân thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo
Truyền thuyết kể lại rằng, hàng năm, Táo Quân là vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian để theo dõi và ghi chép lại những việc làm thiện ác của các gia đình. Sau đó, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá Chép lên Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng những việc làm tốt và chưa tốt của con người.
Vì vậy, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo lại chuẩn bị lễ cúng cá chép. Người dân thường chuẩn bị 1 đôi cá chép hoặc 3 con cá chép sống, thả vào chậu nước để cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong thì đem thả sông, ao hoặc hồ với ý nghĩa “cá chép hóa long” là cá chép hóa rồng vượt vũ môn, làm phương tiện cho ông Táo cưỡi về trời. Bên cạnh đó, nó còn có ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, vượt khó, sự kiên trì đi tới thành công.
Hy vọng những thông tin trên có thế giúp ích bạn hiểu rõ hơn về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của ngày cúng đưa ông Táo về trời của người dân Việt Nam. Đây không chỉ là một ngày lễ đơn thuần mà còn có ý nghĩa vô cùng nhân văn với người dân Việt Nam từ ngàn năm nay.
Hoa Sen Phật