Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là người đứng đầu của dòng Truyền thừa Drukpa, một trường phái mới của Phật giáo Tây Tạng. Sau đây là những triết lý sống hay và ý nghĩa của vị lãnh đạo tinh thần Phật giáo mà chuyên mục Góc Suy Ngẫm sưu tầm được. Những câu nói hay và ý nghĩa của Đức Pháp Vương đã ảnh hưởng tích cực đến với nhiều người, đặc biệt là những người đang cố gắng hoàn thiện mình trên con đường giác ngộ Phật giáo.
Ảnh hưởng từ những người bạn
Bậc thiện tri thức không nhất thiết phải là một tu sĩ hay hành giả. Đa số bạn bè thế gian có thể gây ra cho bạn nhiều phiền toái, song một số người khác cũng sẽ tạo ảnh hưởng tốt tới bạn. Quan trọng người bạn đó phải có phẩm hạnh tâm linh nhờ vào tư chất sẵn có hoặc tích lũy qua quá trình tu tập. Nếu không có phẩm hạnh này, từ trường tiêu cực của anh ta sớm muộn cũng gây hại cho bạn.
Vì thế, hãy hết sức thận trọng khi tìm bạn. Thời nay, con người thường không thể sống thiếu bạn bè vì nỗi sợ hãi cô đơn tuyệt vọng. Nhiều người tuyên bố không cần bạn bè, họ có thể bỏ qua nhu cầu này, nhưng sự thật không phải vậy. Theo quan kiến Phật Pháp, chúng ta thuộc về cõi “Dục giới”, vì thế con người luôn có xu hướng tìm kiếm bạn bè đồng loại. Thực ra điều này chẳng có gì xấu. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận suy xét người bên cạnh xem họ có ảnh hưởng tốt hay xấu tới mình.
Chốn nương tựa bền vững
Chúng ta cần sự bảo hộ trước nhân khổ luôn hiện hữu và cảm thọ khổ quá lớn trong cuộc sống. Chốn nương tựa vững bền đó chính là ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Vì đã tự vượt thoát khỏi luân hồi, các Ngài luôn sẵn lòng trợ giúp chúng ta.
Có rất nhiều bậc hộ trì khác đang tồn tại trong cõi này nhưng do chưa tự siêu việt luân hồi, kẻ thù bên trong chính họ vẫn tiếp tục khuấy động phiền não. Do vậy, dù rất muốn giúp đỡ chúng ta, sự bảo hộ của họ vẫn chưa thể rốt ráo.
Có nhiều đệ tử của một vài truyền thống tín ngưỡng thường chọn đối tượng quy y là cây cối, mặt trời, mặt trăng, phiến đá. Ở Nepal, tôi đã từng thấy nhiều người chọn cây cầu làm đối tượng quy y. Khi nhìn thấy cây cầu, họ dừng xe lại, bước xuống và cúi chào. Cách hành lễ này thật buồn cười. Tôi nghĩ không phải họ hướng tới cây cầu, mà thực chất họ đang hướng đến các quỷ thần trú ngụ nơi đấy. Còn rất nhiều chuyện lạ lùng như vậy diễn ra trên thế giới. Dĩ nhiên, theo quan điểm của những người này, cách hành xử như vậy rất bình thường, còn tôi lại thấy thật kỳ cục.
Đừng trì hoãn sự thực hành
Bạn đã biết Phật pháp có thể được thực hành qua cách chúng ta tự cách ly với đối tượng phiền não bên ngoài hoặc xa lìa các nguyên nhân phiền não bên trong, các xúc tình tiêu cực như tham ái, sân giận, đố kỵ, kiêu mạn, si mê. Tuy nhiên, hiểu biết thôi chưa đủ, bạn cần đưa lý thuyết vào sự thực hành tâm linh và đời sống.
Cây có trồng mới cho được quả, bạn không nên chỉ đón nghe rồi chờ điều tốt đẹp xảy ra. Hãy tinh tấn thực hành giáo pháp đã thụ nhận, nếu không những tập khí bất thiện và thói quen cố hữu ăn sâu trong tiềm thức sẽ khuấy đảo, cản trở bạn trong việc trải nghiệm chân hạnh phúc và đón nhận thành tựu tâm linh.
Thiếu đi một chút quyết tâm, vắng đi một chút động cơ, bạn sẽ mãi mãi trì hoãn sự thực hành Pháp. Vậy thì đừng chần chừ, hãy biết vượt qua chính mình, dũng cảm đón nhận thách thức với tâm tinh tấn và vô úy.
Điều gì đóng vai trò chính trong việc tu tập
Ví dụ, bạn đang tham gia một khóa chuyên tu nhưng không biết vì sao mình làm điều này. Nếu không hiểu mục đích của việc tu tập, bạn sẽ đến, tham dự rồi ra về song vẫn không ý thức được điều gì đã thúc đẩy mình tới đây. Vì lý do mơ hồ, bạn đã tới đây và khi khóa tu kết thúc, bạn lại trở về nhà. Như vậy, có thể nói bạn chưa hoàn thành nhiệm vụ, hoặc mới được một phần, vì dù cũng tích lũy một chút công đức nhờ tham gia tu tập, trì tụng, nhưng bạn lại thiếu đi điều cơ bản là động cơ.
Động cơ có vai trò hàng đầu trong việc thụ nhận và thực hành Phật pháp. Thông thường, chúng ta thường thiếu động cơ rõ ràng và cũng chưa hiểu phải làm thế nào để phát khởi động cơ chân chính.
Chia sẽ kho báu
Khi quy y, bạn trở thành đệ tử nương tựa Tam Bảo Phật- Pháp-Tăng, hướng tới thành tựu vì lợi ích chúng sinh. Muốn vậy, bạn phải có khả năng chia sẻ. Tài sản có ý nghĩa nhất bạn cần chia sẻ chính là hạnh phúc và để làm được điều đó, trước hết bạn cần được hạnh phúc.
Hạnh phúc của bạn đến từ sự trưởng dưỡng Bi tâm, trí tuệ hiểu biết về Sức mạnh của Tình yêu thương, và các thiện hạnh tích lũy qua dòng thời gian. Khi thực sự hạnh phúc, bạn sẽ tự nhiên vui vẻ, tốt bụng và ân cần. Bạn chỉ đưa mắt nhìn một người là người đó đã tự nhiên cảm nhận được sự sẻ chia nơi bạn. Bạn chia sẻ nụ cười, hạnh phúc, chia sẻ kho báu tràn ngập niềm vui của mình. Như vậy là đủ.
Vậy chúng ta hãy tươi cười, ân cần, tử tế. Bạn cần có một trái tim hạnh phúc. Đây là lời nguyện của bạn khi phát tâm quy y: Từ nay trở đi, bạn bước chân trên con đường Bồ tát hạnh. Để không quên lời nguyện này, bạn được nhận pháp danh. Bạn nên dùng pháp danh thay cho tên thế tục, để mỗi khi ai đó gọi bạn bằng pháp danh, bạn lập tức nhớ tới lời thề nguyện của mình.
Chân ngôn của trí tuệ và từ bi
Chân ngôn OM MANI PADME HUNG rất phổ biến và quen thuộc. Trong câu chân ngôn này, thuật ngữ MANI có nghĩa là ngọc báu, tương ứng với VAJRA, tức kim cương và tượng trưng cho tính không. Hai chữ PADMA, hoa sen, nêu biểu cho tình yêu thương và hành động. OM là chủng tử căn bản, được tạo thành từ ba âm A.U.M, nêu biểu Thân – Khẩu và Ý của vũ trụ. HUNG là chủng tử thành tựu.
Như vừa nói ở trên, giáo pháp của Đức Phật không đẩy chúng ta vào chỗ bất động, mà ngược lại cần hành động. Tâm từ bi khởi phát sẽ chuyển hóa thành tình yêu thương. Câu chân ngôn nhấn mạnh sự hợp nhất của VAJRA – trí tuệ và PADMA – tình yêu thương. Đây là chân ngôn có năng lực mạnh mẽ, giúp chúng ta diệt trừ chướng ngại, chứng đạt tự tính vạn pháp, gieo vào tâm những hạt giống trí tuệ và yêu thương.
Sinh tử biệt ly
Vạn pháp đều vô thường theo dòng chảy thời gian. Dù trải qua năm tháng ngọt ngào, đến cuối cùng bạn vẫn phải chia ly thân bằng quyến thuộc. Sinh tử biệt ly là lẽ đời, ở bên nhau mãi là điều không thể. Cặp tri kỷ tưởng không thể xa rời, sớm hay muộn cũng nếm mùi ly biệt.
Tương tự, những gì bạn tích lũy, gây dựng suốt cuộc đời,của cải, tài sản, danh vọng, rồi cũng rời xa bạn. Bạn sẽ phải để lại tất cả phía sau lưng mà không làm gì khác được. Đến khi mạng chung, bạn sẽ phải lìa bỏ tấm thân suốt đời mình gắn bó, xác thân bị thiêu đốt hoặc lấp vùi dưới ba tấc đất sâu.
Hoá thân đức Quan Thế Âm
Tất cả các bậc Thượng sư của Truyền thừa Drukpa đều là hóa thân của Đức Quan Âm. Khi kính lễ các Ngài, chúng ta được truyền cảm hứng từ những công hạnh, thành tựu Thân, Khẩu, Ý giác ngộ của các Ngài. Như tôi đã chia sẻ, nguồn cảm hứng này chính là ân phúc gia trì lớn nhất.
Khi đã có cảm hứng, bạn sẽ không lùi bước trước khó khăn chướng ngại. Tâm tràn đầy cảm hứng giúp bạn trở nên vô cùng mạnh mẽ. Sự sách tấn đến từ cảm hứng, và cảm hứng bắt nguồn từ sự thực hành cầu nguyện, kính lễ, tri ân tới Thượng sư, tới truyền thừa khởi nguồn từ Đức Quan Âm.
Do vậy, chúng ta có động cơ mạnh mẽ để thực hành hạnh từ bi, nói cách khác là để đón nhận trí tuệ hiểu biết. Sự hiểu biết này là thiết yếu đối với chúng ta. Là hành giả, bạn cần quan tâm tới việc phát triển trí tuệ, nếu không, bạn sẽ hành xử theo ý thích bị chi phối bởi bản ngã và vô minh. Bạn nên hiểu biết về cội nguồn Quan Âm của Truyền thừa, nếu không bạn sẽ không thể phát khởi tâm chí thành. Thiếu lòng chí thành, thực hành của bạn sẽ không mang lại kết quả tích cực.
Tâm xả ly
Khi đạt tới trình độ có thể xả ly khỏi tâm bấn loạn, bạn sẽ có khả năng tận hưởng khía cạnh tốt đẹp của các pháp mà không bị phân tán bởi vọng tưởng phiền não. Bạn sẽ thấy thoải mái, bình đẳng trước những gì dễ chịu và cả những gì gây khó chịu. Bí quyết ở chỗ bạn đã biết tạo cho mình khoảng không gian an toàn, biết xả ly khỏi phần tâm khuấy động bên trong.
Xả ly tâm bên trong khỏi những phiền não bên ngoài là một pháp thực hành thú vị. Khi bị quấy rầy bởi điều gì đó là lúc thích hợp để bạn thực hành pháp này. Nếu không gặp phiền hà gì, bạn sẽ chẳng có điều kiện để thực hành. Nhưng nếu gặp phải nghịch cảnh, ví dụ như bị đối xử không tốt hay lừa dối thì đó là nhân duyên thích hợp để bạn thực hành sự xả ly bên trong. Khi gặp những tình huống bất như ý, chúng ta nên biết dừng lại, quán chiếu cảm xúc thay vì để xúc tình tiêu cực chiếm hữu sai xử tâm mình.
Vạn pháp huyễn như
Trên nền tảng của trí tuệ, từ bi, những khái niệm về “tôi” và “của tôi” không còn quan trọng nữa. Chúng ta hiểu tính không là thuộc tính của vũ trụ và nhận ra rằng theo lẽ vô thường sự dịch chuyển diễn ra liên tục: vui có thể thành buồn, thù có thể thành bạn. Vạn pháp xoay chuyển, huyễn như và chúng ta có thể thích ứng với nhịp điệu cuộc sống, tự tại, vô ngại trong các mối quan hệ gia đình, công việc, bạn bè.
Trải nghiệm hạnh phúc hỷ lạc
Mọi giáo pháp đều cần được trải nghiệm. Giáo pháp không phải là lý thuyết mà đến từ những trải nghiệm cuộc sống. Tất cả những gì Đức Phật hay bậc Thượng sư đã từng nêu, chính cuộc sống sẽ dạy lại cho bạn.
Hiện giờ, tâm vô minh của bạn đầy những phóng chiếu giả định nên lòng từ bi sẽ giúp bạn tĩnh lại và thư giãn. Sức mạnh của tình yêu thương và lòng bi mẫn sẽ giúp bạn trải nghiệm sự xả chấp khỏi đối tượng đau khổ. Trí tuệ thấu hiểu vạn pháp giúp sự xả chấp đó diễn ra tự nhiên êm ái. Kết quả của sự xả ly tích cực là bạn sẽ trải nghiệm niềm hạnh phúc hỷ lạc, trái với nỗi đau xé lòng khi bị chia cắt với những gì mình bám chấp luyến thương.
Cuộc đời là một canh bạc
Kinh cũng dạy rằng, “Kẻ nào sống trong bóng tối của vô minh, sẽ không thể phân biệt được thiện ác”. Điều này nhắc tới sự thiếu trí tuệ hiểu biết. Tâm chúng ta bị che phủ bởi vô minh si ám khiến chúng ta không thể nhận biết điều gì đang diễn ra. Dù thừa học thức nhưng nếu thiếu trí tuệ, chúng ta vẫn sẽ bước đi trong tăm tối u mê.
Vì vậy nên đôi khi tôi ví cuộc đời này giống như canh bạc. Chúng ta cứ chơi, chơi tiếp, chơi mãi, có lúc trúng số nhưng phần lớn không được gì. Hôn nhân là một canh bạc, công việc là một canh bạc, con cái là một canh bạc, xây dựng nhà cửa cũng là một canh bạc.
Cả cuộc đời chúng ta giống như một canh bạc! Bạn luôn muốn kết quả tốt nhưng lại chẳng thể làm gì ngoài nuôi chút hy vọng. Dù hy vọng cũng mang đến sự an ủi nhất định nhưng là hành giả tâm linh chúng ta không chấp nhận điều ấy. Bạn cần đối đầu trực diện và tìm cách gỡ bỏ tấm màn vô minh. Vô minh hay si ám chính là độc tố nguy hại nhất trong tam độc. Chính vô minh dẫn đến sân giận, vì si ám nên ta mới tham lam.
Kiểm soát thân-khẩu-ý
Vì hiểu bản chất vạn pháp là tính không, ảo ảnh, vô thường, bạn sẽ không manh động trước nghịch cảnh mà dành thời gian để suy nghĩ về hành động cần làm, sẽ không lao mình vào những cuộc tranh luận, cãi vã vô nghĩa. Thậm chí dù tâm còn bị sân giận chi phối nhưng nhận thức này sẽ giúp bạn kiểm soát được đôi bàn tay (thân) và miệng (khẩu) để không gây hành động hoặc lời nói tổn hại đến người.
Trong Kinh đã dạy: “Tham ái và bám chấp vào người thân giống như những dòng nước xoáy; Sân giận và thù ghét kẻ địch giống như những ngọn lửa thiêu đốt”. Những yếu điểm này sẽ được tiêu trừ hoặc giảm dần cùng với sự trưởng dưỡng từ bi và trí tuệ hiểu biết trong tâm.
Cân bằng cuộc sống
“Sống” có nghĩa là “nhận biết giá trị” và nhận thức đó giúp bạn có nhiều thời gian để hoàn thành vô số điều tốt đẹp. Qua các thực hành: lắng nghe, suy ngẫm và thiền định, cuộc sống của bạn sẽ trở lại cân bằng. Khi biết trân trọng tri ân, lắng nghe giáo pháp, dành thời gian suy ngẫm và thiền định, bạn sẽ dần trở nên thân thiện và hòa hợp với thế giới. Cuộc sống sẽ lại trở nên tốt đẹp tuyệt vời!
Những điều vô nghĩa
Khi không đưa giáo pháp vào cuộc sống để có tâm trân trọng tri ân, những điều vô nghĩa sẽ xuất hiện, nhiều tới mức đôi khi bạn chẳng có thời gian để ngủ. Cuộc sống của bạn bị che phủ trong tấm màn được thêu dệt bởi những điều phù phiếm và bạn vẫy vùng trong tấm lưới này để tìm nhu cầu thỏa mãn. Điều đó không những khiến bạn thiếu thời gian để ăn, để ngủ mà còn làm mất hết cơ hội tìm nhận chân hạnh phúc.
Tôi thường nghe các đệ tử nói: “Con bận đến nỗi không có thời gian ăn sáng, ăn trưa và tu tập thực hành”. Phải, họ quá bận rộn nhưng đó không phải việc thực sự đáng để bận tâm. Cuộc sống của họ đơn giản đang bị lấp đầy bởi những điều vô nghĩa, nhiều tới mức họ không có thời gian để sống đúng nghĩa và trở thành kẻ nô lệ của chính mình.
Chân lý vũ trụ
Đức Phật Thích Ca từng giảng rằng việc tích lũy hiểu biết tương đối về mọi điều trên thế giới này là không thể. Chỉ tính riêng ngôn ngữ, chúng ta đã không thể học hết các thứ tiếng. Điều chúng ta cần là hiểu biết tuyệt đối, trí tuệ giác ngộ về tự tính của vũ trụ, hiểu rằng vũ trụ vốn là tính không, huyễn ảo, vô thường giả tạm. Nếu hiểu được những đặc tính chung đó, bạn có thể dung hòa và sống hạnh phúc theo chân lý vũ trụ.
Khi bắt đầu xoay tâm theo hướng này, bạn đã bước vào con đường của chư Bồ tát, các bậc có trí tuệ để sống thuận theo tự tính của vạn pháp. Đây là điều mà Đức Phật Thích Ca muốn chỉ ra trong lời khai thị được nhiều người biết đến: “Tất cả các điền chủ có thể chống lại tôi nhưng tôi sẽ không bao giờ đối nghịch với họ”. Qua đó, Ngài muốn dạy rằng thay vì đối nghịch, Ngài đã thuận theo quy luật tự nhiên.
Thấu hiểu tự tính của vạn pháp
Đức Quan Âm là hiện thân sự hiểu biết toàn diện về vũ trụ, về vạn pháp, về bạn, về tôi cùng mọi chúng sinh, giống như khi soi gương chúng ta thấy rõ ràng mọi thứ, không thể che giấu điều gì. Trong tấm gương Từ bi, chúng ta thấy chính mình và mọi loài hữu tình một cách đầy đủ, trong suốt, rõ ràng. Nhờ không còn gì bí ẩn che chướng, ta sẽ thực sự thấu hiểu mọi đối tượng và vạn pháp bên ngoài.
Khi bắt đầu hiểu nhau và dần hiểu thêm về thế giới bên ngoài, chúng ta sẽ nhận ra dường như sự vận hành của thế giới này có liên hệ với tính không, với những tính chất vô thường, huyễn như ảo ảnh. Lúc này, bạn sẽ bắt đầu ý thức được đặc tính chân thực của vạn pháp. Bạn biết rằng mình cần hiểu tự tính của vạn pháp để có thể sống tương thích nếu không muốn mãi chịu cảnh đau khổ vô minh.
Kho tàng vô lượng từ bi
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta thấy mình không thể đối xử tốt với một ai đó, hoặc có những đối tượng mà ngay cả khi ta có thiện ý họ cũng không cảm nhận được tấm chân tình. Họ sẽ đón nhận “lòng tốt” của chúng ta với sự khó chịu và tâm nghi ngại.
Điều này nằm ở phương cách chúng ta đối xử với người đó. Chẳng hạn bạn quan tâm đến sức khỏe của một người bạn nhưng thay vì hỏi thăm nhau lúc ban ngày, bạn lại dựng người đó dậy giữa đêm khuya chỉ để hỏi: “A-lô, cậu có khỏe không?”.
Nếu không có chuyện gì quan trọng đáng để kể thì hiển nhiên người đấy sẽ nghĩ: “Thật vớ vẩn, gã này quả là phiền toái!”. Với chút tế nhị, lẽ ra bạn phải hiểu rằng mình không nên làm phiền người ta vào giờ này. Đúng là bạn có thiện ý nhưng người ấy lại không thấy như vậy. Bạn không nên làm phiền khi người khác ngon giấc chỉ để thăm hỏi vu vơ.
Đây là một ví dụ về lòng tốt nhưng thiếu hiểu biết khiến chúng ta cư xử kém. Để chung sống, chúng ta rất cần sự hiểu biết đồng cảm hay còn gọi là lòng từ bi đối với nhau. Trên nền tảng này chúng ta mới có thể phát triển tình yêu thương và các thiện hạnh khác. Tóm lại, nói “kho tàng vô lượng từ bi” cũng đồng nghĩa với giá trị của trí tuệ hiểu biết.
Tìm kiếm hạnh phục ở đâu?
Nếu không biết tri ân, bạn sẽ làm gì? Chắc hẳn, bạn sẽ tốn nhiều công sức làm lụng vất vả để tích lũy của cải vật chất, sau đó lại lãng phí tiền bạc, thời gian vào những thú vui và sự tiện nghi thế gian. Đây là cách thức phổ biến chúng ta hay vận dụng để có được “hạnh phúc”. Tuy nhiên, bạn thường quên đi cách thức đơn giản hữu hiệu đó là thực hành lòng trân trọng tri ân.
Tôi muốn chỉ cho bạn biết đây chính là nơi hạnh phúc đang ẩn náu. Từ nguyên thủy, hạnh phúc vẫn ở nguyên đó nhưng phần lớn thời gian, nó ẩn náu vô cùng kín đáo. Thậm chí, chúng ta không cảm thấy sự hiện diện của hạnh phúc và suốt ngày than vãn: “Tôi không có cái này, tôi thiếu thứ kia. Thật tồi tệ!
Anh ta đối xử với tôi thế này, cô ấy đã ruồng rẫy tôi thế nọ”. Bạn chỉ nhìn thấy mặt xấu của mọi chuyện, những điều tốt đẹp dường như không hề đến hoặc bạn thấy cuộc đời mình quá đen đủi hèn kém. Mặc dù luôn khát khao, mong cầu hạnh phúc nhưng chúng ta lại không nhận ra điều tốt đẹp, không biết trân trọng tri ân những gì mình đang có. Vì thế mà hạnh phúc mãi lẩn khuất không chịu tìm đến với chúng ta.
Thân người quý giá vô cùng
Cuộc sống cho ta bao điều tốt đẹp, do đó bạn cần tri ân từ những điều hiển nhiên nhất như việc mình có thể thức dậy mỗi ngày, có thể đi, đứng, nằm, ngồi, được lắng nghe mọi âm thanh, nhìn thấy mọi cảnh sắc, được gặp gỡ và giao lưu với mọi người. Từng phút giây trôi qua trong sự tỉnh thức và niềm tri ân cuộc đời sẽ trở thành những thời khắc nhiệm mầu đầy ý nghĩa.
Việc tri ân “thân người quý giá” cần được hiểu theo nghĩa rộng. Chúng ta không những cần tri ân phúc báo được tái sinh trong thân người mà còn cần tri ân mọi khía cạnh của cuộc sống. Chỉ vì không trân trọng từng phút giây cuộc đời mà chúng ta thường rơi vào cạm bẫy của lối sống mỏi mòn, buồn chán và bế tắc. Quán niệm về “thân người khó được” sẽ giúp bạn phát khởi động cơ thực hành Phật pháp, trải rộng tình yêu thương đến mọi chúng sinh.
Trên thực tế, hạnh phúc đích thực đến từ niềm trân trọng tri ân. “Ôi, thật may mắn mình vẫn còn ăn được! Mình vẫn đi lại được! Mình có thể đứng được!”. Với niềm tri ân hiện hữu trong tâm, bạn sẽ tự nhiên hạnh phúc. Biết trân trọng kiếp người, tri ân cuộc sống là pháp thực hành đơn giản nhất để có được hạnh phúc.
Hạnh phúc địch thực
Chúng ta cũng như mọi chúng sinh đều mong cầu hạnh phúc. Dù có làm gì, biện hộ mục đích gì thì thực ra chúng ta đều đang kiếm tìm hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc vẹn toàn, đích thực và rốt ráo chỉ có thể đạt được nhờ nương tựa vào giáo pháp tâm linh. Nếu không biết tới giáo pháp, không hạnh ngộ Thượng sư, chúng ta sẽ không có cơ hội tìm thấy con đường dẫn tới chân hạnh phúc.
Sự thực hành Phật Pháp trước hết dựa trên nền tảng những hướng đạo khai thị từ bậc Thầy nhưng để những giáo lý đó trở nên hữu dụng, chúng ta cần nghiêm túc thực hành những lời vàng này. Lời hướng đạo như ánh đèn rọi sáng con đường, việc của chúng ta bây giờ là phải cất bước.
Con đường phù hợp
Trong Đại thừa cũng có những bậc Thầy không cần rời bỏ hoạt động thế tục. Chẳng hạn như Ngài Marpa, Thượng sư của Đức Milarepa, không hề xa lánh gia đình hay đời sống thế tục. Ngài luôn là chủ gia đình trong suốt cuộc đời mình, sống cùng vợ, các con trai, có ruộng vườn, đàn bò ngựa, gia súc… Tuy thế, Ngài vẫn thành tựu giác ngộ chỉ trong một đời.
Có những hành giả cần xa lánh thế tục để thành tựu giác ngộ, một số khác thì không. Chúng ta cần tự kiểm chứng bản thân để xác định xem mình thuộc nhóm nào. Điều này vô cùng quan trọng. Nếu không, bạn sẽ không biết mình cần thực hành theo con đường nào, thậm chí có thể thực hành những pháp không phù hợp và như vậy sẽ không đạt được thành tựu.
Sự nhạy cảm thái quá
Trong xã hội ngày nay, chúng ta thường gặp những người dễ xúc động, hào hứng và cũng dễ mất tinh thần. Sự nhạy cảm quá độ sẽ gây khó khăn cho họ trong việc đối mặt với những tình huống bất lợi bên ngoài. Họ có xu hướng dễ nổi cáu, phản ứng tức thì khi trái ý và sẵn sàng vung nắm đấm mà không cần nghĩ ngợi nhiều. Những xúc tình này chi phối mạnh mẽ tới mức khiến họ mất khả năng kiểm soát lý trí và sẽ động thủ tức thời. Như cây dễ bị bóc vỏ, họ có thể bị kích động mất kiểm soát mà không vì lý do gì to tát. Điều này rất nguy hiểm, trước hết với chính bản thân họ, sau nữa là những người xung quanh.
Truyền thụ cảm hứng
Động cơ chủ yếu của việc trì tụng hồng danh chư Phật Bồ tát là để được truyền thụ cảm hứng. Nếu không tìm được cảm hứng, những lời cầu nguyện này sẽ không có ý nghĩa. Ví dụ như khi đói, chúng ta cảm thấy bị cuốn hút bởi thức ăn.
Chúng ta ngửi thấy mùi đồ ăn hấp dẫn và tự nhủ: “Chà, ở đây chắc hẳn có nhiều món ngon. Thử đến ngó xem người ta đang nấu gì!” Mùi thơm khiến bạn ngất ngây và đó là cách thức ăn truyền cảm hứng. Chúng ta quyết định vào nhà hàng hoặc nơi nào đó và nói: “Xin chào! Ở đây có gì ăn được nào?” Cảm hứng tạo động lực để chúng ta hành động. Trái lại, nếu không bị đói thì dù món ngon tới đâu, chúng ta cũng chẳng quan tâm: “Mình không đói, mùi nấu nướng này không hấp dẫn chút nào. Tại sao phải đi tìm nhà hàng?”.
Do vậy, cảm hứng rất quan trọng, trong trường hợp cụ thể này, chúng ta đang được truyền cảm hứng từ việc trì hồng danh của các bậc Đại thành tựu giả.
Kiếm tìm hạnh phúc
Chúng ta thường bận rộn lăng xăng kiếm tìm hạnh phúc mà không thấy nó ở ngay trước mặt. Hạnh phúc theo cảm nhận thế gian thông thường giống như giọt sương trên ngọn cỏ, long lanh trong chốc lát rồi tan biến, dù ta phải nhọc bao công sức thời gian để kiếm tìm. Không giống vậy, niềm an vui, tự tại của hạnh phúc lâu bền chắc chắn có thể đạt được. Niềm hạnh phúc này lặng lẽ, giản dị, không hào nhoáng bay bổng như thứ hạnh phúc nhất thời từ trải nghiệm của giác quan. Nhưng nó thực sự sâu sắc, an lạc và bền vững.
Tình yêu thương của người mẹ
Thông thường chúng ta vẫn nhắc tới “chúng sinh mẹ đời trước”. Nghĩa là chúng ta không chỉ yêu thương người mẹ trong đời này. Bạn có rất nhiều tình cảm hướng tới mẹ, rất yêu thương mẹ. Khi nói đến tình yêu thương, chúng ta thường liên hệ với tình cảm người mẹ dành cho con. Điều này không chỉ đúng với con người mà ngay cả loài vật cũng tràn đầy tình mẫu tử ấm áp.
Khi xem các kênh truyền hình như National Geographic hay Animal Planet trình chiếu những bộ phim tuyệt vời mô tả đời sống các loài động vật, bạn sẽ thấy các con thú mẹ yêu thương con như thế nào. Từ loài khỉ, ngựa, lừa, chó, mèo… tất cả các con thú mẹ đều yêu thương con. Ngay cả những loài dữ tợn, hung hăng nhất như sư tử, hổ báo cũng luôn nhẹ nhàng trìu mến với đàn con.
Vì không có tay như chúng ta, nên khi muốn bế con, chúng ngoạm nhẹ gáy và tha con đi bằng hàm răng chắc khỏe. Thành phố Kathmandu nơi tôi ở có rất nhiều khỉ. Đôi khi, những chú khỉ con nghịch ngợm ngã từ trên cây xuống và chết. Không rõ do ngốc nghếch hay vì tràn ngập tình yêu thương, khỉ mẹ vội chạy ra nhặt xác con về và cứ ôm mãi trong vòng tay trong nhiều ngày đêm. Dù không là người, chỉ là những con khỉ, nhưng tình yêu của khỉ mẹ dành cho con cũng thật vĩ đại!
Vì thế chúng ta nghĩ rộng ra hết thảy “chúng sinh mẹ”, không phải chỉ bó hẹp bám chấp trong khái niệm liên quan tới người mẹ trong đời này. Cần mở rộng quan kiến và tầm mắt, bạn sẽ hiểu vì sao Đại thừa lại nói “tất cả chúng sinh đều giống như mẹ”.
Giấc mộng dài
Khi không còn ảo tưởng thì khổ đau cũng tan biến. Khi hiểu lầm chấm dứt thì chúng ta thức tỉnh.Vì thế chúng ta luôn cần một cái trống để đánh thức bởi chúng ta liên tục ngủ gật và vô minh. Thời gian tỉnh thức của chúng ta thật ngắn ngủi và rất khó duy trì, còn thời gian mà chúng ta tự làm mình bận rộn, căng thẳng, lo âu và ham muốn những thứ vô dụng chiếm gần như 90% cuộc đời.
Thậm chí nếu có người nào đó đánh trống gọi bạn thì bạn cũng chẳng để ý. Cuộc sống của chúng ta cứ trôi đi như vậy. Đời này sang đời khác, chúng ta tái sinh trở lại và vẫn bỏ lỡ các cơ hội, vẫn làm những việc đầy ảo tưởng như vậy. Vậy nên cuộc sống như những giấc mộng, đôi khi là ác mộng, dài vô tận, cho dù chúng ta có sống một trăm kiếp thì cũng sẽ không thức tỉnh.
Thượng sư – Người đánh cá tinh thần
Tại sao hành giả phải cầu nguyện đến Thượng sư? Bởi vì lúc này, chúng ta chưa có sự kết nối rõ ràng và sâu sắc với Thượng sư. Bởi vậy, chúng ta cần kiến lập cầu nối giữa Thượng sư và bản thân chúng ta. Để kiến lập cầu nối này, cách tốt nhất là chúng ta chí thành nhất tâm cầu nguyện tiếng gọi Thầy từ phương xa, nhờ thế Thượng sư có thể cảm ứng, hộ trì cho bạn và bạn có thể đạt được mục đích cao nhất là hợp nhất được tâm bạn với tâm giác ngộ của Thượng sư.
Như thế, Thượng sư như người đánh cá tinh thần, sự gia trì của Ngài tựa như chiếc cần câu. Ngài luôn gắng sức cứu vớt chúng sinh, đặc biệt là những đệ tử ra khỏi biển khổ luân hồi. Đôi lúc Ngài thành công, đôi lúc có thể lại không bởi vì nghiệp lực của chúng sinh.
Chúng ta luôn nghĩ rằng, một Thượng sư luôn phải có quyền năng và sức mạnh siêu việt nhưng không hẳn tất cả các Thượng sư đều như vậy. Những vị thầy không đủ phẩm hạnh thì chẳng có gì cả, còn những bậc Thượng sư trong Truyền thừa của chúng ta như Đức Milarepa, Gampopa, Lingchen Repa, Jigme Lingpa…thực sự là “những người đánh cá tinh thần vĩ đại” bởi các Ngài có “móc câu” đặc biệt là thần lực gia trì.
Các Ngài luôn cố gắng cứu vớt chúng sinh bằng sự gia trì của mình, nhưng chúng ta quá vô minh không thể tiếp nhận ân phúc gia trì đó. Chúng ta cứ mải mê lặn ngụp trong biển khổ luân hồi. Chúng ta không thể nhận được bất kỳ một thông điệp nào từ sự gia trì của các Ngài chỉ vì chúng ta thiếu thiện duyên và còn nhiều ám chướng.
Sự gia trì vĩ đại
Nguyên nghĩa tâm chí thành có nghĩa là tự tin. Tôi hy vọng “tự tin” là một thuật ngữ đúng. Dù sao đi nữa tôi đang đàm luận về những trải nghiệm của mình. Đôi lúc trong tôi tràn đầy sự an lạc bởi vì tôi thấy rõ tâm chí thành là sự gia trì vĩ đại nhất mà chúng ta có thể đón nhận.
Tôi đã cố gắng thực hành tâm chí thành trong mọi lúc, nhưng đôi khi tôi vẫn thấy là mình không thể cảm nhận được phẩm hạnh này. Tuy nhiên, tôi luôn nỗ lực phát triển tâm chí thành và đôi lúc tôi đã có thể chạm tới sự nhận thức căn bản chân chính – Yoga hay Naljor. Và khi cảm giác này đến thì tâm sẽ tràn đầy đại lạc mà có lẽ chính bạn cũng trải nghiệm được nó.
Nó không phải là sự hỷ lạc thân thể mà là một trạng thái đại lạc. Trạng thái đại lạc đấy chấn động thân tâm bạn theo một nghĩa vô cùng tích cực. Nó thực sự làm bạn cảm động một cách chân thành và tôi có thể nói rằng đó là sự gia trì vĩ đại nhất.
Ngay khi bạn bắt đầu trải nghiệm được sự hỷ lạc thì niềm hỷ lạc này sẽ tồn tại mãi trong suốt cuộc đời bạn. Bạn sẽ có thể chiêu cảm và trì giữ được năng lực gia trì mặc dù thực sự không có gì để trì giữ cả vì năng lực gia trì đã luôn sẵn có trong tâm bạn từ vô thủy.
Hoa Sen Phật – Tổng hợp từ facebook.com/drukpavietnam