Đối với người Phật tử, câu hỏi này được xem là tà kiến, là của ngoại đạo, là sự phỉ báng đối với Đạo Phật. Và câu trả lời của họ là một khẳng định: Đức Phật Thích Ca là một con người có thật, đã được sinh ra, đã giác ngộ và nhập diệt tại Ấn Độ cách nay hơn 2600 năm trước.
Câu trả lời đã được MẶC ĐỊNH như vậy và hầu như không có người nào có ý định phản biện lại điều đã được nhiều người công nhận. Tuy nhiên cần phải suy xét cẩn thận, kỹ càng và cần có câu trả lời hợp lý, chính xác cho câu hỏi: Phật Thích Ca có thật không hay chỉ là truyền thuyết?
Để khẳng định một điều gì đó có thật, chúng ta phải có bằng chứng đầy đủ và hợp lý. Vậy Phật giáo có bằng chứng nào đầy đủ và hợp lý (yếu tố CẦN và ĐỦ) để khẳng định Đức Phật là có thật?
Nội dung bài viết
Bằng chứng khảo cổ và kinh điển
Nếu lấy kinh điển để khẳng định Đức Phật là có thật thì trong hai trường phái lớn của Phật giáo là Nam Tông và Bắc Tông lại có những cứ liệu sai khác.
- Bắc Tông ghi nhận Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia khi 19 tuổi, sau 5 năm tìm đạo, 6 năm khổ hạnh rừng già thì chứng đạo vào năm 31 tuổi, thuyết pháp 49 năm và nhập diệt vào năm 80 tuổi. Ngài sinh vào 8 tháng 4, thành đạo vào 8 tháng 12 và nhập diệt vào ngày rằm tháng 2.
- Nam Tông ghi nhận Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia năm 29 tuổi, sau một thời gian ngắn tìm đạo và 6 năm khổ hạnh rừng già thì chứng đạo vào năm 35 tuổi, thuyết pháp 45 năm và nhập diệt năm 80 tuổi. Ngày sinh, thành đạo và nhập diệt đều là 15 tháng 4 âm lịch.
Người Phật tử Bắc Tông và Nam Tông đều chấp thủ vào cứ liệu của mình và phủ nhận cứ liệu của người khác nhưng nếu thực sự khách quan sẽ thấy rằng, không thể dùng cứ liệu Bắc tông mà bác bỏ cứ liệu Nam tông và ngược lại không thể dùng cứ liệu Nam tông để bác bỏ Bắc tông.
Tại sao lại có sự mâu thuẫn này? Bởi vì trên thực tế không tồn tại một người tên là Tất Đạt Đa sống tại thời điểm đó. Nếu Thái tử Tất Đạt Đa có thật, Ngài là một vị Phật và Ngài nói: “Ta sinh vào ngày xx năm xx…” thì những người theo Ngài, những bậc đại trí tuệ và nhiều người Ấn Độ sẽ ghi nhớ điều đó và truyền lại cho đời sau với sự chính xác tuyệt đối.
Ngoài ra, việc khảo cổ học đã khai quật một số bia đá của vua A Dục được cho là ghi lại những lời dạy của Phật hay những địa điểm Phật tích cũng chỉ là suy luận của ngày nay.
Ví dụ, một ngàn năm sau, loài người tương lai khai quật được bức tượng của quái vật hồ Loch Ness được dựng tại Scotland thì không có nghĩa là trong hồ này đã từng tồn tại một con quái vật. Do đó, điều này cũng chưa phải yếu tố CẦN VÀ ĐỦ để khẳng định Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm là có thật.
Kinh điển có nhắc đến, khi Phật Thích Ca chứng đạo Ngài đã không muốn thuyết giảng điều mà Ngài đã chứng ngộ và nhờ một vị Phạm thiên thưa thỉnh Ngài mới thuyết giảng Pháp mà Ngài đã chứng ngộ.
“Pháp mà Ta chứng được sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt qua mọi tư duy lý luận suông, tế nhị, chỉ người trí mới có khả năng giác hiểu, còn quần chúng này ham thích ái dục, ưa thích ái dục, bị ái dục chi phối nên rất khó lãnh hội Pháp này…”
Không thể lấy chi tiết này để khẳng định Thái tử Tất Đạt Đa đã giác ngộ, đã thành Phật và nhờ Phạm thiên thưa thỉnh Ngài mới thuyết pháp cho nhân loại.
Vì đây là chi tiết phi lý, vì rằng Phạm thiên cũng chỉ là một kẻ Phàm phu như bao Phàm phu khác, chưa hề biết Giác Ngộ là như thế nào thì sao có thể biết đó là Phật, biết đó là bậc đã giác ngộ mà thưa thỉnh thuyết pháp!
Trong kinh điển có nói đến Xá Lợi Phất, một vị A La Hán được cho là đại trí tuệ cũng không biết được tâm Phật huống chi là Phàm phu như Phạm thiên.
Tại thời điểm mà Thái tử Tất Đạt Đa thành bậc Chánh Đẳng Giác thì tất cả chư thiên và loài người đều là Phàm phu, vậy không có ai có thể biết được Thái tử đã Chánh Đẳng Giác và nếu giả sử Ngài tuyên bố: “Ta đã thành Phật” thì liệu Phàm phu có tin không, có chấp nhận không và có ai đủ tư cách pháp nhân để công nhận Ngài đã thành Phật?
Tại sao kinh điển lại không có sự thống nhất với nhau? Phải chăng người xưa đã dựng nên một nhân vật hư cấu để làm tác giả, một “biểu tượng tôn kính” cho những suy luận cá nhân, hoặc những câu chuyện dân gian được tổng hợp lại thành một tôn giáo?
Điều này chúng ta rất dễ thấy trong thời hiện đại, nhiều người đã viết những cuốn sách do họ nghĩ tưởng rồi gán đó là lời của Đức Phật…lời Đức Phật này lại mâu thuẫn với lời Đức Phật kia! Nếu một điều gì đó được đi nhắc lại nhiều lần, nó có thể trở thành sự thật.
Do đó, kinh điển, các tư liệu mà bộ môn lịch sử ghi chép lại, các công trình được khảo cổ học khai quật…chưa phải là yếu tố cần và đủ để khẳng định Phật là có thật.
Vậy tại sao Phật tử lại tin Phật Thích Ca có thật?
Đối với người Phật tử đang tu học, câu trả lời hợp lý cho câu hỏi Đức Phật Thích Ca có thật không là gì?
TÔI TIN PHẬT CÓ THẬT. Nhấn mạnh là Tôi Tin chứ không phải Tôi Khẳng Định Có. Câu trả lời Tôi tin có Phật lại chia ra hai trường hợp: Tôi tin với Chánh Kiến tức Chánh tín và Tôi tin với Tà Kiến tức Mê tín.
Người tin có Phật thật với Chánh tín là sau khi được nghe giảng hoặc nghiên cứu kinh điển có được HIỂU BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT (Văn Tuệ) về Lý Duyên Khởi mà từ đó HIỂU BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT tất cả các Danh pháp và Sắc pháp đều Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã), HIỂU BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT về Khổ, Nguyên Nhân Khổ, Khổ Vắng Mặt và Con Đường Vắng Mặt Khổ.
Sau khi có Văn Tuệ, người đó tiếp tục Tư Duy (Tư Tuệ) về điều đã học và đối chiếu với những sự thật cuộc đời đang xảy ra và thấy rằng: Nhân loại cũng có hiểu biết về Danh và Sắc, về Khổ Tập Diệt Đạo nhưng hoàn toàn sai với sự thật, trái ngược với Giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và thuyết giảng.
Người đó thấy quả thật là Giáo Pháp thậm thâm vi diệu, chỉ người trí mới có khả năng giác hiểu và phát sinh Đức tin chân chánh đối với Giáo Pháp. Khi đã có Chánh tín về Giáo Pháp người đó cũng suy tư và kết luận: “Người nói ra Giáo Pháp này phải là một bậc kỳ diệu, một con người đã giác ngộ”. Do vậy, Chánh tín khởi lên, tin rằng Phật là có thật, là vị đã thuyết giảng Giáo Pháp thậm thâm vi diệu này.
Vậy Phật Thích Ca có thật hay không? Đức Phật có thật chứ không phải là một truyền thuyết được thêu dệt. Nhưng khẳng định có Phật thật chỉ xảy ra đối với một người đã giác ngộ và theo thuật ngữ Phật học gọi là một vị A La Hán. Chỉ có vị A La Hán mới là người có tư cách pháp nhân khẳng định có Phật thật và những lời dạy của Ngài là chân lý.
Từ Đức tin có Phật thật đến BIẾT NHƯ THẬT, khẳng định có Phật thật là một quá trình thực hành và nó chỉ dành cho người trí chứ không phải cho tất cả mọi người. Đó là người có Văn Tuệ và Tư Tuệ đầy đủ mới có thể thực hành Bát Chánh Đạo.
Chỉ đối với người đã thân chứng như vậy mới khẳng định Khổ Diệt hay Niết Bàn là có thật, Tứ Thánh Đế là có thật và đương nhiên khẳng định: Người thuyết giảng được Giáo Pháp vi diệu mà theo đó ta đã thực hành và thân chứng được Tứ Thánh Đế, thoát khỏi đau khổ phải là một bậc Chánh Đẳng Giác.
Và cho dù có hay không một vị Thái tử tên Tất Đạt Đa đã sống và giác ngộ hơn 2600 năm trước tại Ấn Độ thì chân lý vẫn là chân lý, và người giảng chân lý đó chính là Đức Phật Thích Ca của chúng ta.
Hoa Sen Phật – Theo Đại Đức Nguyên Tuệ